Hủy giải và cái cớ để các CLB đẩy cầu thủ ra đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc cãi vã và cả đấu đá việc nên hủy giải hay tiếp tục hoãn thì nhân vật chính là cầu thủ đứng ngoài cuộc. Họ không có tiếng nói, cũng không được tham khảo ý kiến và chỉ biết trông chờ vào thời cuộc.

Hủy giải, CLB mừng nhưng nhiều cầu thủ khốn khổ

Đa phần các CLB muốn hủy chứ không muốn hoãn giải bởi một lý do: Có quyết định hủy chính thức thì mới có quyền cắt được hợp đồng mà nhiều CLB ký với một số cầu thủ theo mùa giải, đặc biệt là các cầu thủ ngoại. Ngược lại, nếu hoãn giải thì phần kinh phí phải trả cho các cầu thủ đấy cứ phải kéo dài ra và gặm nhấm vào quỹ của đội bóng.

Báo Nhật gần đây đăng thông tin về hàng loạt cầu thủ Nhật và HLV phải chấm dứt hợp đồng tại Sài Gòn FC ngay sau khi có quyết định hủy giải. Tương tự, hầu hết cầu thủ ở 27 CLB đá V-League và hạng Nhất có hợp đồng đến cuối mùa giải 2021 đều phải ra đi và phải tự tìm việc. Tất nhiên trong việc bị cắt ngang hợp đồng đấy họ không hề được bồi thường bởi các CLB đều có “bửu bối” là giải đấu 2021 hủy cũng đồng nghĩa CLB không có trách nhiệm với họ nữa.

CLB nợ cầu thủ 70 tỉ mất khả năng chi trả và… trả đội bóng

Phần thiệt lớn nhất và cụ thể nhất có thể nhìn vào các cầu thủ CLB Than Quảng Ninh. Đội bóng mà thời gian hoãn rồi hủy giải cũng là thời điểm họ nhận được thông báo đội bóng được trả lại cho địa phương.

Hiện con số mà các cầu thủ khoác áo CLB Than Quảng Ninh bị nợ là 70 tỉ đồng. Khoản nợ mà các cầu thủ thi đấu cho giải V-League đấy, ban tổ chức V-League, VPF và “cấp trên” của đơn vị này là VFF cũng không thể giúp các cầu thủ đòi nợ.

Đáng ngạc nhiên là đến nay chưa cầu thủ nào chính thức kiện CLB Than Quang Ninh nợ quá lâu và đang có nguy cơ “xù” nợ bởi việc “sang tay” trả đội bóng về cho địa phương. Điều mà lẽ ra chỉ hai tháng không được nhận lương thì tự thân họ đã có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng và khởi kiện CLB (Điều 14 bis Luật FIFA cập nhật tháng 1-2021).

Báo Nhật đề cập về các cầu thủ Nhật khoác áo CLB Sài Gòn bị chấm dứt hợp đồng ngay sau quyết định hủy giải. Ảnh: PHƯƠNG NGHI

Trách nhiệm của VFF và VPF đến đâu?

Các CLB vẫn ca thán việc hoãn giải khiến họ thiệt thòi và có nguy cơ phá sản để đòi phải hủy giải. Nhưng khi hủy giải thì phần thiệt lại rơi vào các cầu thủ do những hợp đồng ký theo thời vụ gần như chỉ có đến hết mùa giải chứ không có trách nhiệm hay phụ lục của việc hủy giải.

Theo số ít luật sư đại diện cho các cầu thủ thì VPF và VFF không có nghĩa vụ phải đi đòi nợ cho các cầu thủ nhưng ở đây cho thấy phần trách nhiệm mà VPF, VFF có liên quan. Rõ nhất là việc nợ lương, thưởng mà cầu thủ CLB Than Quảng Ninh phải cam chịu suốt từ mùa giải này qua mùa giải khác đủ để VPF và VFF tước tư cách thành viên tham dự giải. Nói đúng hơn là CLB này không đủ quyền tham dự giải nhưng họ vẫn được dự hết mùa này sang mùa khác. Chính vì thế, khoản nợ của cầu thủ cứ bị dây dưa từ mùa này sang mùa khác cho đến lúc lãnh đạo CLB tuyên bố trả đội bóng cho địa phương.

Nhân nói về việc cầu thủ cam chịu nợ lớn qua hai mùa giải lại nói đến bản thân các cầu thủ là VĐV chuyên nghiệp nhưng lại quá mong manh trong việc hiểu về luật để ít ra cũng tự bảo vệ cho chính mình. Nhiều luật sư thắc mắc vì sao có rất nhiều cầu thủ sẵn sàng chịu nợ lương, thưởng cả hai mùa giải nhưng vẫn cứ đá, vẫn cứ cống hiến? Bỏ qua yếu tố tình cảm như nhiều người thường nói, ở đây còn có việc không hiểu luật và cả việc sợ hãi lãnh đạo CLB “nắm đằng chuôi” qua những bản hợp đồng và phụ lục hợp đồng có nhiều phần không thể công bố.

Cổ động viên Than Quảng Ninh thương cầu thủ, treo banderole mong lãnh đạo CLB trả lương cho cầu thủ. Ảnh: CĐV

Hiệp hội Cầu thủ vì sao không thể ra đời?

Đến đây lại phải nhắc đến Hiệp hội Cầu thủ mà hầu như quốc gia nào có bóng đá chuyên nghiệp đều có hiệp hội trên để bảo vệ cho quyền lợi của cầu thủ. Thế nhưng ở Việt Nam đã từng có nhiều lần xúc tiến thành lập hiệp hội này nhưng thủ tục đi đến VFF là bị ách tắc dù Hiệp hội Cầu thủ không trực thuộc LĐBĐ quốc gia và là một hiệp hội hoạt động độc lập để bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ.

Nắm chắc và hiểu rõ với tiến trình thành lập Hiệp hội Cầu thủ nhưng bị ách lại là cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải, đồng thời cũng là cựu tổng biên tập báo Bóng Đá. Ông Hải đến nay vẫn còn giữ những hồ sơ thành lập Hiệp hội Cầu thủ nhưng cứ đi đến cửa quan là tắc nghẽn, đành bỏ dở luôn ý định thành lập hiệp hội để giúp các cầu thủ không chỉ khi họ thi đấu, mà còn cả lúc về già khó khăn… Cũng có ý kiến cho rằng Hiệp hội Cầu thủ là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ và thường xuyên tranh luận va đập với những tổ chức bóng đá nên những nhà làm bóng đá rất sợ và ngại nên mọi thủ tục và đề án đều tắc ở một chỗ là vì thế.

Sau quyết định hủy giải, nhiều CLB thở phào nhưng cũng sau quyết định đấy thì rất nhiều cầu thủ khốn khổ mà vẫn không biết bày tỏ cùng ai, kiện ai.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm