Giải quần vợt Pháp mở rộng: Federer đi vào huyền thoại

Không có chuyện cổ tích

Đã khá lâu rồi, khán giả hâm mộ quần vợt mới chứng kiến một hiện tượng đặc biệt như Soderling. Tay vợt người Thụy Điển đã viết nên một câu chuyện cổ tích tại Paris khi lần lượt hạ gục một loạt những đối thủ trên cơ, trong đó có ĐKVĐ Nadal, để tiến vào trận CK. Nhưng đã không có một cái kết theo kiểu “cổ tích” nào hết. Federer đã dễ dàng đánh bại đối phương 6-1, 7-6 (1), 6-4 để giành Grand Slam thứ 14 trong sự nghiệp.

Soderling đã trải qua nhiều thời khắc thăng hoa ở Roland Garros năm nay, nhưng đến trận chung kết thì anh chỉ còn lại là cái bóng của chính mình. Tay vợt người Thụy Điển dường như quá “cóng” trong lần đầu tiên chơi một trận chung kết Grand Slam. Anh đã nhập cuộc cực kỳ tồi tệ khi thua cả 4 game đầu tiên trước khi gục ngã ở set 1 với tỷ số 1-6 chỉ sau 23 phút. Trong set ấy, Soderling giống như một “quân xanh” thực sự khi liên tục phải chịu đựng những cú đánh cuối sân sang hai góc, cũng như bỏ nhỏ nguy hiểm.

Trận đấu đã bị ngưng lại đôi chút khi một fan hâm mộ của Federer nhất quyết lao từ khán đài xuống sân để đội lên đầu thần tượng mình một chiếc mũ. Có lẽ sự mất tập trung ấy khiến Federer gặp khó khăn hơn một chút, song anh đã giành chiến thắng dễ dàng 7-2 ở loạt tie-break, trong đó cả 4 cú giao bóng đều ăn điểm trực tiếp. Trong set thứ ba, Federer đã giành break ngay trong game đầu tiên và giữ nguyên lợi thế ấy cho tới phút cuối cùng.

Chức vô địch Roland Garros vừa giành được đã giúp tay vợt người Thụy Sĩ cân bằng kỷ lục 14 Grand Slam mà huyền thoại Pete Sampras nắm giữ lâu nay.
Chức vô địch Roland Garros vừa giành được đã giúp tay vợt người Thụy Sĩ cân bằng kỷ lục 14 Grand Slam mà huyền thoại Pete Sampras nắm giữ lâu nay.

Điểm nổi trội nhất của Federer trong trận chung kết này chính là khả năng giao bóng khủng khiếp. Từ trước tới nay, tay vợt người Thụy Sĩ vốn được biết đến bởi lối chơi toàn diện. Xét về lực giao bóng, Federer có không thể bằng Roddick hay Soderling, nhưng khả năng ăn điểm của anh lại cực cao, nhờ vào quỹ đạo bay rất hiểm hóc của trái bóng. Trong suốt 115 phút thi đấu, Soderling chỉ 2 lần giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace), trong khi con số này của Federer là 16!

Quần vợt không tuân theo một nguyên lý bắc cầu nào cả. Soderling đã quật ngã Nadal, khắc tinh của Federer, nhưng ở trận chung kết này, sự khác biệt giữa kinh nghiệm và đẳng cấp đã được thể hiện rõ rệt, và thất bại của hiện tượng này cũng là điều dễ hiểu.

Khát vọng chinh phục

Khi Federer trải qua chuỗi 7 tháng không nếm mùi vô địch, rất nhiều người đã nghĩ rằng anh đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, rằng việc lập gia đình và chuẩn bị có con sẽ khiến anh bớt đi những động lực để phấn đấu. Nhưng chức vô địch này đã chứng tỏ rằng tất cả đã sai lầm: Federer còn nguyên tài năng và khát vọng chinh phục.

Thực tế, Federer đâu đã già. và những gì anh làm được ở độ tuổi này khiến cho tất cả mọi người đều phải khâm phục. Pete Sampras lập kỷ lục giành 14 Grand Slam năm anh 31 tuổi. Federer đã đạt được cột mốc ấy khi anh chưa đầy 28 tuổi (sinh ngày 8/8/1981). Để đạt tới cột mốc ấy, Sampras phải dự 52 Grand Slam, còn Federer chỉ là 40 Grand Slam. Và dĩ nhiên, anh chưa muốn dừng lại ở đó. Tháng sau sẽ là Wimbledon, giải đấu mà Federer đã từng đăng quang 5 lần liên tiếp trước khi để mất vào tay Nadal hồi năm ngoái. Mục tiêu của anh bây giờ là đòi lại những gì đã mất để vượt qua cột mốc của Sampras và trở thành tay vợt nam vĩ đại nhất trong lịch sử.

Nhưng thậm chí ngay cả bây giờ, Federer đã được đánh giá cao hơn cả Sampras vì anh đã sưu tập đủ bộ Grand Slam, hay người ta còn gọi đó là “Grand Slam sự nghiệp”. Trong khi đó, Sampras thậm chí chưa bao giờ lọt vào CK Roland Garros. Trong lịch sử, chỉ có 5 tay vợt khác từng giành được thành tích tương tự, và người gần nhất là bậc tiền bối Andre Agassi, người đã có mặt để trao Cúp cho Federer ngày hôm qua.

Song song với việc tìm kiếm danh hiệu Grand Slam thứ 15, Federer cũng đang khát khao đòi lại vị trí số 1 thế giới đã bị Nadal chiếm mất từ tháng 8 năm ngoái. Trước khi bước vào giải đấu này, Nadal hơn Federer tới 4490 điểm, nhưng khoảng cách ấy bây giờ đã được rút ngắn rất nhiều bởi thành tích trái ngược của cả hai tay vợt này.

“Grand Slam sự nghiệp”

Fred Perry (Anh): Australia mở rộng 1934, Roland Garros 1935, Wimbledon 1934-36, Mỹ mở rộng 1933, 1934, 1936.

Don Budge (Mỹ): Australia mở rộng 1938, Roland Garros 1938, Wimbledon 1937, 1938 Mỹ mở rộng 1937, 1938 .

Rod Laver (Australia): Australia mở rộng 1960, 1962, 1969, Roland Garros 1962, 1969, Wimbledon 1961, 1962, 1968, 1969, Mỹ mở rộng 1962, 1969.

Roy Emerson (Australia): Australia mở rộng 1961, 1963, 1964, 1965, 1966, 1967, Roland Garros 1963, 1967, Wimbledon 1964, 1965, Mỹ mở rộng 1961, 1964.

Andre Agassi (Mỹ): Australia mở rộng 1995, 2000, 2001, 2003, Roland Garros 1999, Wimbledon 1992 Mỹ mở rộng 1994, 1999.

Roger Federer (Thụy Sĩ): Australia mở rộng 2004, 2006, 2007, Roland Garros 2009, Wimbledon 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, Mỹ mở rộng 2004, 2005, 2006, 2007, 2008.

Các tay vợt dành nhiều Grand Slam nhất

14 Pete Sampras (Mỹ

Roger Federer (Thụy Sĩ)

12 Roy Emerson (Australia)

11 Bjorn Borg (Thụy Điển)

Rod Laver (Australia)

10 Bill Tilden (Mỹ)

10 trận CK đơn nam gần nhất

2009 Federer - Soderling, 6-1, 7-6 (1), 6-4.

2008 Nadal - Federer, 6-1, 6-3, 6-0.

2007 Nadal - Federer, 6-3, 4-6, 6-3, 6-4.

2006 Nadal - Federer, 1-6, 6-1, 6-4, 7-6 (4).

2005 Nadal - Puerta, 6-7 (6), 6-3, 6-1, 7-5.

2004 Gaudio - Coria, 0-6, 3-6, 6-4, 6-1, 8-6.

2003 Ferrero - Verkerk, 6-1, 6-3, 6-2.

2002 Albert Costa - Ferrero, 6-1, 6-0, 4-6, 6-3.

2001 Kuerten - Corretja, 6-7 (3), 7-5, 6-2, 6-0.

2000 Kuerten - Norman, 6-2, 6-3, 2-6, 7-6 (6).

Tổng kết giải

Đơn nam: Federer (2)

Đơn nữ: Kuznetsova (7)

Đôi nam: Lukas Dlouhy/ Leander Paes (3)

Đôi nữ: Medina Garrigues/Ruano Pascual (3)

Đôi nam nữ: Liezel Huber/ Bob Bryan (1)

Đơn nam trẻ: Daniel Berta

Đơn nữ trẻ: Mladenovic (9)

Theo Phương Chi (TT&VH) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm