Những mảnh đời trớ trêu phía sau vụ cầu thủ V.Ninh Bình cá độ

1. Năm 2006, VCK Giải U21 Báo Thanh Niên tổ chức ở Đà Nẵng. Đó là năm mà giải đấu này bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Chanchu thế nhưng đó cũng là sân chơi lóe lên nhiều tia hy vọng của bóng đá. Khán giả Đà Nẵng cứ tấm tắc khen một cầu thủ Nam Định nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và đặc biệt có cái chân trái rất “dị”. Tôi đến tìm hiểu về cầu thủ này, gặp anh Hưng Thái, lúc đó vừa là PGĐ Sở TDTT Nam Định kiêm trưởng đoàn. 

Anh Thái nói: “Đó là Danh Ngọc. Nó còn một thằng anh sinh đôi nữa là Nhật Nam, cũng đá bóng. Hai thằng này người Thái Bình, được ông Luật (HLV Vũ Thiện Luật - đã mất) phát hiện. Mỗi thằng một tính nết, Nhật Nam điềm tĩnh, chín chắn hơn. Danh Ngọc thông minh, nhanh nhẹn, chơi bóng tốt hơn anh nhưng có phần láu cá. Mà thôi, đừng viết gì về chúng nó. Trẻ con bây giờ hay ảo tưởng, thấy báo chí ca ngợi là sớm hỏng”.

Năm đó, Danh Ngọc tròn 16 tuổi nhưng chơi bóng ngang ngửa lứa đàn anh U21 nên cũng không có gì ngạc nhiên ở tuổi 19, Danh Ngọc đã khoác áo tuyển U23. Nhưng đúng như người thầy Hưng Thái nhận xét, Ngọc thiếu độ điềm tĩnh và điều đó khiến Ngọc đã phải trả những cái giá quá đắt. Khi còn khoác áo Nam Định, Danh Ngọc đưa “ngón tay thối” về phía CĐV Thể Công. 

Hành động trẻ con và bột phát này khiến Danh Ngọc bị phạt 10 triệu đồng và treo giò 6 trận. Ba năm sau, khi về V.Ninh Bình sau một cuộc chuyển nhượng đầy tranh cãi, Danh Ngọc tiếp tục “nổi tiếng” khi… chửi trọng tài Ngô Quốc Hưng. Lần này thì án phạt nặng hơn: 20 triệu và treo giò 45 ngày.

Những tưởng “cậu bé hư” Danh Ngọc đã lớn khi cuối năm 2013, Ngọc quyết tâm… lấy vợ. Vợ Ngọc là một cô gái trẻ mê bóng đá, rất xinh đẹp. Lấy vợ xong, hàng loạt ý định được đôi vợ chồng trẻ bắt tay vào thực hiện. Với số tiền có được từ nghề bóng đá, Danh Ngọc mua một căn nhà ở đường Hùng Vương - Ninh Bình, vừa ở vừa bán quần áo và mở một quán phở ở Thanh Hóa… Đầu năm 2014, Ngọc báo tin đã lên chức bố.
Đùng một cái, Danh Ngọc dính vào vụ cá độ một cách rất… trớ trêu. Trận đấu với Kelantan, Ngọc chấn thương không sang Malaysia thi đấu mà ở nhà. Ngọc cũng không tham gia hùn tiền, hay đóng góp gì cho vụ cá độ. Nhưng có lẽ, do Ngọc “ma lanh” quá mà tự hại thân. Khi biết được vụ việc, Ngọc nhắn tin dọa đồng đội Trần Mạnh Dũng là phải “nôn” tiền nếu không sẽ… báo cáo lãnh đạo. Tất nhiên, là Dũng chi. Cầm số tiền 50 triệu “bất ngờ” nhận được, Ngọc hỉ hả: Thôi thì coi như các chú các bác tặng cháu cân đường hộp sữa.
2. Trần Mạnh Dũng cũng từng được coi là một trong những “báu vật” của bóng đá Nam Định. Sinh năm 1990, cùng lứa với Danh Ngọc, năm 17 tuổi Mạnh Dũng đã đá V.League, năm 19 tuổi khoác áo U23 Việt Nam y hệt Danh Ngọc. Mạnh Dũng - được gọi là Dũng “con” vì thân hình nhỏ bé, chỉ nặng 50kg, cao 1m67. Từ nhỏ, Mạnh Dũng là cậu bé suy dinh dưỡng nhưng có đôi chân rất khéo. Đó là lý do mà V.Ninh Bình chấp nhận bỏ ra khoản tiền lên tới hơn chục tỉ để kéo Mạnh Dũng về thi đấu.
Năm 2013, dấu mốc đáng chú ý của Mạnh Dũng là bàn thắng ghi vào lưới Arsenal khi đội này sang Việt Nam du đấu. Bình thường, Dũng là tuýp người ít nói, có phần bí hiểm. Khi Dũng có tiền, rất nhiều tiền lúc tuổi đời còn rất trẻ, người ta thấy Dũng mua chiếc xe ôtô cực xịn, khiến cả khu phố nghèo lác mắt thay vì để bố mẹ giữ hoặc mua mảnh đất tính chuyện dài lâu. Thời điểm ấy, có người thấy điều gì đó không ổn.

Chẳng ngờ, người “tẩm ngẩm” như Dũng lại là “ông trùm” khi đích thân liên hệ với nhân vật tên Lợi trú ở Hải Phòng đặt vấn đề “ làm độ” trận Kelantan - V.Ninh Bình. Để thực hiện, Dũng rủ các đồng đội tham gia là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, hậu vệ Lê Quang Hùng, Lê Văn Duyệt, Phạm Xuân Phú, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hưng thống nhất tham gia cá độ với hình thức cá độ là bắt kèo “tài ba hòa”, số tiền cá độ là 2 tỉ đồng, nếu thua thì chia đều số tiền trên để trả, nếu thắng thì chia đều tiền thắng cá độ. 

Khi ra sân, Trần Mạnh Dũng gọi điện cho Lợi để đặt cá độ nhưng Lợi chỉ nhận cá độ với số tiền 1,2 tỉ đồng. Trận này, Ninh Bình thắng 3-2, các đối tượng trên thắng độ với số tiền 800 triệu đồng. Mỗi cầu thủ được chia từ 60 đến 80 triệu đồng…

Từ làm đội trưởng V.Ninh Bình tới đội phó đội U23 Việt Nam ở SEA Games 27, Trần Mạnh Dũng đã có một vết trượt quá dài...

3. Nếu như Danh Ngọc nhắn tin “tống tiền” đồng đội, Trần Mạnh Dũng là “chủ mưu”, thì một cầu thủ U23 khác là Văn Thắng đã dính vào vụ việc này một cách lãng nhách. Lê Văn Thắng quê Nông Cống -Thanh Hóa, là cầu thủ có hoàn cảnh rất đặc biệt: Lên 5 tuổi, Văn Thắng mồ côi cha. Trong một lần đi làm, bố Văn Thắng nhảy lên xe công nông, người lái công nông đùa cợt hất bố Thắng xuống đường khiến ông thiệt mạng. 

Cả gia đình điêu đứng vì mất trụ cột kinh tế, tinh thần cho cả gia đình. 10 năm sau đến lượt mẹ Thắng ra đi, bà mượn xe máy để tập đi và bất ngờ mất lái đâm vào tường. Cả bố và mẹ cùng mất, 15 tuổi khi là cầu thủ trẻ của Thanh Hóa, Văn Thắng đã phải kiếm tiền nuôi các em. Những khoản tiền đầu đời, khi các bạn mua sắm quần áo, Thắng dành dụm gửi về nhờ bác gái chăm sóc em…

Cầu thủ Danh Ngọc (áo trắng).
Cầu thủ Danh Ngọc (áo trắng).
Văn Thắng từ Thanh Hóa về với mức chuyển nhượng trong mơ là 4,5 tỉ cho một hợp đồng kéo dài 3 năm. Số tiền ấy đủ để Thắng đổi đời. Trận đấu với Kelantan, Thắng đá chính nhưng không tham gia cá độ. Tuy nhiên, Văn Thắng biết chuyện của các cầu thủ. Để Thắng im miệng, Dũng quyết định chi cho Thắng 20 triệu đồng. Thắng đã nhận mà không hề biết rằng chỉ với 20 triệu đồng, số tiền bằng ½ tháng lương, anh có nguy cơ đánh mất cả tương lai…
4. Gần như cả đội bán độ, HLV Nguyễn Văn Sỹ có biết không?
Nguyễn Văn Sỹ khẳng định là anh không hề biết chuyện này. Thậm chí, anh sốc, sốc tới mức phát khóc sau cái tin định mệnh ấy. Với Nguyễn Văn Sỹ, việc các học trò đi đêm chẳng khác nào nhát dao. Hầu hết các cầu thủ đều được anh kéo từ Nam Định về Ninh Bình với mức giá chuyển nhượng cao. Đội Nam Định - quê Sỹ - vì nhiều lý do lao đao xuống tận hạng nhì. Đó không phải là sân chơi chuyên nghiệp, anh tiếc lứa cầu thủ tài năng của Nam Định được cố HLV Vũ Viết Thuật tạo dựng sẽ không thể phát triển nếu chôn chân ở sân chơi hạng nhì.

Mạnh Dũng, Danh Ngọc, Quang Hùng, Lê Văn Duyệt... là những đứa trẻ mà Nguyễn Văn Sỹ đã cứu cho cả sự nghiệp khỏi chìm đắm trong sự sa sút của bóng đá Nam Định. Rõ ràng, với những cầu thủ đang còn ở Nam Định, như người anh của Danh Ngọc và Hoàng Nhật Nam thì đã thấy những khoảng cách về danh vọng và tiền bạc.

Trận đấu của V.Ninh Bình.
Trận đấu của V.Ninh Bình.
Hay trường hợp Chu Ngọc Anh, tưởng chừng thất nghiệp khi CLB HN của bầu Kiên giải thể được Sỹ đưa về làm lại từ đầu. Rồi những Gia Từ, Anh Tuấn có lúc tưởng phải đi đá phủi kiếm cơm cũng được Sỹ tạo cơ hội. Sỹ với các cầu thủ chơi theo kiểu đàn anh, nghĩa là đôi khi có thể đứng ra bảo lãnh cho các cầu thủ. Sỹ được nể vì nhưng không vì lẽ đó mà các cầu thủ không phản bội anh.
Cái đau của Sỹ là anh không kiểm soát được tình hình, thậm chí quá tin tưởng những học trò của mình. Nhiều người làm nghề đau cho Sỹ - anh bị học trò coi rẻ và sẵn sàng bán anh lấy số tiền chỉ đáng lương tháng.

Cũng còn may cho Nguyễn Văn Sỹ trong số những người phản bội anh, không có cậu con trai Nguyễn Vĩnh Long, cũng đang khoác áo V.Ninh Bình. Nếu chuyện này xảy ra, có lẽ Sỹ không chịu đựng nổi… 

Theo Khánh An (laodong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm