Đời thường của tiền đạo Lê Công Vinh: “Lúc ấy tôi điên thật...”

Nhân sự kiện này, Pháp Luật TP.HCM đề cập vào góc khuất số phận ẩn sau quả bóng của Công Vinh.

Tuổi 23, nhìn Vinh như một người từng trải. Mắt cương nghị thỉnh thoảng thấy nét láu lỉnh hiện trên gương mặt nhưng bên trong lại là người hay thể hiện cảm xúc và có lúc thật yếu đuối. Yếu đuối đến có lần anh tự hủy hoại mình...

Vinh “điên” lao đầu vào tường

Đã có lần Vinh ức với chính mình vì sự kém cỏi nên đã cầm giày đập vào đầu rồi lao đầu vào tường. Mọi người can ngăn và khuyên can nhưng lúc ấy Vinh khỏe quá và cứ giật ra không cho ai can ngăn. Đồng đội có người nhìn Vinh mà hoảng sợ nên nói rằng “Thằng ấy bị điên”. Sau này khi tỉnh lại, Vinh kể: “Lúc ấy tôi điên thật. Tôi tức cho chính mình vì lớp cầu thủ như Văn Quyến, Lâm Tấn... tuổi 16 đã thành tài, còn tôi tập ở đội trẻ đến năm 18, 19 tuổi vẫn bị chê là chân củi. Mà đúng là hồi đấy tôi củi thật. Cứ dự bị mãi dù đã được gọi lên tuyển. Có giải tôi ao ước được ra sân và cố ghi bàn nhưng không thể và cứ nghe mọi người nói “chân củi” là tôi lại uất ức...”.

Năm 2004, Vinh có niềm vui lớn là lên đội tuyển được đá chung với Huỳnh Đức và được nhận Quả bóng vàng nhưng mùa sau lại là mùa đen đủi của tiền đạo này. Vinh kể: “Giai đoạn trước SEA Games 23 là giai đoạn kinh khủng nhất trong đời cầu thủ của tôi. Cả một giai đoạn tập huấn, tôi tập rất chăm chỉ và có phong độ tốt nhưng HLV Riedl vẫn không cho tôi cơ hội ra sân. Agribank Cup 2005, tôi thèm được ra sân và khát khao ghi bàn vào lưới Thái Lan và Nhật Bản nhưng đấy lại là trận đấu của Thanh Bình, của Văn Quyến... Tôi tự ái, tôi tức vì mình vừa đoạt Quả bóng vàng thế mà lại trở thành cầu thủ thừa thãi ở đội tuyển. Tôi mất niềm tin khi thấy cố gắng của mình không được công nhận và có lúc đã nghĩ đến chuyện hủy hoại đời mình khi đập giày vào đầu và lao đầu vào tường. Đến giờ bạn bè có người vẫn nhắc lại và gọi tôi là Vinh “điên”.

Từ người bạn câm đến đứa em bị ung thư

Khi còn ở Quỳnh Lưu chưa lên thành phố Vinh gia nhập đội năng khiếu, Công Vinh có một người bạn rất thân bị tật nguyền không thể nói được. Anh bạn thân của Vinh bị câm nhưng đá bóng rất hay. Khi ra sân người bạn tật nguyền ấy của Vinh không bao giờ chịu thua kém ai cả. Vinh nói: “Đó là một con người có nghị lực phi thường và người bạn ấy đã có tác động rất lớn đối với cuộc đời cầu thủ của tôi sau này”. Chính nhờ người bạn đó mà khi bắt đầu bước chân vào nghiệp cầu thủ thực thụ, Vinh luôn thuộc lòng câu: “Nếu bị ngã, hãy đứng dậy và chạy tiếp”.

Sau này Vinh còn có một người bạn khác cũng nghị lực không kém và ảnh hưởng nhiều đến Vinh là Hồng Tiến. Hồng Tiến không may như Vinh khi phải phẫu thuật cả hai chân nhưng rồi cầu thủ này vẫn cố gắng trở lại và ra sân với sự nể phục của nhiều người.

Trước AFF Cup 2008, Vinh lại có thêm một cậu em kết nghĩa là Hồng Quân. Hồng Quân trước là một cầu thủ U-13 TP.HCM thi đấu đoạt huy chương bạc nhưng sau danh hiệu ấy, Quân bị phát hiện bị ung thư, phải điều trị. Từ đấy, hai anh em Vinh - Quân thường xuyên trao đổi với nhau. Vinh nói: “Em Quân đã giúp tôi rất nhiều nghị lực để vượt qua khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn tôi gặp trở ngại khi ra sân mà không thể ghi bàn”. Trong khi đó, Hồng Quân lại tâm sự: “Chính anh Vinh đã giúp em rất nhiều nghị lực để vượt qua bệnh tật. Em sẽ hết bệnh, sẽ trở lại với bóng đá như ngày nào...”.

Bố là tất cả...

Vinh có một phần đời không may mắn khi gần bố thì không thể có mẹ và ngược lại. Có năm, Tết đến Vinh phải chia ra chạy xuống Quỳnh Lưu cách 75 km ăn Tết với mẹ rồi lại tranh thủ chạy về Vinh chăm lo cho bố. Cứ thế quãng đường Vinh - Quỳnh Lưu - Vinh trở nên rất thân thương với anh.

Vinh rất ít nói về mẹ dù anh gần mẹ nhiều hơn nhưng không phải là Vinh thương mẹ ít hơn. Có lần ngồi trong quán cà phê với bạn bè, Vinh tâm sự bố anh bất hạnh khi bị tù tội suốt tám năm trời nên anh muốn bù đắp cho ông thật nhiều những thiệt thòi. Vinh từng ngậm ngùi kể: “Tôi chưa bao giờ giấu giếm về việc có bố từng đi tù. Ngược lại, tôi tự hào vì bố là một phần cuộc sống của tôi. Những cố gắng của tôi bây giờ cũng là để bù đắp những gì mà bố tôi đã trải qua. Trước khi tập trung đội tuyển chuẩn bị AFF Cup tôi đã mua được nhà cho bố và còn tổ chức cưới vợ cho bố. Giờ tôi cũng an tâm phần nào vì bố đã có người lo lắng chứ không còn đơn chiếc, lủi thủi một mình nữa...”.

Những bàn thắng để đời

Tháng 11-2006, Vinh cùng đội tuyển sang Qatar dự ASIAD 15. Một giải đấu quá tầm với các đối thủ Bangladesh, Hàn Quốc, Bahrain. Lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có bàn thắng ở giải đấu này nên Vinh ao ước có một bàn thắng.

Trận gặp Bahrain hơn mình rất nhiều Vinh thầm cầu nguyện: “Cho con ghi bàn dù chỉ là một bàn thắng thôi!”.

Và khi đội Việt Nam đang bị thua 0-1 thì bất ngờ Vinh nhận được đường chuyền của Tấn Tài. Anh tăng tốc, lẻn lên và sút chéo góc ghi bàn.

Lần ấy, Vinh nói đó là bàn thắng cuộc đời cho đến đêm 28-12-2008.

Cái đêm mà Vinh và tất cả người Việt Nam đều không thể nào quên được bởi một bàn thắng đưa bóng đá Việt Nam sang trang sử mới. Vinh biết rằng đấy là khoảnh khắc cuối và điều Vinh e ngại là Việt Nam phải vào đấu hai hiệp phụ với Thái Lan. Trong Vinh khi ấy giằng xé nhiều thứ. Từ bàn thua ở Tiger Cup 1998 khi Vinh còn là cậu bé tuổi 13 thấy mọi người khóc và mình cũng khóc đến cái thua ở SEA Games 22 tại Mỹ Đình vì một bàn thắng vàng của Thái Lan trong hai hiệp đấu phụ. Nhìn Minh Phương chạy đà, Vinh hiểu anh ấy sẽ đưa trái bóng đi đâu, về đâu vì trong các buổi tập Vinh đã quá quen với bước chạy đà này và điểm rơi của quả bóng. Vinh lao đến, Suree Sukha cũng lao theo và khi bật lên Vinh còn nhớ rõ là cái tay của Sukha đã hích mạnh vào mình. “Tôi cố để cái đầu mình chạm được vào quả bóng hy vọng nó sẽ làm đổi hướng bay và rồi lúc chạm đất cũng là lúc nghe tiếng hò reo vỡ òa của cả cầu trường. Tôi chạy như điên dại và lúc ấy không biết mình chạy đi đâu nữa. Không còn là giấc mơ mà đã là sự thật. Đấy mới là bàn thắng cuộc đời của tôi...” - Công Vinh tâm sự.

Công Vinh ngẫu hứng xỏ găng vào làm thủ môn bắt quả luân lưu của ông chủ tịch VFF. Ảnh: QUANG THẮNG
Công Vinh ngẫu hứng xỏ găng vào làm thủ môn bắt quả luân lưu của ông chủ tịch VFF. Ảnh: QUANG THẮNG

Tai nạn, túng quẫn và phút nông nổi làm liều của bố

“... Ngày còn bé, chị em chúng tôi chủ yếu được bố chăm sóc, do mẹ tôi thường xuyên vắng nhà. Vì thế chúng tôi chịu ảnh hưởng từ bố rất nhiều. Ký ức của tôi còn in đậm về tai nạn mà bố phải gánh chịu. Trong một lần đi trên đường, bố đã bị một chiếc xe khách đụng phải, làm gãy một chân với cái xương bánh chè gần như vỡ vụn. Công ty xe khách khi ấy không bồi thường một đồng nào cho ông cả. Tiền thuốc thang chạy chữa chân cho ông khiến gia đình tôi khánh kiệt nhưng cũng may ông qua khỏi dù phải mang chiếc đinh inox trong xương. Trước hoàn cảnh gia đình như thế, bố tôi đã đặt số mệnh của mình vào một quyết định kinh khủng là bán thuốc phiện. Ông tính chỉ làm một lần, đúng một lần thôi để có tiền cho các con đỡ khổ. Chuyến đi “buôn” để “cứu khổ” cho gia đình lần ấy, bố tôi bị bắt. Tòa xử 12 năm tù nhưng bố tôi chịu án tám năm thì được ân xá và trả quyền công dân. Tám năm ấy mỗi lần tôi bưng nồi cơm lên là mỗi lần tôi khóc và ước rằng giá như bữa nào bố cũng được một miếng thịt thì chắc bố sẽ vui lắm... Sau này bố vẫn khuyên tôi với câu nói mà tôi không thể nào quên: “Đời bố đã nhiều bất hạnh, con hãy đứng thẳng mà sống, hãy mang lại niềm tự hào cho những người xung quanh. Chỉ có điều ấy mới khiến bố không hối tiếc”...

Những sở thích và yêu, ghét của Vinh “còm”

- Thích xem phim hành động.

- Rất mê truyện tranh. Là tài trợ chính cho các em năng khiếu về truyện tranh nhưng với điều kiện “mua về phải để anh Vinh đọc trước đã”.

- Món ăn khoái khẩu: Thịt heo.

- Ghét: Thịt bò.

- Sợ nhất: Đóng phim quảng cáo vì phải “Tô tô, trét trét và đánh phấn dày cộm sợ lắm!”.

- Nguyên nhân rời Sông Lam về T&T: “Không phải vì tiền nhưng vì khát vọng ở một đội bóng có khả năng phát triển và có cơ hội để phát triển”.

ANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm