FIFA ưu ái hay ‘giết’ các đội bóng ‘nhỏ’?

Tám năm nữa, vòng chung kết World Cup tăng từ 32 lên 48 đội. Trong 16 suất tăng thêm những vùng trũng bóng đá tăng đáng kể mà điển hình là châu Á từ bốn lên tám suất. Tương tự, châu Phi cũng tăng bốn suất từ năm lên chín; CONCACAF (Bắc Trung Mỹ và Caribe) cùng CONMEBOL (Nam Mỹ) mỗi khu vực có sáu suất, tức CONCACAF tăng thêm ba suất còn CONMEBOL tăng thêm hai. Trong khi đó lục địa già là khu vực đóng góp nhiều chức vô địch nhất và có nhiều đội bóng mạnh nhất lại chỉ tăng được ba suất, tức từ 13 lên 16 đại diện.

Việc một vòng chung kết tăng 1/3 số đội tham dự là cơ hội cho các “nước nhỏ” về trình độ bóng đá. Nói như nhiều nhà bình luận là FIFA đang chơi trò “mặt trận” để vòng chung kết đông vui và cũng là để kéo dài thời gian, kéo dài nhiều khoản lời kếch sù cho FIFA lẫn các quốc gia thành viên.

Như vậy phần ưu ái cho các “đội bóng nhỏ” và vùng trũng nó đi đôi với quyền lợi và tăng cơ hội cho nhiều quốc gia mòn mỏi ao ước có được một lần dự World Cup sớm thành hiện thực.

Trọng tài “tha” quả 11 m chạm tay Rojo để rồi sau đó chính cầu thủ này ghi bàn ấn định 2-1 giúp Argentina lách mình qua cửa hẹp. Ảnh: GETTY IMAGES

Thế nhưng vì sao tính xa và ưu ái cho các đội bóng nhỏ như thế nhưng ở vòng chung kết thì các đội càng nhỏ càng dễ bị “giết”?

Nói đúng hơn là các đội bóng nhỏ ít được tạo điều kiện so với những đội bóng tên tuổi. Như cái cách mà các trọng tài dù được trang bị công nghệ tận răng thế nhưng vẫn lắc đầu cướp đi quả 11 m của Nigeria. Hay với một đội bóng nhỏ như Iran họ phải hứng chịu thiệt thòi trong trận quyết định với Bồ Đào Nha mà rõ nhất là tình huống cứu cho Ronaldo thoát thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội.

Tôi không tin các trọng tài sai sót khi công nghệ VAR đã giúp họ nhận diện một cách chính xác nhất. Như cái cách mà trọng tài Cuneyt Cakir của Thổ Nhĩ Kỳ lắc đầu từ chối cho Nigeria hưởng quả 11 m sau khi xem rất kỹ VAR.

VAR không làm đổi trắng thay đen được nhưng chính các trọng tài, chính các công cụ điều hành của FIFA đã đưa phần “người” vào với một quyết định có lợi cho đội bóng lớn, cho cái tên Messi ăn khách và ăn khán giả hơn cả một đội Nigeria.

Họ đã biến mục đích tạo công bằng của VAR thành phần quyết định đầy tính người trong một cuộc chơi mà những đội bóng nhỏ ít được bảo vệ.

Có phải Nigeria ít “ăn khách” hơn và ít mang lại lợi nhuận hơn Argentina có cái tên Messi ở vòng knock out? Khi mà cuộc đối đầu giữa hai cái tên Pháp-Argentina có hàng loạt cái tên hút hàng như kiểu Popba với Messi sẽ mang lại những con số khổng lồ và những món lợi nhuận hơn gấp nhiều lần cái tên Pháp-Nigeria. Hoặc Bồ Đào Nha mà có Ronaldo sẽ khác rất xa (về truyền thông, về thu nhập, quảng cáo…) với Bồ Đào Nha đá vòng knock out không Ronaldo.

Một quả penalty ở phút 76 sẽ ngăn đi cơ hội vào vòng trong của Argentina và nó được đánh đổi bằng “sự sai lầm” có cái giá để giết một đội bóng nhỏ (tên tuổi) như Nigeria.

Vẫn biết rằng bàn thắng ấn định 2-1 của Argentina là nỗ lực của cả một tập thể mới có nhưng nó được thắp lên từ cái lắc đầu của ông trọng tài sau khi xem VAR rất kỹ và nghe rất nhiều (qua bộ đàm, tai nghe) đã quyết định sai với những gì mình thấy.

Giữa việc FIFA ưu ái cho các đội bóng nhỏ để gây quỹ và để tạo ra mặt trận bóng đá toàn cầu và FIFA “giết” các đội bóng nhỏ ở vòng chung kết đều có chung một kịch bản: Lợi nhuận, sức hút và bài toán kinh tế.

Thế nên các đội bóng nhỏ cứ phải tập lớn từ những khắt khe của thời thế và từ các con số lợi nhuận của FIFA ngày một tăng theo cấp số nhân.

HLV Nigeria: “Trọng tài thấy nhưng không muốn thổi phạt đền!”

HLV Hernot Rohr của Nigeria sau trận thua Argentina đã trả lời báo Sovietckyi Sport: “Chúng tôi đã làm hết những gì có thể. Nói về tình huống ở phút 76, tôi chắc chắn là bóng đã chạm tay Rojo nhưng trọng tài “khó” đưa ra quyết định trong hoàn cảnh như thế kể cả khi ông ấy đã tham khảo VAR. Đó thực sự là quả phạt đền mà chúng tôi xứng đáng được hưởng nhưng có những thứ thuộc về con tim và cả lý trí trong hoàn cảnh, không gian và thời gian.

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm