Hai cách ‘đấu’ giữa VFF và LĐBĐ Thái Lan

Chuyện “đấu đá” suy cho cùng trong một chừng mực nào đó vẫn có mặt tích cực nếu chỉ nhìn theo hướng “đấu” để cạnh tranh và để tiến bộ. Nếu ở VFF đấu nhau không phải để tìm ra phương pháp tốt nhất thì ở Thái Lan, cuộc “đấu” đấy rất đáng để những nhà làm bóng đá Việt Nam (VN) nhìn và học.

Thượng tầng kiến trúc bóng đá Thái Lan cũng đấu đá rất dữ dội nhưng đấu với “cương lĩnh” làm sao để phát triển bóng đá Thái Lan tốt. Đấu để khẳng định với chương trình hành động qua nền tảng và lộ trình công khai.

Với bóng đá VN, người hâm mộ đang ngán kiểu đấu để chạy dây, để gom “người của mình” trong êkíp “lợi ích nhóm”. Điều mà vừa qua Bộ VH-TT&DL phải họp các nhân vật chủ chốt của VFF cùng Tổng cục TDTT lại để nghe trình bày và tìm cách gỡ những nút thắt. Và trong khi các quan chức VFF đang tạo êkíp “đấu ghế” thì V-League vẫn tồn tại những cái sân không đủ tiêu chuẩn như sân Lạch Tray của ông phó chủ tịch VPF. Hay mới đây, đúng trận đấu mà ông trưởng ban điều hành giải dự khán trên sân Nha Trang thì ông được chứng kiến cảnh cầu thủ Than Quảng Ninh lao vào đạp cầu thủ chủ nhà bị gãy sườn khi bóng chết (trọng tài đã cho dừng trận đấu)…

V-League không được nâng cấp trong khi ở thượng tầng thì “đấu ghế”. Ảnh: CTP

Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot và Chủ tịch công ty tổ chức La Liga - ông Ivan Codina ký hợp tác nhiều mặt để tìm giải pháp phát triển bóng đá trẻ Thái Lan. Ảnh: BANGKOK POST

Rõ ràng nếu các vị đấu cho cái chung của bóng đá Việt hay giành ghế để đưa V-League, đưa các giải đi vào quy củ như Thai-League thì sẽ rất tốt. VPF sau cuộc đổi ngôi và ôm chức, nếu mà tất cả sân đều nâng cấp và các CLB đều đạt chuẩn thì thật tuyệt. Đằng này ở Thái Lan, tất cả sân đều dùng cỏ chỉ với hệ thống thi đấu đúng quy chuẩn và các CLB phải đạt chuẩn AFC thì ở VN có CLB vô địch V-League mà không đạt chuẩn không được dự AFC Champions League và AFC Cup, còn một số sân thì vẫn tạm bợ cho qua. Hay việc các CLB VN không quan tâm và đá rất nhạt nhòa ở các cúp châu Á xưa nay vẫn là căn bệnh ăn sâu vào thái độ và tư duy. Điển hình hầu hết các CLB chỉ tập trung ao nhà, còn ra ao ngoài, ao châu lục thì các CLB đá vội, đá bỏ rồi về.

Trong khi đó, giới chức lãnh đạo Thái Lan họ đấu với nhau bằng chương trình hành động. Thậm chí họ sẵn sàng rời ghế nóng ở LĐBĐ Thái Lan để sang Anh học công nghệ tổ chức rồi về giúp cho bóng đá Thái. Rõ nhất là Thai-League “phiên bản 1.0” thua V-League rất xa thì có những quan chức Thái Lan rời ghế LĐBĐ quốc gia, tự bỏ tiền đi học hỏi các quốc gia châu Âu rồi về đề nghị chính phủ hỗ trợ để hình thành Thai-League “phiên bản 2.0” và giờ đó là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á. Còn các CLB của họ thì đá AFC Champions League hay AFC Cup đạt những thành tích rất tốt.

Mới đây, sau những thất bại ở cấp độ bóng đá trẻ, LĐBĐ Thái Lan, đứng đầu là Chủ tịch Somyot, đã tìm giải pháp để hai công ty tổ chức Thai-League và La Liga của Tây Ban Nha ký hợp tác hỗ trợ phát triển. Nội dung của hợp tác này là phát triển đào tạo trẻ, chiến dịch mở rộng thị trường, quản lý chuyên nghiệp ở CLB và cả việc đưa đội tuyển Thái Lan có được những chuyến tập huấn chất lượng ở châu Âu. Cũng hợp tác trên, các CLB thuộc La Liga sẽ nhận đào tạo cầu thủ trẻ mà Thái Lan gửi qua sau cuộc tuyển chọn khắt khe. Hợp tác trên còn có cả điều khoản các giải trẻ quốc gia Tây Ban Nha sẽ có 30 cầu thủ trẻ Thái Lan được đào tạo ở Tây Ban Nha tham gia thi đấu. Ngoài ra, các HLV trẻ Thái Lan có tiềm năng sẽ được đưa sang Tây Ban Nha hằng năm thực tập làm trợ lý cho các HLV của các CLB La Liga và học các lớp nâng cao.

Đó là những nhiệm vụ, kế hoạch phát triển lâu dài mà thượng tầng kiến trúc của bóng đá Thái Lan vạch ra với hành động cụ thể.

Trong khi đó, bóng đá VN vừa qua nổi bật với lứa U-19 dự World Cup hay U-23 hạng nhì châu Á được VFF “ôm” vào như công trạng, thành tích của mình trong khi ai cũng thấy đó là thành quả của các CLB, các lò đào tạo như Hà Nội của bầu Hiển, HA Gia Lai của bầu Đức, PVF, Viettel, SL Nghệ An…

Hy vọng từ sự trở mình của bóng đá Thái Lan với “tầm xa” qua chương trình hành động và chiến lược cụ thể, những nhà làm bóng đá VN và cả Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL nhìn lại kiểu “đấu ghế” của mình và chấn chỉnh để phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm