Phí “bôi trơn”,…

Ở góc độ thể thao và đặc biệt là bóng đá vốn được xem là một phần của xã hội, phí “bôi trơn” ngày càng tăng kể từ khi lên chuyên nghiệp.

Giới bóng đá từng chỉ trích các doanh nghiệp làm bóng đá là ban đầu đã đưa phí lót tay vào trong các cuộc mua bán, lôi kéo cầu thủ để đến nay trở thành thủ tục không thể thiếu. Hồi đấy khi ĐT Long An mua Minh Phương từ Cảng Sài Gòn với giá 300 triệu đồng đã mở màn cho nhiều cuộc chuyển nhượng đình đám sau này của nhiều đại gia khác. Sau đó, khi Bình Dương mua Trường Giang từ Tiền Giang về với giá 1 tỉ đồng đã là một sự kiện lớn trong làng bóng… Rồi HA Gia Lai với Quang Trãi; Hà Nội với Công Vinh… Cứ thế giá và phí “bôi trơn” tăng lên trong các vụ mua bán, chuyển nhượng và chuyện lôi một cầu thủ khỏi CLB cũ với cái giá trên 10 tỉ đồng như hồi Phước Tứ về Sài Gòn Xuân Thành đã là chuyện nhỏ.

Bây giờ thì không phải cứ mua bán cầu thủ mới có phí “bôi trơn”. Một HLV về một CLB cũng có và nguy hiểm hơn là trong cuộc chiến trụ hạng, khoản phí đấy có lúc được công khai như hồi Hải Phòng trụ hạng bằng 10 tỉ đồng cho ba trận đấu cuối với danh nghĩa là thưởng cho cầu thủ.

Cũng vì phí “bôi trơn” mà những ông bầu làm bóng đá tử tế như bầu Long của Hòa Phát Hà Nội quyết dẹp những gì ông đầu tư, xây dựng cho bóng đá Hà Nội từ tuyến trẻ, trung tâm đào tạo trẻ đến cả đội bóng lớn hạng chuyên nghiệp.

Mới đây khi ông tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lên tiếng trong ngày ông nhậm chức về việc quyết liệt làm sạch, làm mới đội ngũ trọng tài thì rất nhiều người mừng. Bởi đấy là căn bệnh lâu năm đẩy lùi sự phát triển của bóng đá nước nhà và đặc biệt là khiến V-League chịu nhiều tai tiếng. Đội ngũ trọng tài Việt Nam không thiếu những trọng tài sạch và mẫu mực. Nghịch lý là những người đi đúng đường, đúng nghề này lại khó tồn tại và khó có điều kiện phát triển hơn những trọng tài biết “bôi trơn”.

Đã từng có giám sát chỉ ra rằng có những trọng tài hay phạm lỗi nhưng ít bị soi là bởi có “thầy đỡ” ngồi ở ghế giám sát và thậm chí là cao hơn nữa. Lại cũng có đội làm thống kê các trận đấu mà cứ giám sát X đi với các trọng tài Y, Z thì y như là còi méo nhưng lại được điểm tốt và báo cáo tốt…

Thế nên mới xảy ra những hiện tượng bạo lực gia tăng vì cầu thủ không sợ trọng tài, còn trọng tài làm sai cũng không sợ giám sát do mối quan hệ trơn tuột.

Có lần một trọng tài nổi tiếng nghiêm túc với nghề than thở với tôi việc anh này muốn bỏ nghề bởi công thức “bôi trơn” khiến những trọng tài phấn đấu nghiêm túc với nghề bị thiệt thòi về nhiều mặt.

Hy vọng bộ máy ban chấp hành mới trụ được và làm được bắt đầu từ chuyện chặn phí “bôi trơn” tồn tại ở bóng đá Việt Nam từ rất lâu rồi.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm