Euro 2012 và kỹ nghệ “mắt diều hâu”

Khác với bóng đá Nam Mỹ hay châu Phi, bóng đá châu Âu kiểu lực sĩ, nhanh và mạnh nhưng FIFA vẫn chưa chịu dùng “mắt diều hâu” gắn vào cầu môn khiến các nhà sản xuất hậm hực.

Bảo vệ trọng tài hay thi vị hóa bóng đá?

Trước đây, khi vẫn còn tranh luận có nên áp dụng kỹ nghệ “mắt diều hâu” vào bóng bầu dục và quần vợt hay không thì các nhà thể thao đã tranh luận nảy lửa. Các ý kiến phản đối cho rằng thể thao cần có một chút… lệch lạc để thêu dệt nên những câu chuyện hay về sau. Khi công nghệ “mắt diều hâu” áp dụng vào quần vợt và bóng bầu dục đã giảm hẳn sự phán quyết không chính xác từ trọng tài và khiến mọi người hài lòng hơn.

Bây giờ thì việc đưa “mắt diều hâu” vào bóng đá vẫn lửng lơ giữa chống và thuận nhưng người ta tin rằng trong tương lai buộc phải áp dụng.

Euro 2012 và kỹ nghệ “mắt diều hâu” ảnh 1

Pha quay chậm Maradona dùng tay ghi bàn thắng ở Mexico 1986 mà chỉ có “mắt diều hâu” mới có thể xác định ngay trên sân bóng. Ảnh: AFP

Bóng đá ngày càng phát triển khi sức mạnh của cầu thủ tăng lên, những cú sút xa bất ngờ đạt tốc độ phá kỷ lục nên cần sự hỗ trợ của kỹ nghệ. Một cầu thủ có cú sút mạnh cỡ Roberto Carlos cách cầu môn chừng 40 m thì trợ lý trọng tài không thể bứt phá với tốc độ gần 200 km/giờ để xác định nó qua vạch vôi hay chưa. Trong khi đó, thủ môn cản phá không thành, bóng rơi xuống đất thì họ kịp dùng… tiểu xảo lùa bóng ra ngoài.

Lịch sử những bàn thắng nhanh và xa hầu hết đều là những cầu thủ châu Âu như Geoff Hurst (Đức), Lampard (Anh)… và Euro 2012 cũng hứa hẹn sẽ có những tình huống tranh cãi tương tự.

Kỹ nghệ “mắt diều hâu”

Có nhiều hãng sản xuất thiết bị này, song mức độ tin tưởng cao nhất vẫn là hãng Hawkeye (Anh) và Cairos (Đức). Theo đó, trong trái bóng được gắn một con chip điện tử cực nhỏ. Trên sân bóng có tổng cộng 16 camera với độ phân giải cực mạnh, trong đó, mỗi cầu môn được tám camera soi vạch cầu môn từ những vị trí khác nhau. Khi gặp tình huống bóng gây tranh cãi thì lập tức chúng sẽ hiện lên màn hình xử lý trong nháy mắt. Điều này giúp trọng tài trên sân dễ dàng công nhận bàn thắng hay không.

Phe ủng hộ kỹ nghệ “mắt diều hâu” trong bóng đá thì cho rằng cầu thủ cần có thiết bị hỗ trợ ghi nhận công lao và nỗ lực của họ. Người phản bác lại bảo không cần thiết, vì bóng đá cần có sai số để trở thành những câu chuyện bất hủ, kiểu như “bàn tay Chúa” của Maradona và tình huống không công nhận bàn thắng của Geoff Hurst trận chung kết World Cup 1966 giữa Đức và Anh…

Vòng chung kết Euro 2012, nơi hội tụ nền bóng đá… lực sĩ, hứa hẹn xảy ra nhiều tình huống gây tranh cãi sẽ lưu lại những giai thoại bất hủ.

World Cup 2012 (Nam Phi) trận Anh - Đức (vòng 16 đội), Lampard sút cực mạnh, bóng bay trên không và trôi qua vạch vôi nửa mét (ảnh) nhưng tổ trọng tài không theo kịp đành từ chối bàn thắng của tuyển Anh.

Euro 2012 và kỹ nghệ “mắt diều hâu” ảnh 2

Lampard còn bị từ chối bàn thắng tương tự tại bán kết Carling Cup giữa Chelsea và Liverpool. Gần đây, nhiều giải U-20, U-19 châu Âu và các giải Nam Mỹ ngày càng xảy ra nhiều tranh cãi như thế.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm