Fair Play là biểu tượng của bóng đá đẹp!

Tôi luôn ủng hộ giải Fair Play bởi đó chính là biểu tượng của cái đẹp trong bóng đá, khuyến khích các thành phần tham gia vào bóng đá luôn hướng về cái đẹp. Ngoài ra, bản thân giải thưởng còn hàm chứa sự phê phán, bài trừ hình ảnh tương phản là cái xấu xí trong môn chơi này.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất kỳ ai yêu bóng đá đẹp sẽ ủng hộ giải thưởng Fair Play mà thôi. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Người tử tế không ai muốn mang tiếng xấu cả. Nhưng để tạo dựng, góp phần làm cho mọi thứ đẹp hơn, hoàn thiện hơn đòi hỏi người ta phải rèn luyện, nỗ lực rất nhiều.

Có những ứng xử đẹp trên sân cỏ bật ra, chính là phản xạ từ gốc “nhân chi sơ tính bổn thiện” ở đời thường. Cũng có những hành xử mà chỉ có sự trui rèn mới tạo nên hành vi chuẩn mực và bản lĩnh. Vì vậy, Fair Play xứng đáng được mọi giới ủng hộ, khuyến khích, thúc đẩy và lan tỏa điều tử tế, đẹp đẽ trong bóng đá, không chỉ trong giới bóng đá.

Nhà báo Huỳnh Sang (bìa phải) còn là một MC rất có duyên gắn với giải Fair Play từ khi thành lập đến nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Với năm đề cử cho giải Fair Play mùa này, tôi thật sự ấn tượng vì Ban tổ chức đã tập hợp và ghi nhận những điều xứng đáng phải tôn vinh trong năm qua.

Hình ảnh hai anh cảnh sát bảo vệ cứu cháu bé ở sân Thiên Trường hay trọng tài Ngô Duy Lân sơ cứu kịp thời cầu thủ trên sân vừa là phản xạ nhanh, vừa thể hiện kịp thời tính trách nhiệm của cá nhân, đồng thời cũng khơi lên hình ảnh, ứng xử đẹp ở chỗ đông người. Thậm chí, ở góc độ nào đó, ai cũng thấy rõ hành động đẹp và nhanh chóng ấy giúp nạn nhân vượt qua “thời khắc vàng” trước khi đến tay bác sĩ chuyên môn.

Tôi cũng thực sự mến mộ hai cổ động viên nữ “tiếp tế” thực phẩm, thức ăn cho các đội tuyển Việt Nam. Nó chứa đựng tình cảm, sự nhiệt huyết khi mong muốn góp sức mình với tư cách người hâm mộ cho bóng đá nước nhà. Để làm được điều đó, yêu thôi chưa đủ, họ phải có tấm lòng chân thành, đắm say với màu cờ sắc áo đội tuyển thì mới có những hành động thiết thực và nhân ái đến thế.

Tập thể đội tuyển nam U-22 cùng chung sức vì mục tiêu HCV, đồng thời thể hiện tình đoàn kết đồng đội là biểu tượng sức mạnh tập thể trong chiến dịch “săn vàng” SEA Games. Sự chia sẻ của họ với đồng đội bị chấn thương hay tinh thần nỗ lực cống hiến đã làm nên sức mạnh thật sự, làm nên thành công thật sự, là một thành quả đáng tự hào.

Riêng nữ tuyển thủ Chương Thị Kiều, theo tôi rất đặc biệt. Là “thân gái dặm trường”, cô đã thể hiện sự lăn xả ở mọi thời khắc của “cuộc chiến”. Hình ảnh Kiều phải băng bó chân và đổ máu vì thành công chung của tuyển nữ Việt Nam cho thấy một tinh thần mạnh mẽ, không ngại dấn thân và cống hiến hết mình cho bóng đá nước nhà. Đó là đỉnh cao thể hiện tinh thần cao thượng, trách nhiệm khi ra sân làm nhiệm vụ quốc gia.

Hình ảnh đấy như một tấm gương đẹp lan tỏa trong chính giới cầu thủ và người hâm mộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm