Đội tuyển Việt Nam: Tuyển thủ nghèo

Trong 6 triệu đồng ấy, có 3 triệu từ Cúp TPHCM diễn ra hồi đầu tháng 10 và hơn 3 triệu nữa từ khoản tiền lương tham gia đội tuyển.

Sở dĩ có tình trạng này, theo quy định, mỗi cá nhân tham gia đội tuyển sẽ được hưởng mức lương theo quy định của ngành thể thao, tính ra được khoảng hơn 4 triệu/tháng. Các HLV người Việt được hưởng cao hơn một chút, khoảng hơn 1 triệu đồng so với các cầu thủ.

Các tuyển thủ đang “trong héo ngoài tươi” ?
Các tuyển thủ đang “trong héo ngoài tươi” ?

Nhưng, điều quan trọng nhất ở đây, là việc đội tuyển đá chỉ có hòa và thua, nên họ không nhận được bất cứ khoản tiền thưởng nào. Trận đấu được coi là cơ hội kiếm tiền cho VFF khi Việt Nam gặp Singapore tối 14-10 trong trận giao hữu lượt đi, dù đội tuyển hòa, nhưng VFF lại lỗ nặng khi khán đài sân Mỹ Đình còn rất nhiều chỗ trống, ước tính chỉ có khoảng 3 ngàn khán giả và gần một nửa trong số đó là vé mời. Thành thử, VFF cũng không thể “lấy mỡ nó rán nó” như những lần trước kia.

Có một thực tế, các tuyển thủ hầu hết đều hoặc sắp thành triệu phú, vì họ có thể kiếm được hàng tỉ đồng từ những bản hợp đồng với các mác tuyển thủ. Họ xứng đáng với số tiền ấy, vì được lên tuyển, hầu hết là nhờ năng lực tự thân và cả một quá trình nỗ lực. Nên việc tính chuyện nghèo-giàu khi ở tuyển là một điều không phải ai cũng thông cảm và chấp nhận, trong khi họ vẫn nhận được lương ở CLB. Bên cạnh đó, đội tuyển còn là vinh dự và trách nhiệm của dân quần đùi áo số.

Nhưng, cũng không phải là không có lý khi một số tuyển thủ băn khoăn vì cả tháng tập luyện vất vả ở tuyển lại chỉ nhận được vài triệu, chỉ đủ mua đôi giày và tiêu vặt. Trên thế giới, không phải quốc gia nào cũng trả tiền lương cho các tuyển thủ, nhưng với những nền bóng đá vẫn còn phải tập trung đội tuyển dài hạn, biến mỗi đợt tập trung đội tuyển thành một “trại lính”, thì có lẽ người ta cũng phải tính đến chuyện trả tiền bồi dưỡng xứng đáng cho các cầu thủ.

Sau SEA Games, ông Mai Đức Chung, một người có kinh nghiệm ở đội tuyển và luôn chống lại những suy nghĩ coi lên đội tuyển là cơ hội kiếm tiền đơn thuần, đồng thời cũng là người của ngành thể thao, đã từng đề cập tới việc phải có một sự thay đổi về chế độ tiền lương cho đội tuyển theo hướng nâng cấp, tương xứng với công lao động. Trách nhiệm trước việc này không thể là Tổng cục TDTT hay Bộ VHTT&DL, mà nó là của Liên đoàn, dù đội tuyển là tài sản chung.

Trong quá khứ, BĐVN đã phải trả giá quá nhiều lần cho vấn đề lương thưởng ở đội tuyển. Đó là một vấn đề nhạy cảm, vì nó có thể dẫn tới một khả năng là có chuyện “mặc cả” đội tuyển, còn nếu lên tuyển mà nghèo quá thì sẽ khiến các tuyển thủ đôi khi cảm thấy nản khi mà chiến dịch săn tìm chiếc cúp Vàng khu vực vẫn còn ở phía trước.

Rõ ràng, chừng nào còn tiếp tục duy trì công thức tập trung đội tuyển dài hạn, các nhà quản lý phải tìm bằng được được bài toán dung hòa. Để cầu thủ không phải suy tính. Và để các nhà làm chuyên môn không phải đau đầu.

Theo Trần Minh (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm