Câu chuyện đầu năm

Những người cứu rỗi bóng đá Việt Nam

Có một câu chuyện riêng tư của bầu Đức khi tôi hỏi ông về việc phối hợp ra sao với VFF để phát triển lứa U-19 mang tầm vóc quốc gia như ông kỳ vọng từ cách đây hơn sáu năm. Câu trả lời dường như đã nằm sẵn trong đầu bầu Đức: “Tôi còn phải chờ chủ tịch VFF mới ở nhiệm kỳ VII là ông nào mới có quyết định”.

Câu nói của bầu Đức không bóng gió xa xôi gì cả. Ai cũng thấy điều ông bầu phố núi mong mỏi là một sự thay đổi lớn ở thượng tầng để quy hoạch lại nền bóng đá Việt Nam mà thời của ông Nguyễn Trọng Hỷ đã lạc hậu, trì trệ lắm rồi.

Tại vị suốt hai nhiệm kỳ, thế nhưng ông Hỷ và những cộng sự ở năm cuối cùng 2013 đã gửi lại nhiều dư vị đắng chát cho giới hâm mộ bóng đá nước nhà. V-League hoãn lên hoãn xuống cho đến lúc đi thật đông lại về không đủ.

Khủng hoảng kinh tế chỉ là một mẫu số chung nhất để bao biện cho những cuộc chia tay với bóng của nhiều tổ chức và ông bầu. Cái chính là người trong cuộc đã cạn chén niềm tin của cơ quan quản lý và điều hành nền bóng đá như gã mù đi trong bóng tối không tìm thấy lối ra.

Những người cứu rỗi bóng đá Việt Nam ảnh 1
Bầu Đức từ chối nhận vòng hoa người hùng và chỉ vào các cầu thủ U-19 với lời nói họ mới là người xứng đáng. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Bóng đá không còn mang lại niềm vui cho các nhà đầu tư lẫn người hâm mộ trong khi cầu thủ thất nghiệp hàng loạt và kiện tụng CLB vì không tìm thấy tiếng nói chung. V-League náo loạn và giải hạng Nhất nghỉ sớm do thiếu đội chơi là phản ánh rõ nét nhất bản chất của đội tuyển U-23 Việt Nam với nhân tài như lá mùa thu lẫn một ông thầy hạng Nhất bắt cóc bỏ dĩa.

Chắc sẽ không có ai chịu trách nhiệm trong cuộc bể dâu của bóng đá Việt Nam khi người đứng đầu VFF bỗng dưng xin nghỉ việc bởi “xôi” đã không còn. Lỗi của ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ rõ ràng trong những chữ ký vội vã chứng tỏ chính kiến và chuyên môn của ông có vấn đề bên cạnh nhiều cộng sự toan tính cao cơ hơn hẳn.

Chẳng hạn, ông Hỷ rất mạnh tay ở một ngày nghỉ vẫn có thể “trảm” cùng lúc hai nhân vật đứng đầu ban trọng tài dù cơ quan điều tra kết luận nghi án hối lộ trên sân Thanh Hóa chỉ là tin đồn. Hay như việc thay đổi xoành xoạch chiến lược và mục tiêu của các đội tuyển quốc gia dẫn đến sự tan tác từ vòng loại Asian Cup cho đến SEA Games 27.

Trong bức tranh màu xám của bóng đá Việt Nam năm 2013 chỉ còn lại mỗi bầu Đức nổi lên như một người hùng cứu rỗi cả làng bóng dù ông luôn từ chối sắm vai người hùng.

 

“Đu” theo U-19

Bầu Đức đã làm bước đột phá mà lâu nay Nhà nước đổ tiền rất nhiều cho bóng đá nhưng đích đến luôn bị trắc trở. Đã có nhiều người hỏi rằng tiền đổ nhiều quá cùng với cả tiền của FIFA cho bóng đá trẻ, thế nhưng vì sao bóng đá trẻ Nhà nước và tổ chức liên đoàn làm đều gãy.

Lứa U-19 Việt Nam hiện nay chẳng có bàn tay của Nhà nước và liên đoàn nhúng vào nhưng họ đã tạo nên sự kiện. Đó là lò HA Gia Lai - Arsenal, lò Viettel, lò Hà Nội, lò Khánh Hòa, SL Nghệ An… góp cầu thủ vào theo cách làm của những doanh nghiệp, những tư nhân làm bóng đá. Đáng kể nhất là lò của bầu Đức tốn hàng triệu đô để nuôi “gà nòi” nhắm đến mục đích bán cho các CLB nước ngoài và trước mắt là các cầu thủ này góp sức cho U-19 Việt Nam.

U-19 Việt Nam tạo nên sự kiện và lập tức có quá nhiều người “đu” theo lẫn “ăn theo” trong đó có người mở cả chiến dịch “đu” U-19 để lấy ghế ở nhiệm kỳ VII.

Hy vọng các cầu thủ sẽ phát triển tự nhiên chứ không phải gánh vác thêm, đèo bòng thêm một cách bất đắc dĩ những người lớn muốn dựa hơi U-19. 

NGUYỄN NGUYÊN

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm