Lão nông bán cả hecta cao su để đấu giá áo tuyển U23 VN

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ trao kinh phí đấu giá quả bóng và áo thi đấu của đội tuyển U-23 Việt Nam cho đại diện 20 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh, sự kiện do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức.

Nhắc đến những câu chuyện xúc động của những em bé nhịn ăn sáng, thậm chí có nông dân bán cả hecta cao su để có thể tham gia đấu giá… Thủ tướng cho rằng đó là sự thể hiện tình yêu mến, hâm mộ của người dân với đội tuyển U-23 Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng số tiền đấu giá cho những huyện nghèo. 

Với khoản tiền trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo 20 huyện nghèo được tặng kinh phí thu được qua đấu giá sử dụng để xây dựng 500 căn nhà (mỗi căn 40 triệu đồng) tặng người có công, người nghèo còn khó khăn, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, thể hiện rõ được mục đích nhân văn, tốt đẹp của cuộc đấu giá này.

Trước đó, ngày 1-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao cho bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và bộ trưởng Bộ TT&TT quả bóng và áo thi đấu của đội tuyển U-23 Việt Nam có chữ ký của các thành viên đội tuyển U-23 Việt Nam trao tặng Thủ tướng tại buổi lễ khen thưởng đội tuyển giành ngôi á quân giải vô địch bóng đá U-23 châu Á.

Thủ tướng đề nghị hai bộ phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đấu giá công khai quả bóng và áo thi đấu, số tiền thu được dành tặng các gia đình người có công với cách mạng và các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Áo và bóng có chữ ký của các tuyển thủ U-23 đã được đấu giá và thu về khoản tiền 20 tỉ đồng. 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, hai bộ đã công bố sự kiện tới các cơ quan thông tấn báo chí món quà có ý nghĩa đặc biệt của Thủ tướng. Theo đó, việc tiếp nhận đăng ký đấu giá quả bóng và áo thi đấu của đội tuyển U-23 Việt Nam bắt đầu từ 15 giờ ngày 6-2 và kết thúc vào 24 giờ ngày 11-2. Mức sàn khởi điểm đấu giá là 2 tỉ đồng.

Sau một thời gian tiếp nhận thông tin, đến 17 giờ ngày 9-2 đã có nhiều cá nhân và doanh nghiệp gọi điện thoại và trả giá qua điện thoại nhưng chưa đăng ký mua chính thức hoặc trả giá ở mức sàn, trao đổi bằng tài sản (đất đai)...

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, tuy thời gian tiếp nhận thông tin đấu giá ngắn nhưng các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ và làm rất tốt, cuộc đấu giá đã tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, với sự hưởng ứng của đủ các tầng lớp xã hội.

Ông Dung kể: “Có em nhỏ ở Pleiku (Gia Lai) muốn tham gia đấu giá bằng tiền tiết kiệm những bữa ăn sáng; có cán bộ nghỉ hưu ở Đồng Nai muốn đổi bằng một lô đất; một bác nông dân ở Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kon Tum) không có tiền, muốn đổi bằng 1 ha cao su. Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (phường 7, quận 3, TP.HCM) đăng ký chính thức xin tham gia đấu giá với mức 3 tỉ đồng/sản phẩm, hai sản phẩm là 6 tỉ đồng. Đến 15 giờ 40 ngày 11-2, công ty này tiếp tục đăng ký nâng giá lên 10 tỉ đồng và tỏ ý tiếp tục theo đấu giá để có thể mua thành công món quà ý nghĩa này.

Đến 22 giờ 30 ngày 11-2, trước thời điểm hết thời hạn đăng ký đấu giá, Tập đoàn FLC vào cuộc trả giá 12 tỉ đồng cho hai hiện vật và ngay sau đó nâng lên 20 tỉ đồng, mức giá cao nhất khi thời điểm đấu giá kết thúc và là đơn vị thắng đấu giá cuối cùng khi trả mức đấu giá cao nhất…” - ông Dung thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm