Đổ thừa, luận tội từ định mệnh trên những chấm luân lưu

HLV Southgate trở thành tâm điểm của những sự chỉ trích quanh thất bại của đội Anh sau loạt sút luân lưu. Ba cầu thủ trẻ da màu đều ra sân ở ghế dự bị đá hỏng luân lưu bị CĐV Anh chỉ trích, bôi nhọ và bị phân biệt chủng tộc. Họ bị xem là tội đồ dù thất bại trước vạch 11m đấy, những Platini, Maradona, Beckham, Zico, Socrates, Baggio… từng vấp phải.

Thói quen phán xét và luận tội sau thất bại ở quả luân lưu

Ông Southgate nhận hết trách nhiệm về mình bởi ông là người quyết định ai đá và đá ở lượt nào. Từng là người đá hỏng quả luân lưu khiến Anh mất cơ hội vô địch cũng trên sân Wembley nên ông Southgate càng hiểu trọng trách và gánh nặng của người nhận trách nhiệm đá luân lưu lớn và áp lực như thế nào.

Kể từ sau thất bại của Anh trên sân Wembley trước Ý trong trận chung kết, ông Southgate đã bị chỉ trích rất nặng nề. Ba cầu thủ đá hỏng ba lượt cuối gồm Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka cũng chung số phận khi bị lên án và phải nuốt những lời chỉ trích cay đắng.

HLV Southgate nhận trách nhiệm và an ủi các cầu thủ sút hỏng luân lưu.

Ý đã vô địch nên hai cái tên Andrea Belotti và Jorginho – những người đá hỏng luân lưu không cùng chung số phận “tội đồ” như ba cầu thủ trẻ của Anh.

Sau thất bại trên chấm luân lưu tại Wembley, rất nhiều chuyên gia, cựu tuyển thủ, HLV, bình luận viên và thậm chí là những người chỉ xem một trận bóng và không ủng hộ đội nào hết cũng lên lớp “dạy” ông Southgate về cách chọn cầu thủ đá luân lưu.

Sau thất bại trên chấm luân lưu, tuyển thủ trẻ Marcus Rashford của Anh gần như bị xoá tên và xoá những chiến tích mà cầu thủ này đạt được. Chẳng hạn cũng ở loạt luân lưu của Anh tại vòng knock out 1/8 với Colombia. Khi ấy Rashford mới 20 tuổi đã tự tin cầm bóng đặt giữa vạch và thực hiện cú sút găm thẳng vào góc cao cầu môn Ospina. Cú sút mà người Anh hôm ấy và rất nhiều người thích so sánh thống kê nói rằng sau hàng thập kỷ Anh đã giải được lời nguyền trên chấm luân lưu nhờ sự mạo hiểm của Southgate với một cầu thủ trẻ.

Rashford tại World Cup 2018 khi 20 tuổi và bây giờ. Hai hình ảnh trái ngược cùng trên châm luân lưu

Bóng đá là thế, khi thắng thì anh là người hùng và thậm chí là những quyết định chưa đúng cũng có thể thành sách, thành những lời tán tụng.

Nói đến đây tôi bỗng nhớ đến cố HLV Weigang tại Tiger Cup 1996 khi ông cùng đội tuyển Việt Nam thắng Myanmar 4-2 và lách mình qua khe cửa hẹp vào bán kết. Buổi họp báo khi ấy trên sân Jurong, có phóng viên đã trách ông vì sao Công Minh tập tễnh chấn thương mà ông không thay ra thì HLV này cười lớn và trả lời: “Tại hậu vệ của tôi muốn ở lại để ghi bàn và sau đó anh ấy đã thực hiện một siêu phẩm”. Hôm sau, các báo Đông Nam Á chạy tít và ca ngợi thầy trò ông Weigang như người hùng.

Định mệnh và số phận từ vạch đá luân lưu

Trở lại với quyết định của Southgate ba năm trước tại World Cup 2018 và Euro 2020 trong hai loạt sút luân lưu đấy có gì là khác nhau khi đều đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ mà ông cho là họ sút luân lưu tốt nhất?

Nó chỉ khác ở thành công và thất bại trong một đêm kém may mắn và cột dọc đã ngăn cú sút hiểm đánh lừa được thủ môn nhưng không thành bàn.  

Thế nên những chỉ trích như của các cựu tuyển thủ Anh ngồi trên đài nhắm vào Southgate nhắm vào ba tuyển thủ trẻ Anh và nhắm cả sang các cầu thủ kỳ cựu không giành quyền đá luân lưu thay đàn em chỉ là cách nói mà xong trận đấu rồi mới nội soi theo kiểu mà người Việt hay nói là giá mà, nếu như…

Không ai nói hay hoặc nói trước ở những chấm luân lưu. Như Zico trong trận tứ kết với Pháp tại World Cup Mexico 1986 đá 2 quả 11m đều vào đúng một vị trí nhưng quả đầu (trong 90 phút) thì hư còn quả sau (loạt luân lưu) thì thành công. Cũng trong trận đấu đấy Platini, người được xem là ông vua sút phạt lại đưa quả bóng từ chấm luân lưu lên trời. Tương tự những siêu sao như Maradona hay Beckham, Baggio… cũng từng có những quả luân lưu rất vớ vẩn trong những trận quyết định…

Cả Maradona và Platini nhưng siêu sao và là ông vua sút phạt từng thất bại trên chấm luân lưu.

Áp lực là một lẽ mà ở đây còn có cả yếu tố may rủi hay số phận gắn với định mệnh.

Nói về chiến thắng ở những loạt luân lưu phải kể đến Argentina thời Maradona mà đỉnh điểm là World Cup Italia 1990. Điều mà ngay cả những HLV tài năng Carlos Bilardo khi ấy cũng không thể ngờ được và ông cho là tai nạn của một người có khi lại là sự may mắn chợt đến cho toàn đội giống như số phận mách bảo. Giải đấy thủ môn số 1 của đương kim vô địch thế giới Argentina là Pumpido ngay trong trận đầu bị gãy ngón tay khi trận đấu mới đi được 10 phút. Thế là HLV Carlos Bilardo buộc phải đưa thủ môn số 2 Sergio Goycochea lên thay. Sự thay đổi miễn cưỡng nằm ngoài kế hoạch của HLV này lại trở thành một kỳ tích giúp Argentina yếu ớt vào đến tận chung kết nhờ kiểu đổ bê tông rồi chờ đá luân lưu loại các đối thủ. Goycochea đã trở thành người hùng của Argentina tại World Cup ấy khi chiến thắng trước Nam Tư ở tứ kết rồi Ý tại bán kết đều ở loạt luân lưu mà anh đẩy được đến bốn quả qua hai lần bi “xử bắn” trước những loạt luân lưu ấy. Đến cả Maradona cũng “mang ơn” thủ môn “tình thế” này khi cứu cho Maradona trong một lần sút hỏng. Đó là hai lần bay người phá liền hai quả luân lưu đưa Argentina tiến vào chung kết.

Sergio Goycochea, người đóng thế nhưng từng là người hùng của Argentina trên cả Maradona tại Italia 1990.

Vì thế nên luận tội những người đá hỏng luân lưu và đổ hết tội cho họ thì có công bằng không?

Video những cầu thủ trẻ tuyển Anh thất bại ở loạt luân lưu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm