Mỹ vượt qua Trung Quốc và những con số biết nói tại Olympic

Tối 8-8, ngọn đuốc Olympic Tokyo đã tắt trong đêm bế mạc đại hội, đánh dấu sự kết thúc của một kỳ Olympic lạ nhất trong lịch sử. Bất chấp thế giới đang điên đảo trong dịch bệnh COVID-19 và những biến chủng mới nhưng khẩu hiệu “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn  và chung tay” đã thể hiện rõ trong một kỳ Olympic đáng nhớ nhất.

Các cô gái bóng chuyền góp phần đưa đoàn Mỹ dẫn đầu bảng tổng sắp
huy chương Olympic Tokyo. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngoạn mục cú “hat trick vàng” của Mỹ

Sau chức vô địch của Kipchoge đem về cho Kenya, các chiến thắng trong các môn bóng chuyền, đua xe đạp và bóng rổ đã đưa Mỹ vươn lên đầu bảng tổng sắp huy chương với 39 HCV. Chỉ vỏn vẹn hơn đoàn Trung Quốc đúng một chiếc, trong cuộc chiến khẳng định ngôi vị cường quốc thể thao số một thế giới.

Olympic Tokyo 2020 đã về đích bất chấp những khó khăn bị hoãn một năm, cùng với việc đối diện nguy cơ hủy bỏ lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Tổng cộng 30 môn thể thao đã được tranh tài trong suốt 16 ngày tại các sân vận động không khán giả ở Nhật Bản vì những lo ngại về đại dịch COVID-19. Trong khi đó, các VĐV phải sống trong điều kiện an toàn sinh học cực kỳ nghiêm ngặt.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Thomas Bach, bày tỏ: “Một số người đã nói về “trò chơi ma” nhưng những gì chúng ta thấy ở đây thì trái lại, các VĐV đã thổi hồn vào thế vận hội”.

Trong khi hàng loạt tên tuổi lớn gặt thất bại ở Nhật Bản thì kỷ lục gia marathon thế giới Kipchoge vẫn thể hiện đẳng cấp của mình. Anh hoàn thành cự ly thi đấu sau 2 giờ 08’38” để giữ lại chiếc HCV Rio 2016.

Olympic Tokyo bị nghi kỵ bởi chính người Nhật vì nỗi sợ “siêu lây lan” của COVID-19 chủng mới. Marathon cũng là một trong những môn thi hiếm hoi có khán giả cổ vũ nhưng đã được di dời lên phía bắc, đến Sapporo hòng tránh cái nóng mùa hè của Tokyo.

Nhớ mãi kỳ thế vận hội kỳ lạ nhất lịch sử

Các VĐV được yêu cầu đeo khẩu trang khi không thi đấu, tập luyện, ăn hoặc ngủ. Ngoài ra, họ còn phải chịu đựng vấn đề căng thẳng tâm lý khi điều kiện “bong bóng an toàn” bị kiểm soát nghiêm ngặt tại Tokyo.

Các buổi lễ trao huy chương dù không được chú trọng nhưng cảm xúc của người chiến thắng hay của các đối thủ vẫn được thể hiện đầy đủ.

Biểu tượng thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles đã mang đến khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất khi cô đột ngột rút lui khỏi các trận chung kết dù đang ở độ tuổi “hai mươi” nhưng tinh thần cô bất ngờ mất phương hướng.

Rất may vào ngày thi đấu cuối cùng, cô gái cao 1,54 m được xem là VĐV thể dục dụng cụ vĩ đại nhất trong lịch sử - Biles đã kịp tỉnh thức để thi đấu trở lại và đoạt chiếc HCĐ “cứu rỗi”.

Ở môn cử tạ, lực sĩ Laurel Hubbard trở thành người phụ nữ chuyển giới đầu tiên thi đấu thế vận hội trong khi Quinn (Canada) cũng trở thành VĐV chuyển giới đầu tiên giành HCV môn bóng đá nữ.

Những điểm sáng nổi bật khác phải kể đến như đội tuyển bóng rổ Mỹ lần thứ tư liên tiếp bảo vệ ngôi vương, kình ngư Caeleb Dressel đã soán ngôi huyền thoại Michael Phelps và giành 5 HCV bơi lội.

Trong ngày thi đấu cuối, buổi sáng đoàn Mỹ xếp sau Trung Quốc 2 HCV nhưng chỉ đến trưa thôi, những chiếc HCV bóng rổ; bóng chuyền nữ; chiến thắng của tay đua xe đạp Jennifer Valente đã chính thức đưa Mỹ vươn lên đứng đầu bảng tổng sắp.

Lá cờ Olympic đã được trao cho chủ nhà Pháp - Paris 2024 tại lễ bế mạc. Dự báo mọi hoạt động sẽ trở lại sau sáu tháng nữa tại Bắc Kinh nhưng chủ nhà Olympic Mùa đông - Trung Quốc hiện đang đối mặt với những đe dọa tẩy chay cũng như tình trạng khẩn cấp do sự xuất hiện của COVID-19 chủng mới.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm