Phiếm đàm: Bóng đá… ngoài đường biên

& 1 &

“Tôi đã nhận được từ môn bóng đá những hiểu biết thêm về luân lý và bổn phận của con người”. Danh thủ nào nói câu xanh rờn vậy? Ồ, không. Một nhà văn. Bắt chước nói theo ngôn ngữ bóng đá, đó là một danh bút sừng sỏ. Albert Camus nói từ lâu lắm rồi, và do đó, đâu phải chuyện bông đùa.

Tôi đã thừ người khi nghĩ ngợi về câu nói của Camus. Không ít bàn dân thiên hạ vẫn thắc mắc triền miên vì sao môn bóng đá thu hút người coi rần rần. 22 cầu thủ chia ra hai phe, giành lấy một trái bóng, thế thôi, không thèm co giãn tăng lên hoặc giảm xuống về nhân sự. Không “khắc xuất, khắc nhập” làm chi cho mắc công. Hê hê, bóng đá có ma lực. Mỗi người mỗi cách bóp trán suy nghĩ chơi.

Xin có vài dòng phi lộ như trên.

Tôi sống trong một khu xóm lao động. Người Sài Gòn từ xửa xưa nổi tiếng là tín đồ của ba thứ: ghiền đọc nhựt trình (đọc báo), ghiền coi túc cầu (đá bóng) và ghiền coi cải lương. Hiện nay cải lương coi như ngậm ngùi lãng đãng đâu đó (lý do hàng tỉ nhưng ở đây không bàn đến), như vậy còn hai thứ ghiền. Nhiều khi hai thành một - đọc bình luận bóng đá (vừa có báo vừa có banh), nói cho đầy đủ thì không chỉ đọc mà còn nghe bình luận trên truyền hình nữa. Khu xóm tôi, người ta bàn tán suốt trong thời gian diễn ra Champion League, trước đó là Euro 2012, Word Cup 2010. Ai đời, không ít bình luận viên trên nhiều kênh cứ càm ràm nói theo những gì bàn dân thiện hạ nếu có mắt thì đều thấy tuốt tuồn tuột, “cầu thủ X lật cánh cho cầu thủ Y”, đội A thay người, C vào thay cho D”… Kiểu bình luận đó chỉ thích hợp trên sóng radio, vì không thấy hình nên bình luận viên phải làm nhiệm vụ miêu tả đường chuyền bóng, ai thay ai. Bình luận truyền hình “lộn tiệm”, biến thành truyền thanh từ hồi nào không ai biết! Đã vậy các anh bình luận viên còn khoái thốt lên những câu: “chuyền bóng rất, rất không chính xác”, “dường như là chắc chắn đội bóng B. đã bị loại”…, ngữ pháp tiếng Việt trớt hướt. Lạ thiệt (“dường như” mà lại “chắc chắn”). Sai mà vẫn không chịu sửa, 20-30 năm, vài thế hệ đi qua, người trước nói sai, thành… “idol” hay sao đó mà người thế hệ sau lại bắt chước.

& 2 &

Việt Nam có được sự xoay sở giỏi giang để mua bản quyền trực tiếp truyền hình. Ngốn bộn bạc. Chuyện cân đối tài chính thuộc về các nhà đài, nghe nói hốt bạc vì bóng đá thu hút khán giả đến mê mẩn, hàng chục triệu người dân Việt đêm nào cũng dán mắt vào màn ảnh nhỏ.

Dán mắt xem, cách nào đó, là để tạm quên đi những bức bối thường ngày. Bóng đá trị liệu pháp, quá đã!

Dù vậy, khi trận bóng đá im lặng lúc nửa đêm về sáng, chị Ba trong xóm tôi lại tất bật lo tiền chạy chợ nuôi đàn con nheo nhóc, lo đóng tiền học phờ phạc. Giá cả trở thành ám ảnh, mọi thứ từ bó rau, con cá đều tăng vùn vụt, bữa cơm vì thế trở thành gánh nặng của bà nội trợ chứ không còn là niềm vui được chăm sóc gia đình như trước đây. Rồi giá xăng bí mật tăng vào nửa đêm, sớm mai thức dậy thấy muốn té ngửa. Xe máy bữa đòi chính chủ, bữa thôi không đòi nữa nhưng vẫn hăm he chính chủ. Chuyện thời sự toàn “sốc”, bữa nghe vụ báo động vỡ đập Sông Tranh, bữa khác lại nghe Vinashin, Vinalines bốc hơi hàng chục ngàn tỉ đồng, làm như tiền là mớ giấy vàng mã không bằng, bay mất lả tả… Tất cả, ai dám nói quên cho được, trái lại dân lao động Sài Gòn nổi tiếng ghiền đọc báo, thảy đều sáng sáng ngồi quán cóc giở báo ra và “bình lựng” kèm theo tiếng thở dài.

Tôi mê cái khí chất dân dã Sài Gòn đó.

Và ước… sẽ đến một thời điểm nào đó, các đài hăm hở đầu tư cho những phóng sự điều tra tới nơi tới chốn, những tin tức sốt dẻo được truyền hình trực tiếp! Số tiền đầu tư cũng bộn bạc nhưng chắc chắn ít hơn nhiều bạc trăm tỉ như truyền hình trực tiếp bóng đá. Liệu hấp dẫn không? Liệu thu hút không? Chắc mẩm là có. Đó, phim tài liệu lừng danh của Michael Moore về vụ máy bay khủng bố ngày 11-9 thu hút toàn thế giới dõi theo. Ở Việt Nam cũng có, trước đây, hồi phim tài liệu Chuyện tử tế gây xôn xao dân tình.

Và ước… sự hăm hở đầu tư tiền bạc như bên bóng đá được phát huy vào việc cải thiện xây dựng nhà ở cho người có thu nhập “bèo”, vào việc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, vào việc đổi mới giáo dục đại học…

Bóng đá, xin cảm ơn! Vì từ bóng đá mà bỗng hiểu thêm về luân lý và bổn phận - mượn cách nói chí lý của Camus.

& 3 &

Bóng đá, “thế giới của triệu triệu ước mơ”.

Tôi còn nhớ hồi World Cup 2006, trong trận đấu Hàn Quốc - Togo, Ahn Jung Hwan được vào sân trong hiệp 2, không lâu sau anh chứng tỏ đẳng cấp bằng một pha làm bàn đẹp mắt, đưa Hàn Quốc từ địa ngục chán chường đến thiên đàng hân hoan. Hẳn nhiên, công đầu phải kể đến con mắt tinh đời của huấn luyện viên Advocaat khi “đọc” được tài năng, “đọc” được trận đấu mà ở đó bàn cờ tiến thoái chỉ cần sơ sẩy vì thói cố chấp hoặc vị kỷ hẹp hòi là thế trận… đi tong!

Cái gai góc của sân cỏ, dù vậy, vẫn còn đó vì quá khứ vẫn thường đè nặng lên những ước mơ làm mới túc cầu. Thậm chí có những kỳ World Cup, đội bóng đăng quang ngôi vô địch còn vấp phải tiếng thở dài vì tư duy bóng đá cũ kỹ nhưng khôn khéo đến mức “cáo già thành tinh”.

Cái đáng khen, cái đáng ngây ngất nhất là vẻ đẹp. Câu nói của đại văn hào Dostoievsky “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” đúng với cuộc đời rộng lớn, đúng với cả sân cỏ.

Messi của Barcelona; Kaka, Ronaldo của Real Madrid; Diego Milito của Inter Milan…, đó là những nghệ sĩ sân cỏ chính hiệu. Nhìn hình ảnh Milito vào năm 2010 CLB Inter Milan đoạt cúp Champion League, nhờ anh sút vào gôn hai trái banh sắc sảo. Lúc đó anh đã công kênh đứa con bé bỏng của mình lên vai, đẹp hết biết!

Nghệ sĩ là người đem đến cái đẹp, đem đến sự sảng khoái tinh thần. Danh hiệu cao nhất: “Nghệ sĩ sân cỏ” - nghe quá đã!

TRUNG NGÔN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm