Đuốc Olympic đến Nhật và tranh cãi trong mùa dịch COVID-19

Ngọn lửa Olympic từ Hy Lạp đã về đến Nhật bất chấp những chỉ trích và phản ứng của nhiều giới về việc cần hoãn Olympic Tokyo 2020. Chủ tịch IOC thì tin vào hành động của mình theo lời khuyên từ lực lượng đặc nhiệm ban (tổ chức Olympic, chính quyền Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cái lý của IOC

Ông Thomas Bach đã nhiều lần nói rằng Olympic vẫn theo lịch trình khai mạc vào ngày 24-7 đến ngày 9-8 mà “không phải hủy bỏ hay hoãn”.

“Tất nhiên chúng tôi đang xem xét các kịch bản khác nhau. Vấn đề của việc tổ chức Olympic trái ngược với nhiều tổ chức thể thao hoặc giải đấu chuyên nghiệp khác bị hoãn ở chỗ chúng tôi cách Thế vận hội bốn tháng rưỡi nữa” - Thomas Bach chia sẻ. “Hiện tại, còn quá sớm để chúng tôi đưa ra quyết định tại thời điểm IOC không có bất kỳ khuyến nghị nào từ lực lượng đặc nhiệm”.

Ngoài quan điểm của chủ tịch IOC, vẫn chưa có tổ chức nào dám khẳng định điều gì khác về việc hoãn Olympic sau khi hàng loạt giải thể thao tạm ngưng do bùng nổ dịch COVID-19 diễn ra trên khắp thế giới và làm tê liệt nhiều quốc gia cùng với du lịch quốc tế.

Vòng loại Olympic đang bị ảnh hưởng với 43% vận động viên chưa hoàn thành việc lấy vé đến Nhật. Tuy nhiên, chủ tịch IOC vẫn cho biết hiện tình hình vẫn còn quá bấp bênh để đưa ra quyết định về Tokyo: “Tất cả đều không có gì chắc chắn. Hôm nay không ai có thể cho bạn biết ngày mai sẽ ra sao. Chúng ta hãy bình tĩnh vì vẫn còn hơn bốn tháng nữa mới khai diễn Olympic. Vì thế, chúng tôi không có trách nhiệm phải đưa ra quyết định ngay bây giờ, mà cần dựa trên suy đoán về sự dịch bệnh trong tương lai”.

Chủ tịch Thomas Bach cho biết sẽ cân nhắc về sức khỏe cho mọi người là đầu tiên và quan trọng nhất và cam đoan mọi quyết định của IOC sẽ không vì bất kỳ lợi ích tài chính nào. Ông ví von: “Đối với thế giới thể thao, trong khi không biết dịch COVID-19 như một đường hầm này sẽ kéo dài bao lâu và chúng tôi muốn ngọn lửa Olympic chính là ánh sáng ở cuối đường hầm ấy”.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach bị chỉ trích vì chưa đưa ra quyết định hoãn Olympic. Ảnh: CCT

Ngọn lửa Olympic đã về đến Nhật bất chấp những tranh cãi và chỉ trích. Ảnh: CCT

Người trong cuộc phản ứng

Các vận động viên không đồng thuận với lời khuyên của IOC là tiếp tục tập luyện hết sức có thể và sẵn sàng đến với cuộc chơi danh giá bốn năm mới có một lần. Nhà vô địch Olympic nhảy sào nữ của Hy Lạp Katerina Stefanidi cáo buộc sự mạo hiểm của IOC (nếu không hoãn) sẽ khiến tất cả đối diện với nguy cơ rủi ro cao: “IOC muốn chúng tôi đánh cược với sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng. Họ đang khiến chúng tôi gặp nguy hiểm ngay bây giờ chứ không phải trong bốn tháng nữa”.

Kaori Yamaguchi, thành viên ban điều hành của Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) đưa ra khuyến cáo Thế vận hội Tokyo nên hoãn lại do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: “Olympic phải tạm dừng, vì với tình hình lây nhiễm khó lường hiện tại, các vận động viên không thể chuẩn bị tốt. Bằng cách yêu cầu họ tập luyện trong điều kiện khó khăn này, IOC đang tự nhận những lời chỉ trích rằng họ không đặt sức khỏe và sự an toàn của các vận động viên lên hàng đầu”.

Bà Yamaguchi từng giành HCĐ môn võ judo tại Thế vận hội Seoul năm 1988, là thành viên cao cấp JOC đầu tiên kêu gọi công khai việc hoãn Thế vận hội Tokyo. Các nhà tổ chức thậm chí đã tối giản những cuộc đấu vòng loại và thu nhỏ các sự kiện, trong lúc nhiều quốc gia có lệnh cấm du lịch. “Olympic không thể giống như các sự kiện thể thao khác, bởi nó tượng trưng cho lý tưởng hòa bình thế giới mà thể thao mang lại. Thế vận hội không nên tổ chức nếu mọi người trên khắp thế giới không thể tận hưởng”. Bà Yamaguchi kêu gọi IOC ít nhất đưa ra thời hạn cho quyết định cuối cùng của mình.

Nhật Bản đón ngọn lửa Olympic

Ngày 20-3, ngọn lửa Olympic rước từ Hy Lạp trên một chuyến bay đặc biệt đã đến Nhật Bản một cách lặng lẽ hơn thông lệ. Hai cựu vận động viên Olympic Nhật Bản Saori Yoshida và Tadahiro Nomura đã đưa ngọn lửa từ máy bay đến một cái vạc có hình hoa anh đào trên sân khấu. Không có cảnh chào đón ngọn lửa bởi 200 trẻ em địa phương vì lo ngại virus lây nhiễm. Sau bài phát biểu của trưởng ban tổ chức Yoshiro Mori, ngọn đuốc đã thắp sáng trên đài lửa Olympic. Giám đốc điều hành Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết: “Việc tiếp sức và thắp sáng đài lửa Olympic là sự kiện lớn nhất trước Thế vận hội. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi là thực hiện nó bằng bất cứ giá nào”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm