NSND Việt Anh: ‘Sân khấu và bóng đá là một phần đời tôi!’

Anh em thân mật hay gọi NSND Việt Anh là anh Liêm, vì tên thật của anh là Nguyễn Văn Liêm. Anh Liêm nói về nghệ danh của mình: “Ban đầu lúc đi diễn, tôi lấy tên Nguyễn Liêm. Diễn mãi chưa thấy nổi. Bà chị tôi hồi đó sinh em bé, tên Việt Anh. Thằng nhỏ dễ thương quá trời! Tôi xin phép chị mình lấy tên cháu làm nghệ danh luôn”.

Gặp nhau là duyên số

Tôi không có thói quen hối tiếc. Có lúc học trò tôi tâm sự làm tôi giật mình, nó nói gặp được nhau là duyên số, hợp được nhau là lựa chọn. Thật ra có nhiều em diễn viên hay gọi tôi là thầy, tôi nghĩ đó là chọn lựa của các trò. Có khi tôi chưa đứng lớp dạy các em buổi nào. Nhưng có em gặp gỡ tôi, ngồi lai rai với nhau bỗng dưng gặp lại ôm tôi nói, con học từ thầy rất nhiều. Chứng kiến sự thành công vượt bậc của các em, tôi vừa hạnh phúc vừa cảm động!

NSND Việt Anh, diễn viên Ngọc Tưởng (thứ hai từ trái sang) cùng các học viên sau buổi thi tốt nghiệp vở Lôi Vũ. Ảnh AT. 

Tôi thường dạy học trò, bản thân sự thật đã là đẹp. Các em sống sao phải trung thực, đừng bao giờ lừa dối hay làm tổn thương ai. Thông minh là thiên phú, thiện lương là sự lựa chọn, các em à.

Cuộc sống và con đường duyên tình của tôi cũng vậy. Tôi từng có một mái ấm đáng mơ ước của nhiều người, có một cô con gái nhỏ xinh xắn, ngoan ngoãn. Rồi chúng tôi chia tay. Duyên đến rồi đi, tôi có muốn cưỡng cầu cũng không được. Quan trọng là chúng tôi đều lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nhau, không có chỗ cùa hờn oán.

Tôi hạnh phúc với những chọn lựa của đời mình. Ông trời có cho lựa chọn lại, có lẽ tôi vẫn thế! Mấy chục năm qua người ta thường thấy tôi ăn cơm hàng cháo chợ, ở nhà thuê cứ ngỡ tôi nghèo lắm.

Thật ra tôi rất giàu có! Tôi giàu hơn người ta tưởng!

Con gái của ông du học ở Úc, chỉ còn một mình ở tuổi 63...

... người nghệ sĩ của nhân dân hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ảnh: AT.

Tôi giàu vì tình bạn, vì những cái nghĩa ở đời. Có người thích tôi, họ ngỏ ý tặng đất đai nhà cửa, tôi từ chối. Tôi có đôi tay và còn khối óc. Nghề diễn đã ưu ái cho tôi nhiều thứ, hãy dành cho những người khác còn chưa thuận lợi trong cuộc sống. Tôi cảm giác hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của anh em bạn hữu.

Tôi ở trọ tận Thủ Đức, sáng đi khuya về. Ông Trịnh Công Sơn nói về cuộc sống nhẹ nhàng ghê gớm chưa, kiếp người như ở trọ trần gian mà thôi!

Thương những đứa học trò có lần trà dư tửu hậu với chúng, mấy nhỏ hỏi thầy đang ở đâu? Đứa nào cũng kêu trời, sao thầy đi xa quá, đêm hôm khuya khoắt nguy hiểm. Cái đứa nổi tiếng và giàu có nhất trong đám nài nỉ: “Xin thầy cho bọn em tặng thầy một món quà nhỏ để bày tỏ tấm lòng của bọn em. Từ nay thầy phải trọ tại nhà của một đứa em ca sĩ đang cho thuê ở quận 1, em sửa nhà lại cho thầy về trước Tết này. Cho phép thầy nhé, đừng làm bọn em đau lòng”. Tôi nghe mà cảm động quá, không nói thành lời.

Sư phụ Bùi Giáng của tôi có bài thơ đẹp vô ngần, bài “Người con gái mặc quần” có mấy câu: “Người con gái hôm nay mặc quần đỏ/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen/ Đen và đỏ là hai màu rồi đó/ Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên... Người con gái hôm nay mặc quần rách/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành/ Lành và rách đều vô cùng trong sạch/ Bởi vì là lành rách cũng long lanh”.

Sau những vai diễn, niềm đam mê của NSND Việt Anh là trên sân bóng đá. Ảnh: AT.

Vai diễn cuộc đời

Quê cha tôi ở Bến Tre. Tôi sinh năm 1958 tại Sài Gòn, không phải 1956 như người ta vẫn nghĩ. Bạn bè hay chọc ghẹo tôi già từ khi còn trẻ. Tôi thì thấy chắc do mình đóng kịch toàn vai lớn hơn tuổi thật, như Chu Phác Viên trong vở Lôi Vũ tôi mới có 27 tuổi, nhỏ hơn một nửa so với nhân vật.

Tôi lại nhớ mãi câu chuyện về cố soạn giả, diễn viên, đạo diễn NSND gạo cội Đào Mộng Long khi chúng tôi ở sân khấu nhỏ 5B lưu diễn vở Dạ cổ Hoài lang ở Hà Nội năm 1997. Bố Long khi ấy 82 tuổi rồi. Buổi diễn của chúng tôi hôm ấy có đông đảo anh chị em trong nghề đi xem, tôi nhớ có Lan Hương, Chí Trung,... đông lắm.

Sau đêm diễn là Hội thảo do Hội sân khấu tổ chức. Anh chị em túm tụm nhau trò chuyện thân tình, bỗng tôi nghe một tiếng thét lớn: “Việt Anh là đứa nào?”. Quay lại đã thấy đại ca Long đứng sau lưng. Tôi giật mình ấp úng nói em nè. Không ngờ anh Long ôm chặt vai tôi nói như hét vào mặt: “Diễn thế mới là diễn”. Hú hồn!

Khoảnh khắc vui vẻ của NSND Việt Anh với học trò...

... và bên những người bạn dễ mến. Ảnh: AT.

Rồi ông kể, chẳng ai mời thằng đạo diễn về hưu hội thảo kịch miền Nam cả, nghĩ tao lú lẫn chắc. Mà bọn nó đúng, vì nhà tao có mấy cây số đến Nhà hát lớn Hà Nội cũng đi lạc mấy lần. Ông nói chả ai mời, tao cũng đi. Tao đạp cửa xông vào. Suốt 30 năm nay tao mới xem lại một vở kịch như thế. Kịch thế này mới là kịch.

Tôi chẳng giấu lòng mình, nếu những vai ông Năm trong Dạ cổ hoài lang, Chu Phác Viên trong Lôi Vũ mang lại cho tôi nhiều tăm tiếng để đời, thì nói thật, tôi thả kỹ thuật biểu diễn vào nhiều hơn. Nếu ai hỏi tôi thích nhất vai diễn nào, tôi không ngần ngại nói là vai Đại tá Lukianov trong Đêm Họa mi, một tác phẩm của Nga. Chỉ khi ấy, tôi mới thổi hồn mình đắm đuối vào nhân vật, đó mới chính là tôi.

Bối cảnh vở kịch là một trung sĩ của Hồng quân Liên xô lúc ấy, sau khi đánh chiếm nước Đức thời Stalin đã đem lòng yêu một cô gái Đức. Chuyện đến tai đơn vị, ai cũng đòi kỷ luật viên trung sĩ và đòi đuổi về nước. Vì thời ấy yêu đương vậy là hủ hóa, là vi phạm kỷ luật quân đội, là tội lỗi. Duy nhất Đại tá Lukianov không đồng tình, không kỷ luật thuộc cấp của mình mà trái lại ra sức bảo vệ một tình yêu đẹp. Chuyện chỉ có vậy. Nhưng nó mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc. Tôi diễn như không diễn. Đơn giản ngay từ bé, tôi đã yêu say đắm cái đẹp, sự thánh thiện của tình yêu. Khi ấy tôi 40 tuổi.

Tình yêu với tôi không bao giờ có tội.

NSND Việt Anh trong một chuyến thiện nguyện tại xã Trí Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: AT.

Sách, sân khấu và sân cỏ

Sau ngày đất nước sum họp năm 1975, tôi đi Thanh niên xung phong, đóng ở nông trường Dương Minh Châu. Lúc còn đói kém, anh em chúng tôi vẫn sống chan hòa và cùng nhau vượt qua tất cả. Có lẽ từ thời ấy, tôi khổ quen rồi, nên có khi sướng quá lại chịu không được.

Nhà tôi đông anh chị em, 10 người, tôi thứ 7. Chẳng ai theo nghề hát cả, nhưng anh chị em tôi ca diễn ngọt ngào lắm! Thật ra tôi học nhạc trước khi học kịch. Sau dường như cảm nhận mình có năng khiếu, đài từ tròn trịa, tôi chuyển qua lớp kịch, rồi học đạo diễn nữa.

Tôi đoạt giải Mai vàng của báo Người Lao Động vai ông Năm của Dạ cổ Hoài lang, đoạt giải Cù nèo vàng của báo Tuổi trẻ là vai gã ăn trộm Tư Liều trong kịch ngắn Tốt, xấu, giả, thật,...

Thú thật là tôi không nhớ rõ lắm mình đã giành bao nhiêu huy chương vàng ở các giải thưởng sân khấu chuyên nghiệp, đã đóng bao nhiêu bộ phim trong ngót nghét hơn 40 năm làm nghề của mình nữa. Nhưng danh hiệu đáng quý nhất cuộc đời tôi là tình yêu thương, sự trân trọng của những khán giả đã từng gặp gỡ tôi trên màn ảnh, sân khấu và đời thường.

Người nghệ sĩ trên sân bóng với cựu danh thủ Võ Thành Sơn (Sở Công Nghiệp), Sáu Lèo (CA TP.HCM) ở chương trình từ thiện Cây Mùa Xuân... 

... và trong trận đấu quyên góp hỗ trợ cựu trung phong Phan Trung Việt. Ảnh: AT.

Lứa đàn anh đàn chị, tôi ngưỡng mộ tài danh của NSND Năm Châu, tôi yêu tính cách đẹp vô cùng của ca nương NSND Năm Phỉ. Họ chính là những tấm gương sáng cho tôi soi mình vào, để gìn giữ và học hỏi không ngừng cho bản thân. Tôi nhớ mãi câu nói của bác Năm Châu, ngắn thôi, mà đong đầy ý nghĩa: “Hãy cho tôi xem bạn diễn, tôi sẽ biết bạn sống thế nào”.

Diễn viên trẻ hơn, tôi thích xem các em Văn Ruy, Ngọc Tưởng diễn xuất nhập thần, còn trò Trấn Thành thì thông minh và giỏi giang thôi rồi. Thật ra nghiệp diễn không phải ai cũng gặp nhiều may mắn, thu nhập ở những sân khấu kịch không cao. Từ thời tôi còn làm Giám đốc sân khấu nhỏ 5B, qua suốt mấy chục năm rồi, ao ước sắm cho các em một cái thang may giúp khán giả không phải đi bộ lên tận lầu 4 xem kịch, mà chưa thành.

Rời khỏi ánh đèn sân khấu, sách và bóng đá như một phần cuộc sống của tôi. Thuở bé, tôi đam mê bóng đá, chơi ngon lành vai tiền vệ tấn công. Sân cỏ không chỉ mang lại cho tôi sức khỏe mà nhờ bóng đá, tôi gần gũi và chia sẻ nhiều hơn đến những cựu cầu thủ Sài Gòn già yếu, bệnh tật, neo đơn.

Tôi đọc sách gần như mỗi ngày. Những đêm khó ngủ, có khi tôi nghiền ngẫm sách đến sáng, mệt quá thiếp đi lúc nào không biết. Đọc sách, theo tôi, là sự giải trí tao nhã...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm