Nỗi lo chưa vào trận đã ‘đánh nội bộ’

SEA Games 29 tại Malaysia dự báo nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn của các tuyển thủ và HLV. Hơn ai hết ngành thể thao hiểu rõ về những chiêu trò ở “ao làng” mà chủ nhà hay bóp thế mạnh của các đối thủ để đẩy lợi thế về phía mình. Nhiều môn thế mạnh của các đoàn như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore… cũng bị thu hẹp lại để “phân tán huy chương” của các đối thủ. Thậm chí môn bóng đá nam, nữ và Futsal cũng bị thay đổi liên tục nhằm cản đường và làm khó đối phương…

Trước tình hình đó, đoàn thể thao Việt Nam phải động viên nhau vượt khó trong mọi tình huống và đặc biệt là phải luôn tỉnh táo trước chiêu trò quen thuộc ở sân chơi “ao làng”. Nói như cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, là những người đầu ngành, những lãnh đạo đoàn phải sáng suốt trước và trong trận đánh mà cách tốt nhất là phải giữ được tinh thần lẫn chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho các tuyển thủ nhà để họ lâm trận tốt nhất.

Lâm Quang Nhật suýt nữa bị loại ở cự ly ruột mà Nhà nước đầu tư lớn cho Nhật trong chương trình trọng điểm vì màn “đấu nội bộ” đúng ngày lễ xuất quân. Ảnh: QUANG THẮNG - ANH ĐỒNG

Thế nhưng vụ lùm xùm trong cuộc thi nội bộ ở môn bơi lội xảy ra đúng ngày đoàn thể thao Việt Nam xuất quân lại làm những nhà chuyên môn lo lắng. Lo vì hạt sạn đấy quá lớn và nó làm giảm hưng phấn lẫn niềm tin của rất nhiều người ở sân chơi mà chưa ra trận đã phải đấu với những trò chèn ép của chủ nhà.

Hơn ai hết Tổng cục TDTT phải biết và phải nắm rất rõ vụ lùm xùm bắt ba VĐV bơi lội cùng một cự ly phải thi đấu nội bộ với nhau trong thời điểm cận SEA Games là phản khoa học và bất hợp lý. Đó là chưa kể trong các VĐV bị “bắt” đấu có Lâm Quang Nhật nằm trong số ít ỏi VĐV trọng điểm của thể thao nước nhà, được đưa đi tập huấn xa, được đầu tư tham gia kế hoạch huấn luyện riêng.

Một khi Tổng cục TDTT đã quy hoạch Lâm Quang Nhật trong nhóm tiềm năng và có kế hoạch phát triển riêng, có lộ trình thì phải đảm bảo cho VĐV dạng quy hoạch đấy theo đúng chương trình huấn luyện. Bởi dạng VĐV trọng điểm đấy không chỉ gói gọn trong thành tích SEA Games (Nhật đã hai lần đoạt HCV và đang giữ kỷ lục SEA Games) mà phải là những thành tích xa hơn nữa. Thế mà lại đồng ý để cho bộ môn bơi lội bắt “đấu nội bộ” vào thời điểm cận SEA Games gây mất đoàn kết trong chính bộ môn và những nghi kỵ không đáng có về việc “quân anh, quân tôi”.

Ở các quốc gia tiên tiến, việc thi đấu nội bộ hết sức bình thường nhưng nó chỉ được thực hiện trong quá trình huấn luyện hoặc các bài kiểm tra theo từng giai đoạn và “thành tích” đấy là một trong chuỗi huấn luyện khoa học. Ta thì vừa qua lại làm chuyện rất bất thường và bất bình (với nhiều giới) đó là gom ba VĐV với ba môi trường huấn luyện khác nhau lẫn điểm rơi cho SEA Games mà bỏ qua các yếu tố khoa học. Việc cho các VĐV ra hồ thi thố kiểu “đấu chọi” nhằm phân tài cao thấp và lấy kết quả “chọi” đấy để trả lời cho “đáp án” ba chọn hai rất đáng bị lên án.

Các HLV bơi lội và các chuyên gia bơi lội hàng đầu khi được hỏi về việc “đấu” ba chọn hai trên thì ai cũng lắc đầu và cho rằng đấy là kiểu sàng lọc phá hoại hơn là tìm đáp số tốt nhất cho đoàn thể thao Việt Nam đánh trận ở SEA Games.

Thật xấu hổ khi những nhà bày ra cuộc thi ba chọn hai đấy như một test trung thực và khoa học. Rồi sau đó lấy kết quả Lâm Quang Nhật không thi đấu nội bộ tất nhiên sẽ bị loại ở cự ly ruột (cự ly mà Nhật được Nhà nước đầu tư rất tốn kém cho quá trình tập huấn dài hạn ở nước ngoài mà anh mới trở về thì bị bắt “đấu nội bộ”).

May mà giờ chót khi lãnh đạo ngành và đặc biệt là ông trưởng đoàn Việt Nam dự SEA Games 29 khi nghe những phản biện đã tỉnh táo và xóa đi trò hề của cuộc thi đấu nội bộ đã diễn ra mà không có Quang Nhật tham dự.

Tổng cục TDTT kịp thời chữa cháy khi kịp dìm hạt sạn to tướng đúng ngày lễ xuất quân nhưng điều đó khiến nhiều người lo lắng và bất an trong việc giải quyết những rắc rối nội bộ.

Sẽ ra sao nếu những nhà chuyên môn không lên tiếng và dư luận không làm lớn “cuộc đấu nội bộ” trước khi thể thao Việt Nam vào trận đánh lớn?

Bao nhiêu cuộc điện thoại về Tổng cục TDTT

Ngay từ khi ý tưởng “đấu nội bộ” hình thành và lấy đó để ép Quang Nhật nếu không đấu sẽ bị loại, đã có hàng chục cuộc điện thoại phản ứng về những người có trách nhiệm ở Tổng cục TDTT. Rất tiếc là những nhà đại diện cho ngành thể thao đã không đủ dũng cảm để quyết chuyện phản khoa học và mang tính chèn ép kiểu “quân anh, quân tôi” đấy.

Phản ứng mạnh nhất trong việc “đấu nội bộ” phản khoa học là những nhà thể thao ở Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, đơn vị chủ quản của Quang Nhật. Chia sẻ với chúng tôi về việc trên, một lãnh đạo ngành trách cứ Tổng cục TDTT quá nhu nhược và thiếu chính kiến để mối hoài nghi lẫn niềm tin tăng lên cao, đồng thời làm các tuyển thủ bị tổn thương trước khi vào trận đánh lớn. Đây là bài học lớn cho những người làm công tác thể thao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm