Đô thị hóa trước, thoát nước theo sau

Bài báo trên còn thống kê những con số liên quan đến đô thị hóa ở thủ đô và mức độ ngập ngày càng gia tăng mà người Hà Nội phải gánh chịu đến mức ngán ngẩm sau mỗi cơn mưa cứ phải lội bì bõm.

Nhân chuyện đô thị hóa đi trước, thoát nước theo sau lại nhớ đến câu chuyện tuần qua khi trao đổi với lãnh đạo ngành thể thao về những trì trệ của ngành và đặc thù của từng bộ môn.

Đầu tiên là chuyện của các kình ngư bơi mà thời gian qua đã có những tranh luận không ít quanh chuyện đưa Hoàng Quý Phước đi Mỹ tập huấn và gãy thảm hại. Thực tế thì Mỹ là nơi có công tác huấn luyện khoa học hàng đầu nhưng việc Quý Phước qua Mỹ để bơi và để được huấn luyện, đào tạo bài bản lại hoàn toàn khác nhau. Kết quả là tài năng của Đà Nẵng sang đến Mỹ mà tìm cái hồ để tập như được tập ở nhà đã khó huống hồ là được đào tạo bài bản kiểu như các tay bơi trong đội tuyển Mỹ.

Cuối cùng thì Quý Phước phải chấp nhận từ số âm và làm lại sau nhiều tháng “tiền mất, tật mang”.

Chuyện thứ hai liên đến bóng đá, môn thi đấu mà Việt Nam đã lên chuyên nghiệp được 12 năm.

Năm 2000, khi lên kế hoạch chuyển lên chuyên nghiệp, những nhà làm bóng đá đưa ra luận điểm là cứ đi rồi thành đường. Và đường lúc đấy đi là các CLB thuộc Nhà nước được đổ tiền vào làm chuyên nghiệp, được mua cầu thủ ngoại, được thuê cầu thủ giỏi. Sự bắt tay giữa các doanh nghiệp với các đội bóng nhà nước đã tạo bước chuyển lớn nhưng phần tự phát với việc nghiệp dư lĩnh lương cao thì cứ mọc đủ hướng tùy phần “quy hoạch” của ông chủ.

Không ai bắt các CLB đi đúng với hướng đi chuyên nghiệp mà chỉ chăm theo bài “Cứ đi rồi thành đường”.

Các doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá mỗi người làm vì một mục đích. Có doanh nghiệp lấy bóng đá đánh bóng mình giờ đã lên ghế lãnh đạo tỉnh của một địa phương rồi thôi không chăm cho đội bóng nữa. Có doanh nghiệp chuyên “săn” các đội để đổi dự án vàng ở địa phương hoặc có miếng đất vàng để làm kinh tế. Có doanh nghiệp nhiều tiền quá nên chơi với bóng đá để lấy tiếng và để… có chỗ tiêu tiền.

Điểm khác rất lớn của ta với các nền bóng đá chuyên nghiệp là các quốc gia vẫn trân trọng các doanh nghiệp nhưng bước vào môi trường bóng đá thì phải theo những chuẩn mực và khuôn mẫu căn bản của bóng đá chuyên nghiệp chứ không phải bỏ tiền vào thì muốn làm gì thì làm. Cứ xem cái cách những doanh nghiệp mua, bán đội bóng hoặc thay tên, đổi họ trong khi khung chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ thì thấy rõ 12 năm làm chuyên nghiệp ta đang đứng ở đâu.

Các CLB chuyên nghiệp giờ cứ lo săn cầu thủ, “giật” cầu thủ, “đi đêm” mà rất ít lo đào tạo trẻ.

Thế nên cũng không lạ khi mùa giải tới có khả năng 3-6 đội sẽ khai tử hoặc bán đi cái tên. Và cũng không lạ khi nhiều ngân hàng đang báo lỗ thì cũng là lúc nhiều đội bóng có ông chủ là ngân hàng đã tính chuyện dẹp đội bóng.

Nhiều ông bầu cứ nói chán bóng đá nhưng thực chất là đã đến lúc vắt hết từ bóng đá và bây giờ tính chuyện chuyển hướng làm ăn.

Giờ thì chính những nhà làm bóng đá lại lo lắng khi sắp lãnh hậu quả của việc cứ đi (mà không quy hoạch) rồi thành đường.

Bóng đá Việt Nam có khác gì đô thị cứ “hóa” và thoát nước lại lẽo đẽo theo sau để khắc phục hậu quả.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm