‘Dân chơi’ họ rảnh và hai chàng ‘khùng có tâm’

Các fanpage gọi họ bằng cái tên trìu mến “S” (viết tắt từ admin), riết rồi họ cũng quen miệng xưng mình là “S”. Có người còn dí dỏm nói: “S là Suổi, tiếng Thái có nghĩa là đẹp” để khen những PV hiện trường gắn bó với các giải đua xe đạp Việt Nam đã không ngại khó, tìm mọi cách để đưa thông tin cho người hâm mộ theo dõi nhanh nhất, thật nhất.

“Dân chơi” họ rảnh, “khùng” mà có tâm

Quang Trực (báo SGGP Thể Thao) và Minh Quang (báo Pháp Luật TP.HCM) là hai PV có thâm niên rất lâu trong lĩnh vực xe đạp. Họ rong ruổi, theo đoàn đua cả những giải trong nước lẫn quốc tế và nhẵn mặt với làng xe đạp Việt. Thậm chí có lúc họ gánh “sô” cho cả các báo, đài neo người không thể cử PV theo đoàn đua mà không hề vụ lợi. Dần dà cần thông tin thì cứ “ới” họ là được hồi đáp ngay. Thậm chí còn được nghe những lời bình đắt giá như vì sao mất áo vàng hoặc tại sao có những êkíp rất ghét nhau nhưng lại “com-bin” với nhau để cùng hưởng lợi.

Có lần hai anh than thở với nhau theo đoàn đua thì không mệt nhưng được tin tưởng và trở thành đầu mối giúp đỡ thông tin cho đồng nghiệp lẫn người hâm mộ thì quá mệt đến độ nóng ran và chai pin cả điện thoại. Thế rồi hai anh bàn nhau tại sao không làm một fanpage mang tên Trực tiếp đua xe đạp Việt Nam để mọi người, trong đó đặc biệt là các tín đồ xe đạp Việt Nam, cùng thưởng ngoạn và theo dõi. Từ ý tưởng đó, năm 2013, fanpage Trực tiếp đua xe đạp Việt Nam ra đời chỉ với chiếc điện thoại kết nối 3G.

Hồi đó Facebook chưa có những tính năng mới như bây giờ nên việc tường thuật chỉ là thông tin được nhập liệu vội vàng trên đường đua. Từ những PV chỉ ghi chép tư liệu và nhận định cho riêng mình, họ bắt đầu gánh cái phần việc mà anh em hay đùa là “dân chơi họ rảnh”.

Quang Trực kể lại ngày đầu làm “dân chơi họ rảnh” đi tường thuật cho cả làng xem diễn biến đoàn đua: “Ban đầu thì Minh Quang chạy con LA 250 chở tôi cập nhật thông tin rồi cứ thế gõ vào điện thoại tải lên cho người hâm mộ theo dõi. Mình gõ một, họ comment rồi hỏi thăm 10, 20. Trước đây nghe điện thoại hỏi tình hình muốn cháy tai nhưng khi có fanpage đấy thì chuyển sang rát tay vì cứ phải theo dõi rồi gõ phím trả lời. Hai anh em có lúc bị những người cùng theo đoàn đua chọc là làm chuyện bao đồng vì có ai trả lương, thậm chí là trả tiền nạp 3G nhưng có làm mới thấy nhu cầu của người hâm mộ theo dõi đoàn đua trực tiếp lớn lắm. Không chỉ ở trong nước mà có người ở tận châu Âu, Mỹ, Canada... và các nước Tây Á theo dõi, trong đó có những cựu HLV, cựu cuarơ đã định cư ở nước ngoài nhưng vẫn muốn sống lại cảm giác trên đường đua…”. Các đồng nghiệp theo đoàn đua thấy họ làm việc hữu ích ấy cũng tham gia trợ giúp. Người thì cung cấp hình ảnh miễn phí, người thì sẵn sàng chở “S” làm nhiệm vụ. Riêng các trọng tài, những người làm nhiệm vụ trên đường đua, hiểu việc họ làm vì người hâm mộ và không vụ lợi đã tạo điều kiện tối đa để họ tác nghiệp và còn châm chọc: “Mấy đứa này khùng mà có tâm!”.

PV Minh Quang hành nghề với chiếc điện thoại kết nối 3G truyền trực tiếp tương tác với dân địa phương, truyền cảm giác sống trong không khí đường đua cho các tín đồ xe đạp Việt Nam và cả nước ngoài. Ảnh: CMQ

Lấn sân cả nhà đài

Tuổi lên năm, hai anh “S” của fanpage bấy giờ đã là “người hùng” của các tín đồ xe đạp. Cùng với những tính năng mới của Facebook từ năm 2016 cho livestream, hai mùa gần đây, họ không còn gõ gõ tường thuật mà làm trực tiếp cuộc đua với những hình ảnh thật sinh động. Nếu các nhà đài bị hạn chế về nhiều mặt thì hai “S” nhà ta sẵn sàng mang điện thoại đi vào cả hậu trường do nhẵn mặt và thân thiện với hết các thành viên của đoàn đua.

Thế nên cũng không quá đáng khi họ được khen là “đài” duy nhất có phỏng vấn các cuarơ với những câu hỏi rất dân dã, mộc mạc. Thậm chí là những thành viên của đoàn mô tô cần gửi gắm gì đến người xem hay anh bảo vệ đích đến cùng những người hâm mộ chứng kiến đều có thể “lên sóng”.

Ấn tượng nhất tại Cúp Truyền hình năm nay có lẽ là đoạn live hiện trường sau cú té của nhiều cuarơ mà “S” Quang Trực đã tìm đến tận nơi cho người xem chứng kiến vết thương đau đớn của các cuarơ như Huỳnh Thanh Tùng hay đôi bạn Lê Nguyệt Minh, Lê Ngọc Sơn… Nhìn những vết thương còn đỏ au với mảng da tróc bê bết máu me, ai cũng thương cảm và hiểu sự hy sinh lớn lao của các cuarơ.

Thậm chí có những cảnh mà nhà đài “chịu thua” do bận bịu ở khu vực trao thưởng và làm lễ thì hai “S” sẵn sàng “phi” vào BV Ninh Thuận để live cảnh họ được chữa trị trong đau đớn. Từ đó họ bất ngờ quay được cảnh thật xúc động đó là hai cuarơ Nguyệt Minh và Lê Ngọc Sơn đã trích hết phần tiền thưởng của mình cho em bé bị bỏng nặng đang chữa trị tại bệnh viện…

Khi bài báo này lên khuôn thì hai “S” Quang Trực và Minh Quang đấy đang cùng đoàn đua bước vào hành trình cuối từ Bảo Lộc về TP.HCM đúng vào dịp 30-4 như mọi năm. Vẫn là chiếc điện thoại quen thuộc đã nhiều lần thay màn hình vì va đập cùng chiếc gậy thân quen ngồi rong ruổi theo đoàn đua và trực tiếp từng diễn biến với giọng nói dân dã, mộc mạc quen thuộc. Ngày 29-4, số người xem đã lên kỷ lục trên 35.000 người xem chặng Đà Lạt - Bảo Lộc. Họ vừa xem vừa bình luận, còn tim với like thì thả liên tục đến độ có lúc các tín đồ xe đạp phải khuyên nhau đừng thả tim nữa để chất lượng hình ảnh rõ hơn. Cũng có những người vừa thả tim vừa đặt vào những câu gửi gắm thật dễ thương: “S ơi, giữ sức khỏe và nhớ ăn uống đầy đủ để còn tiếp tục live cho chúng tôi sống với không khí đường đua nhé!”, có người thì mắng yêu: “Ông chạy xe chở S chạy ghê quá, nhớ phải giữ mình và phải an toàn tính mạng nhé!”… Những lời nhắn nhủ đấy khiến PV Minh Quang chia sẻ: “Nhiều người cứ nói chúng tôi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng cứ thấy người hâm mộ yêu mến và quý trọng là máu nghề nghiệp của chúng tôi lại nổi lên với suy nghĩ mang được chút không khí trên đường đua cho các tín đồ xe đạp là vui lắm lắm rồi…”.

Từ khi lập trang Trực tiếp đua xe đạp Việt Nam chỉ vài chục thành viên theo dõi, đến nay thì fangage đã đạt đến con số 25.000 người theo dõi thường xuyên. Theo thống kê, lượng fan Việt Nam chiếm đa số với 22.966 fan. Xếp sau đó là Thái Lan (248 fan), Mỹ (228 fan), Campuchia (112 fan), Nhật Bản (93 fan)… Thậm chí các quốc gia như Bồ Đào Nha, Đức, Sri Lanka, UAE… cũng có người xin trở thành thành viên.

PV Minh Quang cho biết: “Lúc đầu tôi rất bất ngờ không hiểu sao bạn bè quốc tế có thể hiểu được chữ tiếng Việt. Qua trao đổi, tôi mới biết họ dùng tiện ích chuyển ngôn ngữ được Facebook tích hợp sẵn để nắm bắt diễn biến cuộc đua. Không chỉ nhận được lời khen về cách vận hành trang mà hình ảnh phong cảnh Việt Nam nơi đoàn đua đi qua cũng được chúng tôi chuyển tải và được bạn bè quốc tế hết lời khen ngợi”.

Kỷ niệm với hai “S”

‘Dân chơi’ họ rảnh và hai chàng ‘khùng có tâm’ ảnh 3

Chia sẻ về những buồn vui và kỷ niệm, hai PV Quang Trực và Minh Quang kể: “Đến bây giờ, chúng tôi còn rất ấn tượng với hình ảnh một cụ già người An Giang đam mê xe đạp, ngồi chờ đến giờ chúng tôi lên livestream. Năm 2016, Nick Hung Long Xuyên chụp tấm ảnh kèm lời tựa: “Ngồi chờ coi trực tiếp nè, tội nghiệp không S ơi” vẫn được chúng tôi lưu giữ như kỷ niệm đẹp và đấy là động lực để chúng tôi tiếp tục làm “dân chơi” họ rảnh…”.

Riêng với mục hình ảnh đường đua, fanpage nhận được ủng hộ rất nhiệt tình của các anh em đồng nghiệp. Họ là những PV ảnh gạo cội, nổi tiếng về ảnh thể thao như nhà báo Dư Hải (báo Thể Thao TP.HCM), Hoàng Hùng (báo SGGP Thể Thao), Quang Liêm (báo Người Lao Động), Đức Đồng (VnExpress), Hoàng Quỳnh (báo Thanh Niên)… Thậm chí hình ảnh của các trọng tài mê chụp ảnh đường đua xe đạp như Nguyễn Minh Tân, Huỳnh Văn Thuận cũng được trưng dụng làm phong phú thêm trang xe đạp phục vụ người xem...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm