Nếu ông Trần Mạnh Hùng làm phó chủ tịch VFF…

Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng được chủ tịch VPF khen là dũng cảm, dám làm dám chịu sau khi đòi hành hung và dọa nạt, lăng mạ phó Ban Trọng tài rồi xin từ chức. Đáng nói là ông Hùng vẫn tiếp tục ở nhà do VPF thuê cho ông tại Hà Nội, sử dụng xe mới… giúp việc cho VPF vì “các anh trong HĐQT động viên thế”.

Hoàn toàn không có một biện pháp chế tài nào thuyết phục và đủ sức răn đe hành vi vô văn hóa của một lãnh đạo cơ quan tổ chức bóng đá chuyên nghiệp với hậu quả là gây ảnh hưởng xấu xí đến hình ảnh của làng bóng Việt Nam, như đánh giá của Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.

Ông Trần Mạnh Hùng vẫn là thành viên HĐQT VPF, ứng cử ban chấp hành VFF nhiệm kỳ mới và nhắm đến chiếc ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính - tài trợ (!?).

Thật khó diễn tả lời bào chữa của Chủ tịch VPF kiêm Tổng Giám đốc Trần Anh Tú về cấp phó của mình do ông dựng lên: “Vì nóng nảy nên anh Trần Mạnh Hùng có những lời lẽ bột phát và thái độ không hay, làm ảnh hưởng đến uy tín của VPF. Tuy nhiên, anh Hùng không có chủ ý gì” (!?).

Ông Hùng sau khi từ chức vẫn còn đầy đủ quyền hành và vẫn còn cơ hội  làm phó chủ tịch VFF khóa VIII. Ảnh: CTV

Một cầu thủ có lời nói, hành vi vô văn hóa trên sân cỏ, dù chưa có chứng cứ rõ ràng như đoạn clip ghi âm, từng bị phạt tiền, treo giò hoặc cấm có thời hạn hành nghề bóng đá, còn ông phó chủ tịch VPF - đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp thì vô can (!?). Nó giống như việc đội trưởng hay đội phó của CLB hăm dọa, chửi bới thô tục người khác rồi tự xin từ chức đội trưởng, đội phó rồi tiếp tục đá bóng lại còn được đề cử làm HLV của đội mà lại được chấp nhận quả là quá thách thức dư luận.

Cầu thủ cũng biết xin lỗi, biết ăn năn hối cải sau hành động vi phạm bột phát nhưng vẫn bị xử phạt thích đáng là nhằm giữ vững kỷ cương của cuộc chơi và răn đe sự tái phạm lẫn có tác dụng ngăn ngừa sự quá khích của người khác. Hơn ai hết, lãnh đạo bóng đá Việt Nam càng phải ý thức điều này tốt hơn, đặc biệt là không bỏ ngoài tai chỉ đạo làm rõ cùng biện pháp xử lý của tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.

Ở đây cần rạch ròi nguyện vọng cá nhân của ông Trần Mạnh Hùng muốn từ chức vì tự nhận thấy hành vi của mình làm xấu mặt bóng đá Việt Nam, chứ không phải là hình thức kỷ luật của tổ chức VPF khi bị mất uy tín qua sự việc đó. VPF chưa có bất kỳ biện pháp xử lý nào đối với người trong tổ chức vi phạm chuẩn mực ứng xử văn hóa, đạo đức cần có của một lãnh đạo để làm gương.

Những người yêu bóng đá Hải Phòng như hội trưởng cổ động viên Trần Văn Hoàn, hay nhiều khán giả lớn tuổi khi biết ông chủ tịch CLB có màn ứng xử theo kiểu xã hội đen đã cùng nhau viết thư cho lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu loại ông Trần Mạnh Hùng ra khỏi đời sống bóng đá cho thấy sự sòng phẳng và một tinh thần dám làm dám chịu. Điều này không như việc cấp trên ông Hùng ca tụng ông Trần Mạnh Hùng có tài, có trách nhiệm với công việc để bao biện cho hành vi phản cảm trong môi trường bóng đá luôn thể hiện sự trong sáng và cao thượng.

Bóng đá Việt Nam sẽ ra sao nếu người gây ảnh hưởng rất xấu đến bóng đá Việt Nam, đến cơ quan, tổ chức và điều hành giải chuyên nghiệp sau khi từ chức lại vẫn tham gia đầy đủ các quyền điều hành ở VPF rồi lên mâm và trúng cử chức phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới?

Nợ câu trả lời với bạn đọc

Một độc giả của báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Liệu người như ông Trần Mạnh Hùng có đủ tiêu chuẩn để ứng cử ủy viên ban chấp hành, phó chủ tịch phụ trách tài chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VIII khi mà một trong các tiêu chuẩn của ủy viên và các phó chủ tịch là phải có phẩm chất đạo đức tốt”.

Chúng tôi còn nợ bạn đọc câu trả lời, tùy thuộc vào sự phân tích của tiểu ban nhân sự VFF về cách hành xử của ông Trần Mạnh Hùng có đầy đủ tiêu chí cho chiếc ghế ứng viên phó chủ tịch VFF, hoặc có dám mạnh tay loại ra khỏi đội ngũ lãnh đạo của một nền bóng đá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm