Làm báo ở SEA Games

Lực lượng PV thể thao hùng hậu của Việt Nam lần nào ở SEA Games cũng chiếm áp đảo so với các quốc gia khác. Tại Singapore lần này có đến gần 200 PV Việt Nam của đầy đủ thể loại báo chí, từ đại diện của nông thôn cho đến thành thị hoặc của các tờ báo ngành không liên quan gì đến thể thao.

Chúng tôi ở rải rác khắp nơi trên đất Singapore và vui nhất là những ngày đầu, các PV đến sân luôn đông gấp đôi đội tuyển U-23 Việt Nam. Gặp khi ông Miura vui vẻ sau buổi tập còn nán lại nói vài câu gửi gắm với người hâm mộ quê nhà. Lúc ông “khó ở” thì lên thẳng xe về khách sạn hoặc muốn giấu bài, chỉ cho PV ảnh chụp lia lịa 15 phút rồi xin mời ra ngoài. Đám cầu thủ sợ thầy và sợ vi phạm quy chế phát ngôn nên nín khe không dám mở miệng nửa lời.


PV thể thao lỉnh kỉnh máy móc tại SEA Games 28. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Sức khỏe của PV thể thao thì thật đáng nể. Có những nhà báo lão làng như Quang Thắng, Dư Hải mỗi ngày đều đặn vác lặc lè cái ba lô chứa các loại máy ảnh, laptop không dưới 30 kg lăn lóc khắp các ngóc ngách nhà thi đấu. Ở tuổi xưa nay hiếm như nhà báo Nguyễn Lưu vừa về hưu và còn chấn thương ở cái gối phải đi cà nhắc mà cũng chạy tới chạy lui xem các môn thi, hăng say còn hơn cả lớp trẻ. Ông không thể chạy đua với PV trẻ vừa chụp ảnh vừa tường thuật online chưa đầy một phút nhưng bài viết ký tên Nguyễn Lưu, Ama Lâm luôn nóng hổi tính chiêm nghiệm sâu sắc trên các trang báo in.

Nhà báo kỳ cựu Quang Tuyến là một trong rất ít người có thâm niên tham dự đầy đủ các kỳ SEA Games theo chân đoàn thể thao Việt Nam. Anh rành rẽ đường đi nước bước ở Singapore như lòng bàn tay và thường có bài viết về những kỷ niệm từ… 22 năm trước khi anh đi SEA Games 16 cũng tại Singapore. Nhà báo Quang Tuyến được lứa đàn em xem như cổng thông tin di động và mỗi lần gặp trục trặc đều bốc máy gọi cho anh là ổn. Vì là người hiếm hoi có mặt cả hai kỳ SEA Games ở Singapore cách nhau 22 năm nên có người chọc ghẹo anh: “Lứa kỳ cựu từng đi SEA Games 17 - 1993 như bác Chánh Trinh, anh Thọ Quang hay Minh Hùng đều “die” hết rồi, giờ nội ngoại còn mình anh thôi nha anh Tuyến!”.

Có những môn thi đấu từ sáng như đua thuyền, xe đạp hay vòng loại bơi, điền kinh,… các PV đã lục tục mì gói dằn bụng và chia nhau tỏa đi các hướng. Làm báo bây giờ cũng dễ hơn với nhiều PV trẻ năng động có khi chỉ cần chiếc điện thoại thông minh vừa viết bài, chụp ảnh rồi truyền về tòa soạn online ngay lập tức.

Một ngày của PV Việt Nam tác nghiệp ở Singapore không phải lúc nào cũng thấy… mặt trời. Vừa theo môn bơi vòng loại là hối hả xuống tàu điện ngầm ngay trong Sports Hub đi đến nhà thi đấu Bishan xem các môn võ, thể dục dụng cụ rồi thì lúi húi về trung tâm báo chí viết bài, làm ảnh có khi đến tận nửa khuya. Nhiều lần xong việc thì các loại phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện ngầm ngưng hoạt động từ 0 giờ, lại phải lủi thủi đi bộ về nơi ở gần ba cây số. Đơn giản vì taxi nhiều lúc khó đón và tiền trả ban đêm thì gấp rưỡi ban ngày. Vừa đặt chân vào cổng thì anh bảo vệ hay cười xuất hiện, nói câu “Chào buổi sáng” vui vẻ quen thuộc.

Mì gói và lương khô là bạn đồng hành đáng tin cậy nhất của cánh PV thể thao Việt Nam. SEA Games từ ngày khai mạc là thi đấu liên miên bất kể giờ giấc nên chuyện quên ăn hoặc đến chỗ không có quán xá thì nhịn đói như thường.

Hạnh phúc nhất với anh em PV ở SEA Games là mỗi lần đứng nghiêm hát quốc ca Việt Nam trên các đấu trường khi vận động viên nhà đoạt vàng thì thật lạ lùng, cái cảm giác mệt mỏi bỗng dưng tan biến đâu mất.

“No money, no honey”

Giá cả sinh hoạt ở Singapore đắt đỏ. Những gì người Singapore không khuyến khích thì giá luôn ở trên trời. Ví như một gói thuốc lá khoảng 200.000 VNĐ và một chai bia thì 130.000 VNĐ. Hút thuốc lá hay uống bia phải đến đúng nơi quy định và quán xá chỉ bán bia đến 22 giờ 30 là cấm vì chịu không nổi tiền nộp phạt. Có bác taxi già người Hoa vui vẻ quảng cáo Singapore sạch và xanh nhất thế giới, thân thiện và đáng sống nhất thế giới nếu trong túi anh có nhiều tiền. Khi biết chúng tôi ở gần khu đèn đỏ Geylang, ông tranh thủ giới thiệu các dịch vụ đèn mờ bán công khai rồi cười phá lên khi nghe chúng tôi kể về mức lương và phần tiền còm của mình chắt bóp từng ngày cho đủ đến ngày kết thúc SEA Games, ông hóm hỉnh nói: “Không có tiền thì không có “cưng” gì đâu nhé!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm