Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên: “VPF sẽ kiến nghị phúc tra”

Sau kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL (xem trang 3), chúng tôi đã gặp gỡ những thành viên có vai trò quan trọng trong việc ký kết hợp đồng và cả những người đại diện của VPF trong việc “đòi lại quyền lợi cho các CLB”.

Chiều qua, các ông bầu trong HĐQT VPF gồm Chủ tịch Võ Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên và Phó Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn đã trần tình quanh bản kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL. Bầu Kiên nhìn nhận kết quả thanh tra về việc chuyển nhượng thương quyền truyền hình của LĐBĐ VN cho AVG là không công bằng.

. VPF còn có điểm nào chưa đồng thuận với kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Chúng tôi không hài lòng và cho rằng kết luận này cần phải xem xét lại. Điều lệ của LĐBĐ VN mục 74.1 có xác nhận thành viên của LĐBĐ VN là các CLB đồng sở hữu bản quyền truyền hình trong khi kết luận thanh tra lại căn cứ vào khoản 14 Điều 4. Các CLB có tham gia tạo ra sản phẩm thì theo Bộ luật Dân sự phải có quyền đồng sở hữu bản quyền truyền hình. LĐBĐ VN khi ký hợp đồng với AVG mà không có ý kiến của các CLB là không đúng với quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi nhấn mạnh VPF luôn làm việc theo pháp luật nhưng VPF sẽ tiến hành kiến nghị, khiếu nại về kết quả thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình sau cuộc họp của HĐQT vì chưa cảm thấy công bằng.

Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên: “VPF sẽ kiến nghị phúc tra” ảnh 1

Các ông bầu của VPF sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn về bản quyền truyền hình bóng đá. Ảnh: THẢO ANH

. Vậy thì việc các CLB đã nhận tiền ăn chia từ phần thu bản quyền truyền hình cũng là một sự đồng thuận?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Theo kết luận thanh tra thì LĐBĐ VN mới chỉ trả tiền bản quyền truyền hình cho mỗi CLB NaviBank Sài Gòn, còn lại tất cả các đội khác đều chưa nhận. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp còn quy định LĐBĐ VN sẽ chia 50% nguồn thu thực tế từ bản quyền truyền hình và các quyền thương mại khác. Tuy nhiên, LĐBĐ VN đã bán thương quyền cho AVG có những lợi ích liên quan đến đội tuyển quốc gia. Điều này là trái với Luật Thể thao bởi LĐBĐ VN chỉ quản lý các đội tuyển quốc gia chứ không được quyền sở hữu.

Chúng tôi không nghĩ đến việc phải đưa vụ này ra Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS - đóng tại Thụy Sỹ) nhưng vẫn phải kiến nghị và theo đuổi cho đến khi nào bóng đá Việt Nam phát triển theo hướng tốt nhất.

. Quan điểm của VPF khi kết luận thanh tra công nhận hợp đồng không trái với Luật Đấu thầu và thừa nhận thời hạn 20 năm?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước năm 2011, LĐBĐ VN rất sòng phẳng khi kêu gọi, tham khảo việc bán bản quyền truyền hình cho nhiều đài truyền hình khác nhau như VTV và VTC là bạn đồng hành nhiều năm liền. Theo tôi, các kế hoạch kinh doanh bóng đá của LĐBĐ VN cần phải công khai, minh bạch. LĐBĐ VN cũng không tổ chức đấu thầu rộng rãi với các nhà đài và không thông báo kế hoạch ký hợp đồng là không đúng quy định. Mục tiêu của VPF là lấy bóng đá nuôi bóng đá. Vì thế, chúng tôi phải làm đến cùng để tăng nguồn thu nhập cho bóng đá Việt Nam.

+ Ông Võ Quốc Thắng: Nếu bản hợp đồng chỉ ba năm thì chúng ta có thể cho qua, đằng này vẫn còn đến 19 năm, mà tiền thu mỗi năm (6 tỉ đồng) chỉ lũy tiến 10%. Giả dụ, bóng đá Việt Nam tương lai có nhiều hơn 28 CLB như hiện tại thì chi phí sẽ rất lớn. Trong khi đó, mỗi năm các CLB chỉ nhận vài trăm triệu đồng thì không đáng kể. Hơn nữa, điều chúng tôi lo lắng còn là sự ảnh hưởng đến tác nghiệp của báo chí, bởi thương quyền quá rộng. VPF kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước chỉ với mong muốn hài hòa quyền lợi giữa các bên liên quan.

. Khi đã xác định bản quyền truyền hình là vấn đề lớn, tại sao các ông bầu hiện đang có chân ở VPF không phản ứng ngay?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Chính tôi đã phản ứng với anh Hỷ (Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ) và anh Dũng (Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Hùng Dũng). Tôi cũng đã gặp anh Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty AVG Phạm Nhật Vũ) khuyên đừng nên ký hợp đồng này. Trong suốt một năm qua, tôi vẫn luôn bảo lưu quan điểm và đều đưa vấn đề này ra xem xét.

. Giả sử sau khi VPF kiến nghị phúc tra, hợp đồng bản quyền truyền hình ở những cấp cao hơn đều được thừa nhận đúng pháp luật thì VPF sẽ tính sao?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: VPF luôn tuân thủ tuyệt đối kết luận của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có niềm tin rằng kiến nghị hợp lý của VPF sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét và đồng thuận.

+ Ông Võ Quốc Thắng: Đây không phải một cuộc chiến hay tranh chấp để thắng hay thua. Chúng tôi tuân thủ pháp luật, tôn trọng các chỉ đạo của các cơ quan cấp trên nhưng chúng tôi sẽ làm hết mình vì bóng đá Việt Nam khi cảm thấy mọi việc chưa hợp lý.

Các đài truyền hình tự quyết định

Về việc cho phép các nhà đài vào sân truyền hình trực tiếp vào ngày mai (18-2), bầu Kiên cho biết: “VPF luôn mong muốn các trận đấu đến gần hơn nữa với giới hâm mộ qua sóng truyền hình. Thế nhưng thời điểm này các đài truyền hình phải tự quyết về hành vi ứng xử của mình. Vấn đề bản quyền truyền hình là lâu dài, khó khăn nhất trong hoạt động bóng đá Việt Nam nhưng không có nghĩa là chúng tôi không làm được”.

CÔNG TUẤN - THANH THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm