Những ông thầy SV-League ‘nắn gân nhau’ trước giờ khai cuộc

Mùa giải SV-League 2020 lần đầu tiên quy tụ các đội bóng đến từ trường Đại học có phong trào bóng đá nổi bật. Theo kết quả bốc thăm, các đội chia làm hai bảng như sau: Bảng A gồm Trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách Khoa. Bảng B gồm Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Cần Thơ.

Bảng A: Chuyên nghiệp hóa bóng đá sinh viên

Sau hai lần trì hoãn vì dịch bệnh COVID-19, giải bóng đá SV-League đã đi đến những công đoạn cuối cùng và sẵn sàng bước ra đấu trường lớn. HLV Huỳnh Hồng Sơn, cựu tuyển thủ quốc gia là HLV của trường Đại học Bách Khoa tự hào: “Chúng đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần cho ngày hội bóng đá lớn của giới sinh viên sau nửa năm tập luyện nghiêm túc và bài bản.

HLV Huỳnh Hồng Sơn và sinh viên ĐH Bách Khoa chăm chỉ tập luyện. Ảnh: AT.

Tôi cảm nhật rất rõ cầu thủ sinh viên háo hức ra sao ở các buổi tập. Nhiều em nói với tôi sau mỗi buổi lên giảng đường, họ mong ngóng từng giờ, từng phút ra sân chơi bóng. Tôi đã chọn ra 120 cầu thủ, và sau đợt sàng lọc đầu tiên giữ lại 60 em, tiếp tục lựa ra 30 người cuối cùng”.

HLV Hà Vương Ngầu Nại của ĐH Văn Hiến chia sẻ: “Ban giám hiệu  nhà trường tạo điều kiện rất tốt cho thầy trò tập luyện đều đặn. Có chút hạn chế là một số sinh viên còn phải đi làm thêm, học thêm nên tôi phải điều chỉnh giáo án sao cho khi vào giải, ai cũng đạt phong độ cao nhất.

Theo đánh giá của tôi, ĐH Tôn Đức Thắng có sân riêng đạt tiêu chuẩn và tập thường xuyên sẽ rất đáng gờm. Bách Khoa hay Khoa học Tự nhiên cũng không phải dạng vừa. Chúng tôi sẽ nỗ lực cao nhất để chơi những trận cầu chất lượng nhất”.

ĐH Văn Hiến của thầy Hà Vương Ngầu Nại là một ẩn số khó đoán. Ảnh: AT. 

Không thi đấu và huấn luyện chuyên nghiệp như hai cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn kể trên, Nguyễn Đình Long của đội ĐH Tôn Đức Thắng cũng rất tự tin: “Chúng tôi vào mùa giải tập luyện ráo riết hơn. Ngoài sinh hoạt tuần ba buổi thứ 3-5-7 như thường lệ thì có tăng cường thêm hai buổi thứ 4-6 rèn thể lực, Chủ Nhật lại thi đấu giao hữu.

Theo tôi nghĩ, đội bóng nào ở SV-League cũng là một ẩn số thú vị trong một cuộc chơi có Ban tổ chức chuyên nghiệp. Chúng tôi không e ngại bất kỳ đối thủ nào. Điều quan trọng là Ban huấn luyện phải gần gũi, hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh để giúp họ chơi tốt hơn”.

HLV trẻ Cao Tùng A Vỹ của đội ĐH Khoa học Tự nhiên thận trọng hơn: “Chúng tôi ngày nào cũng ra sân tập và dần hoàn chỉnh mình. Càng thi đấu cọ xát nhiều, cầu thủ sẽ càng chín chắn hơn”.

Thầy Nguyễn Đình Long gần gũi với học trò ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: AT.

Bảng B: Ra sân là phải chơi cống hiến

Thầy Phan Hoàng Vũ cách đây 20 năm từng mang băng thủ quân đội bóng sinh viên TP.HCM đá siêu cúp với sinh viên Hà Nội giờ là trưởng đoàn ĐH Nông Lâm chia sẻ về SV-League 2020: “Dưới sự bảo trợ của những ông bầu đam mê bóng đá, các trường đều an tâm lớn về nguồn kinh phí dự giải và chỉ cần tập luyện sao cho thật tốt. Hơn nữa, tôi ấn tượng về mục đích của các ông bầu, như bầu Đức của ĐH Nông Lâm luôn hướng về thứ bóng đá sạch, đẹp.

Cái hay ở SV-League không chỉ là bóng đá, nó còn là một sự kết nối công việc giữa doanh nhân và nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Những ông bầu hứa hẹn sẽ tuyển chọn cầu thủ sinh viên sau khi tốt nghiệp ra làm việc cho họ. Điều đặc biệt khác của SV-League còn là khuyến khích học sinh chơi bóng giỏi, học tốt sẽ cộng điểm cho các kỳ tuyển sinh, ưu tiên chọn ngành học phù hợp.

Thầy Phan Hoàng Vũ (bìa phải) theo dõi buổi tập của cầu thủ ĐH Nông Lâm. Ảnh: AT.

Về mặt chuyên môn, ĐH Nông Lâm có kinh nghiệm nhiều ở các giải đấu dành cho sinh viên, cộng với sự dày dạn của HLV Nguyễn Văn Tuấn cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn. Chúng tôi tập luyện đều đặn để hướng đến một kết quả cao nhất. Theo tôi, bóng đá sinh viên cần bồi bổ tốt về mặt tinh thần và thể lực cho cầu thủ là giải quyết tốt trận đấu”.

Trọng tài FIFA Châu Đức Thành giờ là giám sát giải hạng nhì quốc gia, có thâm niên dạy thể chất ngót nghét 20 năm ở ĐH Cần Thơ không ngần ngại biểu dương lực lượng: “Đội hình của chúng tôi rất đồng đều. Có khi tôi còn đau đầu vì sinh viên nào cũng có thể đá chính thức tốt. SV-League hay ở chỗ mỗi đội bóng là một ứng cử viên giấu mặt, phải qua 1-2 trận mới dần lộ diện. Nó tạo ra một không khí hấp dẫn và đầy bất ngờ mà không phải cứ mạnh được yếu thua.

Giám sát, cựu trọng tài FIFA Châu Đức Thành huấn luyện sinh viên ĐH Cần Thơ. Ảnh: AT. 

ĐH Cần Thơ tập luyện như chuyên nghiệp nhưng thi đấu sẽ rất vô tư, trung thực như tiêu chí của các ông đưa ra. Tôi hay dặn dò các sinh viên ra sân là phải chơi cống hiến, nỗ lực hết mình, không toan tính, không cần lo lắng gì hết.

ĐH Cần Thơ may mắn có lực lượng dồi dào, khiến chúng tôi trải qua bốn đợt kiểm tra từ 130 em, chọn lọc còn 35 là thành viên chính thức để vừa bảo đảm tập luyện, vừa học hỏi kế thừa. Trước mỗi trận đấu, chúng tôi từ Cần Thơ lên sớm một ngày tập làm quen sân, ăn ở có Ban tổ chức giải chu toàn và hiệu ứng hình ảnh của SV-League chẳng khác gì V-League”.

Cựu cầu thủ Hồ Văn Tam của CLB Cảng Sài Gòn giờ là HLV đội bóng ĐH Sài Gòn. Ảnh: AT.

HLV Trần Mạnh Hùng hy vọng ĐH Sư phạm Kỹ thuật sẽ gây bất ngờ lớn. Ảnh: AT.

Trong khi đó, HLV Hồ Văn Tam phải dụng công nhiều hơn với Đại học Sài Gòn: “Các sinh viên tập mỗi ngày suốt mấy tháng qua, đến cuối tuần lại thi đấu giao hữu. Có điều, các em chủ yếu đá sân nhỏ 5 người nên tôi cần chỉnh sửa nhiều cho sân 11 người, cả việc phải uốn nắn kỹ lực lượng dự bị. Cầu thủ của tôi không chỉ biết đá bóng mà còn phải đá hay, đá đẹp”.

Chưa có tiếng như các đàn anh HLV trong bảng nhưng nhà cầm quân ĐH Sư phạm Kỹ thuật Trần Mạnh Hùng cũng là “con nhà nòi” khi từng đá đội trẻ Đắk Lắk. Anh tốt nghiệp Đại học TDTT II TP.HCM và lấy luôn bằng C huấn luyện của AFC: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc chơi lớn với sự háo hức của sinh viên tập trung huấn luyện từ trước Tến đến nay. Tôi nghĩ mùa giải này có hai đội ĐH Nông Lâm và Tôn Đức Thắng rất mạnh. Còn lại các đội khách có lẽ tương quan lực lượng không quá chênh lệch sẽ hứa hẹn có nhiều bất ngờ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm