Không có tiêu cực, sao phải chống?

Sau nhiều trận đấu bất thường ở V-League ít người xem trong mùa Euro, dư luận bỗng rộ lên nhiều nghi vấn tiêu cực cho dù các nhà làm giải luôn khẳng định rằng không có.

Một số đội bóng đã chọn giải pháp tự cứu mình bằng cách mời cơ quan an ninh giám sát các cầu thủ chặt chẽ hơn. Đồng Tháp thì chọn cách chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với cầu thủ, với lý do vô kỷ luật cho nhẹ nhàng cả đôi bên. HLV Hoàng Văn Phúc thì giận dữ với một số nguồn tin hành lang đối với trận QNK Quảng Nam bị đội khách Sài Gòn gỡ ba bàn trong bảy phút cuối, nên đã nhờ công an vào cuộc làm rõ…

Sân bóng V-League có rất nhiều bất thường nhưng người hâm mộ và giới chuyên môn luôn nhận được lời trấn an giải vẫn bình thường. Vì thế khán giả chọn giải pháp tẩy chay không đến sân nữa. Ảnh: XUÂN HUY

V-League mùa này cũng là lần đầu tiên VPF hợp tác với Sportradar phân tích các thông tin từ các nhà cái nước ngoài về từng trận đấu cụ thể nhưng vẫn chưa phát hiện ra điều gì. Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết Sportradar ngoài việc đưa ra những thông số đáng ngờ còn có thể kiểm tra các giao dịch và biến động tài khoản.

Tuy nhiên, những trận đấu “bốc mùi khét” vẫn diễn ra nhan nhản. Có những “giao dịch” lạ lùng của làng bóng Việt Nam mà chắc chắn Sportradar không thể sờ đến. Chẳng hạn, HLV Lê Thụy Hải đã nhắc đến việc các đội bóng của cùng một ông chủ cứ gặp các đội thứ hạng cao là “đè” xuống theo kiểu ba đánh một không chột cũng què. Ông Hải cũng nhấn mạnh là không cần ai chỉ đạo, bày vẽ, chỉ cần nhìn vào cái cách chơi của họ lẫn sự chung tay của trọng tài thì biết.

Dĩ nhiên, ông Lê Thụy Hải là nhân vật lão luyện ở V-League nên những nghi ngờ của ông không phải vô lý, dù luôn bị phản ứng ngược với câu hỏi “bằng chứng đâu?”.

Năm ngoái, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau vụ các cầu thủ Đồng Nai và Ninh Bình dính tiêu cực đã nói không chỉ có một trận đấu cụ thể bị phát hiện mà còn rất nhiều trận khác có liên quan. Hồi ấy, VFF cũng có công văn cảnh báo các nhà tổ chức, CLB đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực nhưng rồi ai cũng nói có tiêu cực đâu mà chống?

Bây giờ không phải ngẫu nhiên VFF lại lên tiếng yêu cầu VPF phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh và Sportradar trong công tác đánh giá, dự báo, quản lý, giám sát chặt chẽ công tác tổ chức. Bên cạnh đó, VFF cũng nhắc nhở các lãnh đội, cầu thủ không có các hành vi tiêu cực như mua bán, móc ngoặc, lôi kéo, dàn xếp tỉ số, liên minh, nhường điểm hoặc có các hành vi khác có tác động làm thay đổi kết quả thi đấu, thứ hạng của CLB khác,…

Nếu không có lửa sao có khói?

Tiêu cực nhìn từ giới trọng tài

Ban Trọng tài thường bao biện cho “vua sân cỏ” về những sai lầm của họ bằng lỗi nhận định với cụm từ quen thuộc “trọng tài cũng là con người”. Chính vì thế, có những tiếng còi làm sai lệch kết quả trận đấu, làm ảnh hưởng đến các đội bóng vẫn tiếp diễn, đến nỗi VPF phải gửi thư xin lỗi CLB. Mùa nào các trọng tài, giám sát cũng có nhiều đợt tập huấn nhưng sợi dây kinh nghiệm vẫn rút hoài không hết. Người trong cuộc nhìn nhận giới trọng tài không mắc lỗi tư tưởng, không tiêu cực vì chưa thấy điều gì bất thường. Tuy nhiên, không ai dám bảo đảm đội ngũ này hoàn toàn trong sáng từ nhiều sai phạm gần đây. Còn việc ông trưởng Ban Trọng tài kiêm ghế phó ban tổ chức giải và giám sát đủ thấy rõ là không bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm