Hậu sự cố sân Vinh: Chết người mới là nghiêm trọng?

Sân Vinh “vỡ” ở vòng 5 trong trận SL Nghệ An tiếp XMXT Sài Gòn nhưng tiếc là những người có trách nhiệm lại cho là không nghiêm trọng. Cửa sân vỡ, khán giả tràn vào ồ ạt và hàng rào ngăn sân cũng bị kéo đổ trước lực lượng bảo vệ bất lực… So với sự cố chết người năm 2008 thì may mắn hơn là không có chết người và những tai nạn thương tâm. Từ việc xem đấy là không nghiêm trọng và “gãi” ban tổ chức sân bằng án nhẹ hều khiến nhiều người bất bình.

Liệu có phải vì ông trưởng ban tổ chức sân hôm đấy dự khán nên tất cả đều được cho qua dễ dàng? Họ đã đánh tráo khái niệm “vỡ sân” khi cho rằng chỉ có chen lấn, xô đẩy, trèo rào và… húc đổ một cánh cổng.

Phải là người trong cuộc như đội khách XMXT Sài Gòn ở thời điểm ấy mới cảm nhận đủ cảnh các cầu thủ vừa đá vừa run bởi sức ép của CĐV khách, dù chưa thấy sự manh động quá đáng.

Hậu sự cố sân Vinh: Chết người mới là nghiêm trọng? ảnh 1

Nguy hiểm như thế này mà chẳng lẽ phải đợi chết người như mùa 2008 mới là nghiêm trọng hay sao? Ảnh: QUANG THẮNG

Xin hỏi ông trưởng ban tổ chức Trần Duy Ly nếu ông là trọng tài phải đứng giữa cảnh vỡ sân đấy, ông có dám quyết đúng trong trường hợp có thể cái đúng đấy sẽ là mồi lửa để dẫn đến bạo động không?

Rõ ràng công tác tổ chức và dự báo tình huống của ban tổ chức sân Vinh quá hời hợt, kém cỏi. Thử tưởng tượng giữa một biển người gần 30.000 nhưng chỉ có hơn 100 nhân viên bảo vệ an ninh, nếu một rồi hai người nhảy xuống sân và loạn như năm năm trước với Hải Phòng thì sao?

Đây không phải là lần đầu sân Vinh bị vỡ và… may mà XMXT Sài Gòn không có CĐV theo chân.

Có cảnh người người giẫm đạp nhau và mua một suất leo thang lên khán đài mất 10.000 đồng rồi có cả nạn nhân ngất xỉu phải cấp cứu ngay trên sân thế mà nói là sân không vỡ?

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” từ những sự cố “vỡ sân” Vinh xảy ra nhiều lần mà các nhà làm giải vẫn bình thản theo kiểu sống chết mặc bay…

Trưởng giải và giám sát trận đấu “ngồi ghế” đội nhà

Sân Vinh bán vé một nửa, xả cổng cho vào một nửa dẫn đến cảnh chen lấn đạp đổ cổng chắc chắn làm ảnh hưởng đến đội khách và cả tổ trọng tài vì điều kiện hành nghề không đảm bảo.

Cũng đã có ý kiến cho rằng ban tổ chức sân Vinh đã cố ý xả cổng để cho một lượng khán giả cực lớn vào nhằm gây áp lực lên trọng tài và đội khách. Sau sự cố sân Vinh, có thể nhiều đội cũng chơi tiểu xảo áp dụng phương thức đấy thì có còn là giải chuyên nghiệp và lúc đấy ông trưởng giải sẽ ăn nói ra sao?

Người hâm mộ khi nhìn bản án cảnh cáo đã liên tưởng ngay đến chuyện ông trưởng giải và các thành viên làm nhiệm vụ như giám sát trận đấu đã “ngồi ghế” đội chủ nhà nên cho rằng sự cố nguy hiểm như thế mà không nghiêm trọng. Tất nhiên đã nghi ngồi chung ghế thì cũng có quyền nghi ngồi chung mâm…

TP

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm