LĐBĐ châu Á đưa bảng G về UAE theo đúng ý đồ

Malaysia được xem là thủ phủ của LĐBĐ châu Á (AFC) nhưng quốc gia này không dám đăng cai vì những phức tạp về dịch bệnh và những quy định ngặt nghèo của Bộ Y tế Malaysia.

Việt Nam (VN) thì ngược lại, là quốc gia chống dịch COVID-19 có tiếng nhất nhưng LĐBĐ VN không dám đăng cai bởi biết chắc sẽ vướng rất nhiều quy định như cách ly bắt buộc, điều kiện sân bãi… Indonesia thì chẳng thiết tha gì khi không còn cơ hội nên đổ tiền ra xin đăng cai và tranh chấp để làm gì.

Chỉ có Thái Lan và UAE là còn thiết tha với hy vọng đưa các trận còn lại của giải về sân nhà thì sẽ có ưu thế lớn trong việc lật đội tuyển VN giành vé vào vòng 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và kiếm suất đá Asian Cup.

Mấu chốt của đội tuyển Việt Nam không phải là trận cuối gặp UAE mà là
trận thứ nhì với Malaysia. Ảnh: NGỌC DUNG

Thường thì trong những cuộc đua đăng cai, Thái Lan rất mạnh cả về tiềm lực lẫn mạnh trong quan hệ để vận động hoặc chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khi Thái Lan đang gồng lên cố chiếm quyền đăng cai thì nhận ngay công văn của AFC quy định và những điều kiện bắt buộc đối với quốc gia đăng cai.

AFC đã “khai thông” đúng vào điểm mạnh không thể phủ nhận của UAE đó là khả năng tài chính. Điều mà các quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan khó có thể đua được.

Dịch COVID-19 các sân đăng cai đều xác định không thể thu được tiền vé. Ngay cả giá trị bản quyền cũng chẳng là bao, nhất là đột ngột có sự thay đổi từ sân nhà, sân khách sang đá tập trung.

Thế nhưng công văn AFC lại quy định rõ quốc gia đăng cai phải đảm bảo tất tần tật cho các đội đến tham dự từ sân bãi, tập luyện thi đấu đến ăn ở… Chỉ có chi mà không có thu nên khoản kinh phí sẽ tăng đáng kể và nếu không phải là quốc gia giàu có hay LĐBĐ quốc gia rủng rỉnh về tài chính thì không thể kham nổi.

Với yêu cầu của AFC chắc chắn đối thủ tranh đăng cai duy nhất với UAE là Thái Lan cũng phải rút lui.

Nói UAE bất chiến tự nhiên thành thì chỉ là lý thuyết. Phần còn lại ai cũng biết UAE mà cụ thể là LĐBĐ UAE đã đi từng bước như thế nào để giành quyền đăng cai về phía mình.

Nên nhớ việc dời thời gian thi đấu sang mùa hè (tháng 6) và tất cả các trận đều đá tại UAE là một cực hình với các đội khách khi nhiệt độ ngoài trời tại thời điểm đấy trên 40 độ C. Thời tiết khô hanh của vùng sa mạc Trung Đông chỉ bước ra ngoài trời đã khó thở và mất nước, huống chi là chạy 90 phút với mật độ bốn ngày một trận.

Với đội tuyển VN, thầy trò ông Park Hang-seo sẽ lần lượt gặp Indonesia ngày 7-6, sau đó gặp Malaysia ngày 11-6 rồi bốn ngày sau sẽ gặp chủ nhà UAE vào ngày 15-6.

Dù đang có ưu thế ở vị trí đầu bảng với 11 điểm, hơn Malaysia (9 điểm), Thái Lan (8 điểm), UAE (6 điểm nhưng thi đấu ít hơn một trận), tuy nhiên ngoài trận gặp Indonesia là dễ thở, hai trận còn lại với Malaysia và UAE đều mang tính sống còn.

Theo cách tính của thầy Park, VN sẽ phải đạt mục tiêu thu hoạch thêm 6 điểm nữa để có suất dự Asian Cup, đồng thời ít nhất cũng vào vòng loại thứ ba với tư cách đội thứ hai có thành tích tốt. Như vậy là thầy Park tính đến việc hai trận đầu gặp Indonesia và Malaysia sẽ thu hoạch trọn 6 điểm bằng hai trận thắng rồi trận cuối gặp chủ nhà sẽ dễ chơi và không chịu áp lực.

Xét cho cùng thì mấu chốt cũng là trận gặp Malaysia, đối thủ mà trước khi dịch COVID-19 ập xuống họ đang có phong độ rất cao.

Nay tính đến việc thắng Malaysia tại UAE dù sao cũng dễ chịu hơn là việc phải thắng họ tại thánh địa Bukit Jalil rất khó chơi.

Ý đồ của UAE đã thành hiện thực nhưng với đội tuyển VN thì thoát được trận gặp Malaysia trên sân của họ cũng là một điểm nhấn quan trọng. Vì thế, việc hành quân đến UAE cũng không phải là điều tệ hại so với lịch đấu và thể thức cũ.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm