Pháo sáng tai hại cho tương lai bóng đá Việt

Sau sự cố pháo sáng sân Hàng Đẫy bắn từ khán đài B sang khán đài A làm cháy đùi cổ động viên (CĐV) nữ Huyền Anh, tôi nghe rất nhiều những than thở chia sẻ từ người trong cuộc.

HLV Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) không cầm được nước mắt kể lại cảnh bóng đá tỉnh nhà mùa trước thiếu nhà tài trợ, không có tiền trả lương cầu thủ khiến ông phải cầm sổ đỏ lấy tiền ứng lương cho cầu thủ. Có lương tạm, cầu thủ ông gồng lên đá vài trận cuối mong trụ hạng để bóng đá thành Nam làm lại ở mùa bóng mới.

Ông Sỹ từng chia sẻ khó khăn lắm mới mời được nhà tài trợ mới nhận lời giúp bóng đá tỉnh nhà hồi sinh thì phát pháo tai ác đã làm nhà tài trợ nản. Rõ ràng, chẳng ai mỗi năm bỏ vài chục tỉ đồng tài trợ cho đội bóng có CĐV (dù chỉ là vài người hay một nhóm người) làm xấu bộ mặt bóng đá tỉnh nhà và cái xấu đấy lây sang cả cho bóng đá Việt Nam (VN).

Nhưng nào chỉ bóng đá Nam Định lãnh đủ. Những người đang nỗ lực làm mới hình ảnh bóng đá VN và cố gắng để bộ mặt V-League đẹp hơn, thu hút hơn nhằm thuyết phục nhà tài trợ “ở lâu” với giải chuyên nghiệp giờ đang rất lo lắng. Chẳng nhà tài trợ nào hào hứng với chuyện nhãn hàng của mình gắn với cảnh CĐV ngay giữa thủ đô nằm trên cáng với cái đùi bê bết máu cùng bộ mặt đau đớn được chuyển từ khán đài xuống vào thẳng bệnh viện giải phẫu vì phát pháo sáng quái ác. Đó là chưa kể với án kỷ luật treo sân đến hết giải sắp tới, nếu Hà Nội duy trì được ngôi đầu và vô địch mà thiếu khán giả nhà hay phải làm lễ trên sân khách thì sẽ mất rất nhiều ý nghĩa.

Lực lượng bảo vệ ở sân Hàng Đẫy quá mỏng, chỉ “chữa cháy” dưới sân, dù cách đây không lâu CĐV Hải Phòng đã bắn pháo sáng dữ dội và ban tổ chức đã bị kỷ luật nhưng vẫn không khắc phục. Ảnh: NGỌC DUNG

Hình ảnh đau lòng này đã đến tai mắt AFC và FIFA, trong khi nhà tài trợ thì ngao ngán. Ảnh: NGỌC DUNG

Hai ngày qua, cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều thông tin với nhau. Tất nhiên, tất cả cần phải kiểm chứng một cách cụ thể nhưng với cái kiểu tin “bắn” đi nhan nhản về việc “bắn cho bõ ghét”, hay “bắn sang khu VIP có lãnh đạo CLB Hà Nội mà chẳng may trúng CĐV” (!?)… rất đáng để những nhà làm bóng đá và cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Nhiều người vẫn hay tranh luận sau các sự cố pháo sáng như kiểu “Pháo sáng trong sân bằng cách nào?”, hay “Vì sao nhiều lớp an ninh mà pháo vẫn lọt vào sân?”…

Vấn đề không phải là pháo sáng vào sân bằng cách nào mà là công tác an ninh ở sân bóng lâu nay tại nhiều sân vẫn có thói quen đầy khán giả lên khán đài là xong, họ làm gì trên đấy là việc của họ. Nhiều sân (đặc biệt là sân Hàng Đẫy) do muốn giảm chi phí nên thường xuyên chọn phương án đơn giản, rẻ tiền với rất ít lực lượng an ninh ở trên khán đài.

Cứ xem hai lần gần nhất và pháo sáng cháy nhiều nhất là trận Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Nam Định thì hầu như ban tổ chức chỉ lo dập lửa ở dưới sân chứ không có biện pháp nào trên khán đài.

Ở góc độ khách quan, công tác quản lý CĐV ở các đội thực chất vẫn còn rất tự phát. Một CĐV lâu năm từng tổ chức cho nhiều hội CĐV địa phương và lăn lộn trong nhóm thủ lĩnh các CĐV VN chia sẻ rất thật: “Nói không thể biết ai hay nhóm nào là không đúng. Chỉ có điều là người ta không dám đối diện với sự thật mà thôi. Ngoài ý thức của các hội nhóm CĐV, ở đây rất cần đến công tác an ninh mà các sân nên chú trọng. Chẳng hạn sân Thống Nhất, sân Bình Dương từng chú trọng với kiểu rải nhân viên trên khán đài, còn ở dưới thì liên tục quay camera vào những nhóm CĐV nên ai muốn quậy hay muốn phạm luật cũng khó mà hành động…”.

Được biết thông tin về pháo sáng làm cháy CĐV trên sân Hàng Đẫy đã đến tai AFC, FIFA và điều đấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những kế hoạch sau này của bóng đá VN, như việc đăng cai hay đồng đăng cai tổ chức các giải lớn thuộc AFC và FIFA.

Đừng để AFC, FIFA hay các quốc gia lân cận dựa vào những vụ pháo sáng kéo dài đấy rồi quy kết bóng đá VN có hooligan, những thứ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của bóng đá VN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm