Đề xuất các môn thi SEA Games 29: Chủ nhà lại 'giở chiêu'

SEA Games, đại hội thể thao vùng trũng nhất của thể thao thế giới nhưng đầu tư rất tràn lan tốn tiền tốn của nhưng lại xa rời Olympic. Và trước khi gút các môn SEA Games 29, năm 2017, chủ nhà Malaysia cũng bắt đầu toan tính.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia Imran Ja’afar

Một số liên đoàn của các nước Đông Nam Á đã dọa kiện và tẩy chay lên Ủy ban Olympic châu Á và LĐĐK châu Á (AAA) quanh việc chủ nhà Malaysia có ý định loại nhiều nội dung phổ biến và cài cắm vào những nội dung mạnh của mình tại SEA Games 29 năm 2017.

Sau khi phía Malaysia đề xuất sân chơi bóng đá từ U-23 xuống U-21, Thái Lan bất mãn, chưa chịu trả lời nay đến việc các môn thi đấu tại SEA Games 29 lại bị chủ nhà Malaysia “nhồi, nắn” sao có lợi cho mình và loại bỏ những môn thế mạnh của các nước bạn nhằm lấy ngôi nhất toàn đoàn. Cụ thể là các nội dung marathon, băng đồng 3.000 m và 10.000 m, bảy môn phối hợp và 10 môn phối hợp,... những nội dung mạnh của điền kinh Việt Nam đều bị Malaysia loại. Chủ tịch LĐĐK Thái Lan, Ông Surapong cảnh báo điều này lên LĐĐK Châu Á (AAA) nhưng dường như phía Malaysia chẳng để tâm và thậm chí là thách thức vì các quan chức hàng đầu của LĐĐK châu Á hầu hết là người Malaysia.

Malaysia đưa ra đề xuất 34 môn thể thao thi tài tại SEA Games 29, có tổng cộng 342 nội dung thi đấu. Mọi chuyện còn phải đợi khi Hội đồng SEA Games (SEAGF) họp bàn và ngã giá. Nói tiếng là họp bàn nhưng thực chất sẽ chẳng có nhiều thay đổi vì cái lệ lâu nay của thể thao “ao làng” Đông Nam Á là thế.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia (OCM) Imran Ja’afar cho rằng việc Malaysia đưa 34 môn thể thao với tổng cộng 342 nội dung tranh huy chương đã là… rất mở cho đại hội. Báo chí Đông Nam Á cũng chỉ ra cái “dở hơi” rằng Chủ tịch LĐĐK Malaysia cũng là Chủ tịch SEAFG, tức ông Low Beng Chow, vừa có quyền bày ra vừa có quyền “duyệt”. Rồi cũng theo ông này thì Malaysia đã làm đúng với “hiến chương” và phương châm của SEA Games.

Còn lý do loại hàng loạt nội dung điền kinh như kể trên mà các Á vận hội, Thế vận hội đều phải có của môn điền kinh thì ông Ja’afar trả lời rằng Malaysia quyết định vậy là phù hợp điều kiện của chủ nhà, địa hình, địa điểm thi đấu, số lượng các nước tham gia, giá cả để truyền hình trực tiếp… và cả việc ưu tiên phát triển những nội dung lẫn những môn phù hợp thể trạng người Đông Nam Á (!?). Điều này hoàn toàn phù hợp với những quy định của SEAGF.

Ông Imran Ja’afar còn nói thêm nếu các liên đoàn kiện lên AAA thì cũng phải suy ngẫm lại vì Malaysia đã đưa vào nhiều môn tranh tài tức đã tạo điều kiện cho các nước rồi.

Malaysia từng đề suất bóng đá SEA Games từ ĐTQG xuống U-23 (2001) và rồi xuống U-22 ở SEA Games 29 năm 2017

Lâu nay “truyền thống” của SEA Games là thế. Khi là chủ nhà thì các nước mặc nhiên tự tung tự tác theo chiều hướng cớ lợi cho mình để lấy ngôi toàn đoàn hay thứ hạng cao.

Thậm chí khi các nước chủ nhà biết nước bạn mạnh nội dung nào, môn nào, nhất là những cá nhân VĐV bơi lội và điền kinh mạnh nhiều nội dung thì lại sắp lịch tréo ngoe, nghiệt ngã để loại bớt cơ hội đoạt HCV của những VĐV giỏi. Cái nghịch lý, lòng tham và tính ích kỷ này của “ao làng” Đông Nam Á nó đi ngược với phương châm của Olympic là luôn tạo điều kiện qua lịch đấu một cách thoải mái nhất để các VĐV giỏi không phải bỏ sót nội dung nào làm cho từng cuộc tranh tài luôn chất lượng.

Chủ nhà SEA Games 29, Malaysia đang tìm cách… bóp, nắn các môn thi đấu bất chấp sự phản đối, tức giận và dọa tẩy chay của nhiều nước.


34 môn chủ nhà Malaysia đề xuất cho SEA Games 29.

Điền kinh, các môn thể thao dưới nước (bơi lội, bóng nước, nhảy cầu, lặn…), bắn cung, cầu lông, bóng rổ, bowling, boxing, bóng chày, xe đạp, đua ngựa, bóng đá, Futsal, golf, TDDC, hockey, Karate, lawn bawls, bóng mềm, Pencak Silat, bi sắt, bóng bầu dục, đua thuyền buồm, cầu mây, bắn súng, Snooker- Billiards, bóng quần (squash), bóng bàn, Taekwondo, quần vợt, bóng chuyền, trượt ván nước, cử tạ, Wushu, hockey trên băng, và trượt băng.

SEA Games 29 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 31-8-2017

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm