Đội tuyển Việt Nam: Khi Calisto mở biên

Bài tập này, được thực hiện với tần suất chỉ kém hơn so với bài tập nhóm chống nhóm trong phạm vi hẹp, vừa phục vụ mục đích nâng cao thể lực vừa trui rèn kỹ năng (ít chạm) cùng những nguyên tắc chơi bóng (nhanh).

Khả năng chơi bóng bổng của các cầu thủ VN vốn không tốt.
Khả năng chơi bóng bổng của các cầu thủ VN vốn không tốt.

Có vẻ như miếng xuống biên ông Calisto bày ra nói trên đi ngược lại triết lý bóng đá của ông: đượm chất Latin, tập trung ở trung lộ với những pha xuyên phá từ các tiền vệ trung tâm. Kể cả khi dẫn dắt Gạch, Calisto cũng hướng các cầu thủ của ông chơi ở trung lộ nhiều hơn để làm nên các cú đấm trực diện.

Song, cái gì cũng có lý do của nó và một khi Calisto điều chỉnh chắc hẳn cũng thế. Trong cả 3 trận đấu gần đây của đội tuyển, dấu ấn lớn nhất của miếng đánh trung lộ là tình huống làm nên bàn thắng của Vũ Phong trong trận thua Olympic Trung Quốc 2-3 ở Thẩm Dương hồi tháng 7. Một cú bấm bóng của Minh Phương, một pha chạy chỗ của Công Vinh và thêm một cú tiếp bóng tinh tế của Vũ Phong, tất thảy đều diễn ra trên trục dọc đã xé đôi hàng phòng ngự của đối thủ. Tiếc là sự mẫu mực ấy và những pha bóng hiệu quả mới chỉ dừng lại ở số ít.

Có một điều không thể phủ nhận là trong thời gian vừa qua, phong độ của các tiền vệ trung tâm chưa một lần lên tới đỉnh. Minh Phương chỉ đủ sức chơi 2/3 thời gian trận đấu (vắng mặt trong chuyến đi Indonesia). Minh Châu chỉ tập trung cho nhiệm vụ phòng ngự. Một mình Tài Em là không đủ để gánh vác. Và chìa khóa chiến thuật của sơ đồ 4-2-3-1 là tiền vệ kiến tạo, chơi ngay sau lưng tiền đạo cắm, thì ông Calisto vẫn chưa tìm ra.

Sức mạnh tự nhiên ở 2 cánh đã khiến đội tuyển trong thời gian qua hình thành các pha lên bóng ở 2 biên. Trận đấu với Olympic Brazil là một ví dụ. Hiệp một chơi tốt hơn của đội tuyển cũng là thời điểm mà cánh phải với Bảo Khanh hoạt động tích cực và xuyên phá được hàng thủ của đội bóng Vàng-Xanh, cho tới khi Khanh bị “sụt pin” và bị thay ra.

* Không bàn thắng

Nhưng, cho tới lúc này thì ĐTVN dưới thời ông Calisto vẫn chưa thể có một bàn thắng từ những miếng đánh biên ấy. Có quá nhiều vấn đề khác nhau:

Dù sở hữu tới 2 tiền đạo có khả năng chơi đầu không tồi là Ngọc Thanh và Việt Thắng, nhưng trên thực tế, người chơi đầu tốt nhất của ĐTVN trong khoảng 5 năm qua phải là Thanh Bình với những pha băng cắt rất nhanh để hạn chế điểm yếu về chiều cao và khả năng bật nhảy khi so đọ với các hậu vệ quốc tế. Một tiền đạo khác được ông Calisto đánh giá rất cao là Anh Đức cũng có kỹ năng chơi đầu nổi trội (chỉ kém Thanh Bình) thì lại bị chấn thương.

Các tiền vệ trung tâm cũng không phải là những người giỏi trong kỹ năng không chiến. Chỉ có đúng một Tài Em là rất cừ khôi với khả năng bật nhảy luôn cao hơn khoảng 6-70cm so với mặt đất. Có điều, không phải lúc nào Tài Em cũng có mặt trong vòng cấm đề chờ đợi 1 quả tạt và 1 mình anh rõ ràng là không đủ.

Và trên hết, lối chơi tạt cánh đánh đầu ấy không phải là sự lựa chọn thích hợp của ĐTVN và của cả BĐVN. Nó là kết luận của 20 năm BĐVN tái hội nhập và gần như tay trắng.

Calisto thừa hiểu điều đó. 8 năm ở Việt Nam và là người luôn hướng tới việc xây dựng một lối chơi phù hợp với tố chất của con người cầu thủ Việt Nam như một chìa khóa để hướng tới một sự nâng cấp thành tích, ông thày người Bồ dĩ nhiên biết là mình không thể đi vào vết xe đổ của Alfred Riedl.

Thế thì rất có thể, những pha bóng xuống biên ấy chỉ là nhất thời và sẽ có những điều chỉnh, từ khâu phối hợp trước khi đưa bóng ra biên cho tới khâu đưa bóng ngược trở lại vào trung lộ mà sệt, chéo, cho tuyến hai dâng lên... sẽ là những phương án, vì không phải đội bóng nào mở biên cũng là tạt cánh đánh đầu và không phải pha chồng biên nào cũng tiếp theo bởi một quả treo bổng vào trong vòng cấm.

Khi ông Calisto mở biên, có thể và rất cần là một kiểu mở biên khác.

Theo Phạm Vũ (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm