Hậu trường thể thao: Con gái Iran trên sân bóng

Họ cũng có những ước mơ được chơi bóng như bao nhiêu phụ nữ khác trên khắp hành tinh...

Giấc mơ như bao cô gái khác

Thật khó khăn để tiếp xúc được các tuyển thủ nữ Iran, để có được những thông tin về họ, chúng tôi phải tiếp xúc với người dẫn đoàn và nhờ “môi giới” với trưởng đoàn Mahmoud. Phân vân lắm Mahmoud mới tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc nhưng ông quy định: “Không chụp ảnh cận cảnh các nữ cầu thủ chúng tôi nhé!”.

Hầu hết các nữ tuyển thủ Iran tuổi dưới 20 và họ đến từ các vùng nông thôn và ngoại vi thủ đô Tehran.

Trước đây, những cô gái Hồi giáo làm gì được chơi bóng nhưng Iran là một trong những nước đầu tiên có cuộc cách mạng này sau nhiều nước Tây Á và Trung Đông chủ trương cho phụ nữ tham gia một số môn thể thao như bắn súng, đấu kiếm...

Arzadeh Huseinne, 19 tuổi, chơi vị trí hậu vệ, cho biết: “Ngày đầu tiên tôi lên thủ đô chơi bóng đá, bố mẹ tôi biết chuyện la rầy tôi vô cùng, mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cú điện thoại với nội dung “Con có điên khùng hay không mà chơi bóng đá? Con có muốn cả họ hàng tẩy chay gia đình mình không?”... Nhưng tôi nghĩ mình đã đúng và tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng dù trang phục dài tay, kín chân, kín đầu thì vẫn không ngăn cản việc chúng tôi chơi bóng...”.

Khi tiếp xúc với những cô gái này, điều bất ngờ nhất có lẽ là những điều họ muốn thổ lộ rất nhiều suy nghĩ của mình đằng sau những gương mặt thanh tú nhưng trông rất nghiêm nghị ấy. Cô Parnaz, chơi vị trí tiền vệ cánh trái, nói: “Tôi muốn chơi bóng đá chuyên nghiệp cho tới khi tôi... 50 tuổi”. Rõ ràng đằng sau những tấm áo che kín, những chiếc khăn che lấp những gương mặt đẹp ấy thì họ cũng có những ước mơ cháy bỏng như những cô gái của đội tuyển Việt Nam nói riêng và phụ nữ trên toàn thế giới nói chung.

Trên sân họ thi đấu với trang phục đặc biệt dành cho người Hồi giáo. Ảnh XUÂN HUY
Trên sân họ thi đấu với trang phục đặc biệt dành cho người Hồi giáo. Ảnh XUÂN HUY

Mạng che mặt không ngăn được ước mơ cháy bỏng

Trưởng đoàn Mahmoud cho biết: “Bốn năm trước, ở Iran không có bóng đá nữ nhưng sau đó nhiều tổ chức xã hội đấu tranh về quyền lợi phụ nữ và dần dần bóng đá xuất hiện ở Iran. Lúc đầu manh nha bóng đá nữ ở Iran dưới hình thức bóng đá trong nhà (futsal), lúc ấy ở thủ đô Tehran có hai CLB futsal. Tuy nhiên, số phụ nữ đến chơi không ngừng tăng lên do nhu cầu vận động, thế là phong trào tự nhiên bột phát lan ra nhiều vùng ở Iran. Rồi các cô gái Iran bắt đầu bước ra ngoài trời thi đấu trên sân cỏ...”.

Điều đáng nói là lương của các nữ cầu thủ Iran do các tổ chức xã hội đóng góp thông qua sự kêu gọi của LĐBĐ Iran. Mỗi cô gái được khoác áo đội tuyển có mức thu nhập trên dưới 500 USD. Nhưng tiền bạc không quan trọng bằng việc được ra sân thi thố. Các CLB bóng đá nữ ở Iran cũng thế, thường là do các mạnh thường quân tài trợ chi phí và tiền lương.

Nhìn kỹ vào những chiếc áo dài tay, quần dài thi đấu có in logo của hãng Nike nhưng những chiếc khăn trùm đầu thì tuyệt nhiên không có nhãn hiệu này. Trưởng đoàn Mahmoud giải thích: “Nó được may bằng chất liệu thun rất mỏng mà mềm, hầu như không ảnh hưởng khi vận động như chơi bóng đá. Duy chỉ có điều chiếc khăn trùm đầu hơi vướng tầm nhìn nhưng đó lại là điều không thể tách ra của phụ nữ Hồi giáo”.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm