FESTIVAL HỒNG HÀ - TRƯỜNG SƠN - CỬU LONG 2015

Nhớ thời cơ cực nhưng oanh liệt của cha anh

Một cựu tuyển thủ đã trả lời không có các giải Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long thì không có những trang sử bóng đá hào hùng để bây giờ các thế hệ ôn lại…

Khi truyền thông đưa tin về Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long 2015 do Liên chi hội Cựu cầu thủ Việt Nam tổ chức trên sân Thống Nhất vào chiều 14-4 thì nhiều người còn ngạc nhiên hỏi đấy là ngày hội gì và cái tên Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long mang ý nghĩa gì.

Sau khi đất nước thống nhất, điều mà các cầu thủ trên khắp mọi miền đất nước ao ước là được thi đấu một giải bóng đá vô địch quốc gia trên toàn lãnh thổ. Giấc mơ đấy cứ được ấp ủ bắt đầu từ trận bóng đầu tiên giữa hai đại diện của hai miền Bắc - Nam là Tổng cục Đường sắt do HLV Trần Duy Long dẫn dắt vào Sài Gòn thi đấu với đội Cảng Sài Gòn vào ngày 7-11-1976. Một trận đấu diễn ra hơn một năm sau ngày xe tăng quân giải phóng húc đổ cửa cổng Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) và sân Cộng Hòa đổi tên thành sân Thống Nhất đã được chứng kiến một ngày hội bóng đá. Trận đấu mà trước đó cả tháng trời, các đài nước ngoài chăm chăm ngó vào quá trình chuẩn bị cho trận đấu ấy và lợi dụng để xuyên tạc, kích động nhưng cuối cùng trận đấu diễn ra thành công và ấm áp ngoài mong đợi.

Khởi nguồn từ trận đấu đấy, ao ước có một giải vô địch quốc gia kể từ ngày thống nhất đất nước cứ ấp ủ trong lòng người yêu bóng đá. Và được lệnh của Chính phủ, năm 1977, Tổng cục TDTT đã chỉ đạo các ban, ngành thành lập ba giải đấu Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), giải Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và giải Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam). Bóng đã lăn trên khắp mọi miền đất nước nhưng để hình thành giải vô địch toàn quốc thì chưa thể. Nhắc đến ba giải đấu đấy, nguyên trưởng bộ môn Bóng đá Tổng cục TDTT Trần Bảy kể lại: “Chúng tôi nhận lệnh phải tổ chức thật tốt ba giải Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long cho ba miền nhằm làm bước đà và là tiền đề để tiến đến giải vô địch bóng đá quốc gia toàn quốc đầu tiên vào năm 1980. Dù là những giải đấu thuộc vùng miền nhưng tính quyết liệt và sự cạnh tranh rất cao do suy nghĩ bóng đá cũng là một phần của công tác chính trị trong giai đoạn phát triển đất nước sau chiến tranh… Nói thật là hồi đấy tổ chức giải lo lắm. Cầu thủ khắp mọi miền thì giỏi nhưng cứ sợ những thành phần thù địch phá phách để một trong ba giải trên thất bại thì sẽ khó có cửa để Chính phủ cho phép hình thành giải vô địch quốc gia trên khắp mọi miền đất nước…”.

Đội Tổng cục Đường sắt do HLV Trần Duy Long (bìa trái) dẫn dắt trong chuyến đại diện bóng đá miền Bắc thi đấu với Cảng Sài Gòn năm 1976. Ảnh: TƯ LIỆU

 
Minh “nhí”, một trong những thế hệ cầu thủ cựu trào của TP.HCM từng tham dự giải Cửu Long đang nhận cúp. Ảnh: TƯ LIỆU

Cựu HLV Trần Duy Long, người dẫn dắt đội Tổng cục Đường sắt vào Sài Gòn đá trận cầu lịch sử đầu tiên giữa hai đội bóng đại diện hai miền, nay đã là chủ tịch Liên chi hội Cựu cầu thủ Việt Nam ở cái tuổi ngoài 70 lại chăm chăm tổ chức những Festival đầy ý nghĩa ôn lại truyền thống hào hùng của cha anh thời gian khó; ôn lại những giá trị của thời ao ước trái bóng lăn trên khắp đất nước với một giải vô địch quốc gia. Ông Long bồi hồi giữa hai giai đoạn: “Năm 36 tuổi tôi được cấp trên giao nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong vào miền Nam thi đấu bóng đá sau ngày giải phóng đất nước anh em nôn lắm. Hay tin ấy từ khi còn tập huấn bên Trung Quốc. Đi đá nước ngoài anh em không ai bị tâm lý cả thế mà từ ngày được giao nhiệm vụ chuẩn bị vào Nam ai cũng trạng thái và bồn chồn vì niềm vinh dự trong trận cầu lịch sử ấy lớn quá. Dày dạn thế mà khi dẫn nhau ra sân, ai cũng mắt đỏ hoe vì cảm động. Bây giờ khi Liên chi hội Cựu cầu thủ Việt Nam ra đời thì anh em chúng tôi người còn, người mất, người không còn trí nhớ hoặc bệnh tật nhưng cứ nghe đến Festival Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long thì ai cũng rưng rưng. Liên chi hội Cựu cầu thủ ra đời như một tổ chức liên kết những cầu thủ cựu trào lại với nhau và chăm cho nhau khi yếu đau với tình người ấm áp…”.

Từ 14 giờ ngày 14-4, sân Thống Nhất sẽ họp mặt những đôi chân vang bóng một thời với những tên tuổi từng làm nên phần lịch sử của bóng đá Việt Nam sẽ hội tụ và ra sân ở cái tuổi 60, 70… Họ cũng sẽ ôn lại những kỷ niệm xưa, những giá trị lịch sử lớn để thế hệ con cháu ngày nay biết đến những khó khăn, cơ cực nhưng oanh liệt của thế hệ cha anh.

Một festival đầy ý nghĩa và tình người khi mục đích của Liên chi hội Cựu cầu thủ còn là tìm mọi cách để chăm sóc những cựu cầu thủ nghèo, khó khăn, bệnh tật có được nụ cười lúc cuối đời.

Bóng đá miền Bắc có những người lính vừa đá bóng vừa làm nhiệm vụ trong cuộc chiến

Nhắc đến kỷ niệm của bóng đá phía Bắc khi còn là anh lính đá bóng Thể Công, ông Nguyễn Văn Vinh (ảnh) từng kể trong nước mắt: “Thời miền Bắc bị ném bom, chúng tôi là những người lính được ăn tập để đá bóng và để thực hiện những nhiệm vụ giao lưu quốc tế mang ý nghĩa chính trị. Ngoài ra, có giai đoạn chiến tranh, những người lính Thể Công chúng tôi còn phải đi ôm từng xác chết sau những trận bom; đi cứu những người bị thương do bị bom thù trút xuống và dọn dẹp nhà cửa cho những người dân. Tình quân dân hồi đó cao quý lắm và những người cầu thủ là chiến sĩ như chúng tôi càng thấy tự hào với trách nhiệm của mình không chỉ trên sân cỏ mà còn với xã hội, với đất nước…”.

Những mảnh đời bất hạnh

Liên chi hội Cựu cầu thủ Việt Nam ra đời xuất phát từ việc chứng kiến những mảnh đời cựu cầu thủ bất hạnh. Cảnh các ngôi sao một thời như Đỗ Thới Vinh bệnh tật tá túc ở sân Kỹ Mã (quận 1) cho đến lúc mất hay Phạm Văn Rạng xin ở nhờ sân bóng Thuận Kiều rồi chết tại đấy trong cảnh đơn chiếc. Gần đây hơn là những tên tuổi như Lắm “rỗ” bệnh tật cuối đời vì nghèo khó không có tiền chữa trị khiến các anh em cựu cầu thủ xót thương và ao ước lập Liên chi hội Cựu cầu thủ để đỡ đần chăm sóc nhau. Dù liên chi hội mới hình thành được nửa năm nhưng hàng loạt việc làm vừa qua thật ý nghĩa. Đó không chỉ là những hoạt động bóng đá mà còn là tình người gắn với nhau lúc tuổi già bớt hiu quạnh và đơn chiếc khi còn những hồi ức bóng đá và còn anh em chăm sóc nhau…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm