Dọn rác trong vườn nhà

Việc cầu thủ Việt Nam bị dính doping gây ngỡ ngàng cho nhiều nhà chuyên môn bởi kiến thức về doping, về các chất cấm trong danh mục của FIFA quá mơ hồ hay nói đúng hơn là không quan tâm. Đến khi vỡ lở mới hốt hoảng thì đã muộn.

Vụ việc tuyển thủ Nguyễn Ngọc Hào “dính” doping chỉ được những người có trách nhiệm “điều tra và xét hỏi” sau khi AFC thông báo mẫu nước tiểu đầu tiên cho kết quả dương tính. Và chính cầu thủ này đã giải trình rất nghiệp dư (giống những nhà quản lý của mình) đó là: “Hôm trước em có tiệc tùng và vui với bạn nên nhậu vài chai!”. Điều này cho thấy công tác quản lý cầu thủ trong giải quốc tế của ta rất sơ sài và bản thân các cầu thủ cũng rất tùy tiện trước ngày thi đấu dù đấy là giải châu Á. Thậm chí đến giờ cũng chưa ai tìm hiểu và xác minh nguồn gốc chất metamphetamine nằm trong thành phần gì và có phải là vì “nhậu vài chai” mà có chất này hay không.

Sắp tới còn rất nhiều giải đấu ở cấp đội tuyển và chuyện ăn uống hay phòng, chống doping vẫn chưa có một biện pháp nào được thực hiện. Chẳng lẽ lại cứ để “tự nhiên” rồi “chết vì thiếu hiểu biết” hay phó thác theo kiểu “trời kêu ai nấy dạ” trong “vườn nhà” mình.

2. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Nguyễn Quốc Khánh còn có chức danh Phó Chủ tịch CLB Bóng đá Hùng Vương An Giang. Ông Khánh là dân ngoại đạo bóng đá nhưng được tỉnh trao nhiệm vụ như các chỉ đạo viên đội bóng trước đây để quản lý đội bóng về mặt nhà nước. Ông Khánh thú nhận tỉnh muốn có đội bóng và thi đấu ở chuyên nghiệp để phục vụ người dân tỉnh An Giang, mang lại niềm vui cho bà con nông dân hằng tuần xem và cổ vũ đội nhà thi đấu.

Để đội HV An Giang đủ điều kiện đá chuyên nghiệp, tỉnh cho ngân sách 20 tỉ đồng và 20 tỉ đồng còn lại thì doanh nghiệp Hùng Vương hỗ trợ. Trong lần trả lời phỏng vấn đài truyền hình gần đây nhất, ông Khánh thú thật tưởng bóng đá là niềm vui cho người dân tỉnh nhà nhưng khi tham dự V-League rồi thì mới vỡ lẽ nó mang lại nhiều phiền toái. Thậm chí còn làm người dân bực bội hơn, ức chế hơn. Ông Khánh cũng không giấu chuyện sắp tới có thể tỉnh sẽ rút lại không đầu tư cho bóng đá nữa vì không đúng mục đích mà HĐND tỉnh đề ra. Và phần ngân sách đấy có thể sẽ giúp một huyện khó khăn thì thiết thực hơn rất nhiều.

Thực chất bóng đá không có tội nhưng do cách làm, cách điều hành khiến sân chơi mang tính giải trí cao bị phản tác dụng và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bóng đá vì “vườn nhà” vẫn còn nhiều rác.

3. Giải trẻ U-15 toàn quốc thi đấu ở Đồng Nai chứng kiến một HLV chỉ đạo cầu thủ nhí cứ đá láo đi, thẻ vàng hay thẻ đỏ thầy chịu trách nhiệm. Một người thầy ở giải đấu trẻ như thế là không thể chấp nhận được và người thầy đó đã nhận án kỷ luật từ VFF.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải khách quan và nhìn nhận từ nhiều phía, trong đó có cả việc cầm cân nảy mực của một trọng tài trẻ. Hôm qua, sau khi tìm hiểu kỹ vấn đề này, tôi có trao đổi với Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi và ông Mùi cũng hiểu được phần nào về việc cần phải “dọn rác” trong vườn nhà mình.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm