Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Người chấp bút Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam

Ông Dũng từng chia sẻ: “VFF đã từng nhiều lần xắn tay áo làm nhưng giữa đường thì gãy. Đi tìm lịch sử bóng đá Việt Nam rõ ràng không đơn giản chút nào…”. Cuối cùng thì ông Dũng “gõ cửa” nhà ông Nguyễn Quang Sáng với đề nghị làm “chủ xị” cho cuốn sách ấy...

Chú Sáu - cái tên mà chúng tôi (ê-kíp thực hiện cuốn sách đấy gồm các anh Trần Duy Long, Hồ Nguyễn, Sỹ Huyên và tôi) vẫn thường gọi nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi làm việc để hình thành cuốn sách Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam. Ròng rã hơn một năm trời, từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2012, chiều thứ Hai tuần nào chú Sáu cũng đến văn phòng LĐBĐ TP.HCM ngồi rít thuốc nghe báo cáo tiến độ và chỉ đạo. Gọi là họp hành cho sang chứ thực chất là trao đổi và dặn dò đối với những người tìm và thực hiện tư liệu để viết sách.

Ông Nguyễn Quang Sáng cùng với nhóm thực hiện cuốn sách Những cột mốc lịch sử 100 năm  bóng đá Việt Nam.  Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thật lạ khi đám trẻ tỉnh táo lại luôn được ông già có cái giọng lè nhè chỉ giáo một cách tường tận lại còn hay thúc tiến độ với lời tâm tình: “Tụi mình làm việc có lương. Thằng Dũng (ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM khi ấy - PV) không ngại trả lương cho đến khi quyển sách hoàn thành. Nhưng anh em mình và cả tao nữa ngồi đây lĩnh lương hoài mà sách chưa ra thì thấy cũng áy náy. Gắng nha tụi bây, nhanh nhưng mà phải chính xác đó vì lịch sử thì chỉ có một…”.

Cứ thế tuần này qua tuần khác, các tư liệu được dồn về ngày một nhiều mà chú Sáu trong vai trò người chắp bút thì không thể biên tập trên máy vi tính được. Thế là anh Trần Duy Long in ra giấy A4 với cỡ chữ 20 để sẵn trong thùng giấy. Đúng ngày, đúng giờ, chú Sáu đi cùng tài xế lên văn phòng LĐBĐ TP.HCM ôm cả thùng giấy về nhà làm việc.

Ngày bản thảo sắp hoàn thành, nhóm chúng tôi nhận được điện thoại từ chú Sáu mời ghé qua nhà ông bàn việc. Thật bất ngờ với hình ảnh người đàn ông cởi trần ngồi nhâm nhi chai rượu nhưng lọc chữ thì rất sáng. Ông gặp từng thành viên giải thích vì sao đoạn này ông phải cắt và vì sao từ này phải điều chỉnh.

Cuối cùng ông nói như năn nỉ: “Cho tao viết một bài về đội banh làng tao nha. Tao muốn gắn một chút cái tôi của đội banh làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang của tao trong thời chống Pháp dân mình bị Tây chia rẽ nhưng nhờ bóng đá đã hàn gắn tất cả…”.

Bài viết bằng tay, nét chữ nắn nót ông đưa cho mọi người xem như để kiểm duyệt rồi nói thẳng thắn: “Tao không phải dân bóng đá nên tụi bay cứ xem rồi góp ý. Cái nào không được thì góp ý chứ không phải tao làm chủ xị rồi muốn viết gì thì viết đâu…”.

Xong bài viết đấy, chú Sáu thay vội bộ đồ rồi bắt mọi người ra quán làm mấy chai gọi là mừng anh em mình không còn lĩnh lương viết sách nữa. Ông nhất định bữa nhậu này phải để ông đãi gọi là mừng hoàn thành bản thảo.

Ngày phát hành sách tổ chức tại khách sạn Rex, chú Sáu lụ khụ đi lên phát biểu, tay cầm cuốn sách mà mắt rưng rưng. Ông giơ sách lên nói: “Lịch sử bóng đá Việt Nam thì rất nhiều nhưng đến nay mới chỉ là bây nhiêu và tôi tin rằng sẽ nhận được thêm nhiều bài viết đề cập đến những phần còn thiếu xót trong những quyển tiếp theo…”.

Dưới đây là bài viết của ông trong Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm