Giá trị của "Siêu cường thể thao" Trung Quốc

Quang cảnh "Tổ chim" tại lễ bế mạc. Ảnh: AFP
Quang cảnh "Tổ chim" tại lễ bế mạc. Ảnh: AFP

Hội nhập

Người Trung Quốc vẫn nói rằng Olympic là sự kiện "của người phương Tây", với ý nghĩa là do người phương Tây sáng lập, và theo đuổi các giá trị của người phương Tây. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm hội nhập với thế giới. Trong thể thao, đó là việc tham dự Olympic "của người phương Tây" bắt đầu từ năm 1988, và 20 năm sau là lần đầu tiên đăng cai sự kiện thể thao trọng đại này.

Giá trị của "Siêu cường thể thao" Trung Quốc ảnh 2

Giá trị của "Siêu cường thể thao" Trung Quốc ảnh 3

Giá trị của "Siêu cường thể thao" Trung Quốc ảnh 4

Đó là một kỳ Olympic phô trương và tốn kém nhất trong lịch sử Thế vận hội, từ chi phí cho Lễ khai mạc và bế mạc (khoảng 100 triệu USD), tới chi phí tổ chức (khoảng 2,3 tỷ USD), và nhất là chi phí liên quan (chừng 40 tỷ USD).

Lịch sử tham dự Olympic của đoàn thể thao Trung Quốc cũng là một sự thăng tiến không ngừng: chỉ 20 năm sau lần tham dự đầu tiên, họ đã nhân 10 lần số huy chương vàng giành được, và vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ở Thế vận hội lần này, với khoảng cách khá xa đoàn thể thao Mỹ, siêu cường thể thao số 1 thời hậu chiến tranh lạnh.

Trung Quốc như muốn nói với thế giới rằng: chúng tôi có 5000 năm lịch sử với những giá trị văn hoá riêng, nhưng ngay cả khi chơi theo luật chơi của các anh, chúng tôi vẫn là số 1.

Bây giờ, chúng ta hãy mổ xẻ ngôi vị số 1 mà đoàn thể thao Trung Quốc vừa giành được.

Đoàn thể thao Trung Quốc thuê một số lượng huấn luyện viên nước ngoài kỷ lục ở kỳ Thế vận hội này: 38 người, cho tổng số 28 môn thi đấu. Các chuyên gia thể thao và giới truyền thông Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng, chính đội ngũ huấn luyện viên nước ngoài này đã làm thay đổi tư duy và phương pháp huấn luyện của thể thao Trung Quốc, trở nên "hiện đại" hơn.

Như trong môn bơi lội chẳng hạn, Trung Quốc đã giành huy chương vàng bơi lội đầu tiên và duy nhất của mình trong lịch sử, với một huấn luyện viên đến từ Australia, và còn nhập khẩu riêng một "bí quyết công nghệ" nữa cũng từ nước này.

Chúng ta chưa có điều kiện để thống kê xem có bao nhiêu huy chương vàng nữa mà Trung Quốc giành được ở Thế vận hội lần này theo cách tương tự, nhưng chắc chắn là nó đã đóng góp vào bước đột phá của đoàn thể thao Trung Quốc lên ngôi vị số 1 lần này.

Vì vậy, có thể chúng ta phải thay đổi cách gọi: không phải Trung Quốc là "nền thể thao số 1 thế giới", mà chỉ là "các vận động viên Trung Quốc đã giành được nhiều huy chương vàng nhất thế giới". Nó mang ý nghĩa rất khác nhau.

Yếu ở những môn thể thao chủ chốt

Olympic không lạm phát về số môn thi hay số bộ huy chương, như SEA Games chẳng hạn, nhưng ngay cả trong 28 môn thi đấu thì vẫn có sự phân biệt rõ rệt về vị thế của một số môn so với các môn còn lại.

Vị thế nổi trội là các môn thể thao cơ bản và thể thao đại chúng. Các môn cơ bản là điền kinh và bơi lội, mà ngay cả khẩu hiệu cơ bản của Olympic cũng bám vào nó "nhanh hơn, cao hơn, xa hơn". Ở đó, năng lực thể chất của con người được bộc lộ rõ ràng nhất, và sự thắng thua được hiển hiện.

Nhưng ở đó thì thể thao Trung Quốc chỉ giành được duy nhất 1 huy chương vàng ở Thế vận hội lần này, là chiếc huy chương vàng ở nội dung 200m bơi bướm nữ "có nguồn gốc Australia" như đã nói ở trên. Điền kinh thì thảm hại, với niềm hy vọng số 1 ở môn 110m rào nam Lưu Tường phải bỏ cuộc vì chấn thương.

Chấn thương của Lưu Tường lại là một câu chuyện đáng để suy ngẫm. Chính huấn luyện viên đầu tiên của Lưu đã lên tiếng chỉ trích rằng anh bị chấn thương vì việc tập luyện quá khắc nghiệt và vì áp lực quá lớn. Nó dường như nói lên 2 điều: 1/ Vận động viên Trung Quốc chưa được đối xử đúng mức, khi mà chương trình tập luyện đã áp đặt lên vận động viên, thay vì lắng nghe phản ứng từ cơ thể họ để điều chỉnh.; 2/ Vận động viên Trung Quốc, với tư cách là ngôi sao của công chúng, chưa học được cách chung sống với sức ép, trái lại bị sức ép đó từ công chúng quay sang huỷ hoại mình.

Gương mặt Lưu Tường thường xuyên xuất hiện trên báo chí.
Gương mặt Lưu Tường thường xuyên xuất hiện trên báo chí.

Sức ép đối với Lưu Tường là gì? Tờ Times (Anh) bình luận: "Anh là gương mặt bán được 100.000 vé, hình ảnh xuất hiện trên phân nửa lượng bảng quảng cáo ở Trung Quốc. Nhưng bây giờ hình ảnh của Lưu Tường đã trở thành nỗi thất vọng quốc gia". Nó cho thấy khao khát khẳng định mãnh liệt của người Trung Quốc ở môn thể thao cơ bản của Olympic, mà Lưu là niềm hy vọng lớn nhất của họ.

Các môn thể thao đại chúng là những môn có nhiều người xem và nhiều người chơi nhất, đứng đầu là bóng đá, rồi bóng rổ, và có thể là bóng chuyền. Ở đó, thể thao có nghĩa là "bởi cộng đồng" và "cho cộng đồng". Những luật lệ thường dễ hiểu, và thắng thua cũng rất rõ ràng.

Cái khó ở việc phát triển những môn này không chỉ ở chỗ nó "được quan tâm" hay không, mà còn là những đặc điểm văn hoá, xã hội của một đất nước có thích hợp với đặc điểm của nó hay không. Ngoài việc phải học cách chung sống với áp lực khi đã là một ngôi sao, vận động viên còn phải có được sự hài hoà giữa tinh thần tập thể (các môn thể thao đại chúng đa phần là những môn đồng đội) và cái tôi cá nhân (các môn thể thao đại chúng thường đòi hỏi sự sáng tạo cao). Và đó là vấn đề văn hoá, tổ chức xã hội, chứ không đơn giản là tập thật nhiều, thưởng thật nhiều là sẽ giành được thành tích cao.

Trong 3 môn vừa nêu, vị trí tốt nhất mà Trung Quốc giành được là huy chương đồng ở môn bóng chuyền nữ, môn và phái kém đại chúng nhất trong số các môn thể thao đại chúng.

China.org.cn
China.org.cn

Không phải là người Trung Quốc không đầu tư, hay không quan tâm đến các môn thể thao "phương Tây" này. Gác lại việc Trung Quốc luôn cố gắng chứng minh môn bóng đá khởi nguồn từ nước này, thực tế là bóng đá Trung Quốc đã được đầu tư rất kỹ càng: đội tuyển Olympic nam của họ đã liên tục tìm kiếm những huấn luyện viên ngoại tốt, tập huấn nước ngoài liên tục, và sinh hoạt với tiêu chuẩn cao, đến mức mà khi họ chơi với kết quả thảm hại và một hình ảnh tồi tệ (có trận đấu nhận tới 2 thẻ đỏ) thì lại bị truyền thông nước này quay sang chỉ trích là vì họ đã được cưng chiều quá mức.

Còn bóng rổ thì chắc chắn là môn thể thao số 1 ở Trung Quốc, và ngôi sao bóng rổ Diêu Minh thì là thần tượng thể thao số 1 ở đất nước này. Nhưng Diêu Minh nổi tiếng với chiều cao và kỹ thuật ném rổ, hơn là những kỹ năng tiếp cận rổ đầy sáng tạo chúng ta hay thấy ở các cầu thủ Mỹ, như Kobe Bryan chẳng hạn. Đó là tình trạng chung của các cầu thủ bóng rổ Trung Quốc. Và kết quả khi họ đối đầu với nhau: Mỹ thắng với tỷ số 101-70, dù Trung Quốc được cổ vũ bởi khán giả nhà nêm cứng khán đài. Các kế hoạch đầy tham vọng và lý trí có thể "đúc" nên những vận động viên cao ngất ngểu, như người ta vẫn đồn về sự ra đời và được chăm sóc "đặc biệt" của Diêu Minh, nhưng sự sáng tạo trong thi đấu không được sản sinh trong bất kỳ một kế hoạch nào cả: nó là sản phẩm của một nền văn hoá đề cao cá nhân, một nền văn hoá khuyến khích sự sáng tạo.

Thể thao và giá trị cuộc sống

Trung Quốc đặc biệt thành công với những môn thể thao đòi hỏi sự khổ luyện, những môn thể thao hạn chế cảm xúc nhất trong tập luyện và thi đấu như nhảy cầu (7 HCV), bắn súng (5 HCV), bóng bàn (4 HCV), cử tạ (8 HCV), và thể dục (11 HCV). Đây chưa phải là tất cả những môn có đặc điểm này, nhưng bạn hãy làm phép cộng để so sánh: 5 môn này đã mang lại cho Trung Quốc 35 HCV, chỉ kém 1 chiếc so với tổng số HCV mà đoàn Mỹ giành được.

Các vận động viên Trung Quốc có những giai đoạn phải tập từ 6h sáng đến 11h đêm, như khám phá của một số nhà báo thể thao. Thời gian còn lại chỉ đủ để ngủ và ăn uống. Đó phải chăng là cuộc sống của con người?  

Người viết cũng đã chứng kiến những buổi biểu diễn thể dục nghệ thuật, nơi mà các vận động viên Trung Quốc thường thực hiện rất hoàn hảo các động tác, nhưng lại rất ít khi nở nụ cười trên môi. Với họ, thi đấu dường như là một nhiệm vụ quan trọng: họ phải tập trung tối đa vào nó, và sẽ khóc khi nhiệm vụ không hoàn thành. Trái ngược với hình ảnh các vận động viên Mỹ hay Anh dường như đang "thả hồn" vào bài biểu diễn với một niềm đam mê.

Khi bạn bắt đầu với niềm đam mê, tập luyện và thi đấu giống như bạn đang tận hưởng cuộc sống, và thật tuyệt vời khi thành công lại đến với việc tận hưởng cuộc sống ấy. Còn khi bạn bắt đầu cuộc chơi với ý nghĩa nhiệm vụ, tập luyện và thi đấu dường như là việc đang đầy ải bạn, và càng đáng sợ khi việc bạn tự đầy ải mình mà không mang lại thành quả gì.

Và cảm xúc nữa: người ta có thể làm được những điều phi thường nhờ sự thăng hoa của cảm xúc, chứ không phải bằng việc kìm nén nó. Khổ luyện và kìm nén cảm xúc có thể là một con đường dẫn đến thành công, nhưng không giúp con người tận hưởng thành công. Và khi tuyệt đối hoá sự khổ luyện và kìm nén cảm xúc, không phải là con người đang tận hưởng cuộc sống, mà là đang tự đầy đoạ mình.

Thể thao là để làm cho cuộc sống tốt hơn, chứ không phải để đầy đoạ cuộc sống của con người!

Hồng Ngọc (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm