Chung kết World Cup nữ, Mỹ - Nhật Bản: “Nữ hoàng Tsunami”

Các nữ tuyển thủ Nhật lần đầu giành quyền vào chung kết với Mỹ và những chiến thắng của đội này được xem là “phép lạ”. “Phép lạ” xảy ra dựa trên hai yếu tố là trình độ kỹ thuật - chiến thuật hiện đại điêu luyện cộng với tính chiến đấu vượt khó của các nữ cầu thủ xứ mặt trời mọc.

Lối đá kỹ thuật nhuyễn phối hợp nhóm cầm bóng và chuyền bóng gắn bó làm bệ phóng cho tiến công tinh tế của họ đã được các chuyên gia bóng đá ví với Barcelona. HLV Sasaki còn cho biết thêm đấy cũng là thành quả hơn ba năm toàn đội chơi chung rất hiểu ý nhau kể từ Olympic Bắc Kinh 2008 đoạt hạng tư. Từ đó nổi lên những hạt nhân dẫn dắt đội thành công như đội trưởng kỳ cựu Sawa, tiền đạo Kawasumi…

Bên cạnh đó, có thể nói thảm họa sóng thần trên đất nước mặt trời mọc vừa qua đã trở thành một hiệu ứng tâm lý kích thích cả đội nêu cao tinh thần vượt khó, tiến lên giành thắng lợi như món quà an ủi đồng bào Nhật thân yêu.

Chung kết World Cup nữ, Mỹ - Nhật Bản: “Nữ hoàng Tsunami” ảnh 1

Chung kết World Cup nữ, Mỹ - Nhật Bản: “Nữ hoàng Tsunami” ảnh 2

Các “nữ hoàng Tsunami” với mảnh tang tưởng nhớ những người thân sau thảm họa sóng thần có tiếp tục mang đến phép lạ trên đất Đức? Ảnh: GETTY IMAGES

Bí quyết của đội Nhật đã phần nào hé mở khi có “bật mí” rằng trước trận gặp chủ nhà Đức, HLV Sasaki đã cho toàn đội xem những tấm ảnh… sóng thần tàn phá quê hương. Và điều đấy đã thôi thúc tinh thần các cầu thủ của ông ra sân như những cảm tử quân. Từ đó đội Nhật còn được gọi là đội của các “nữ hoàng Tsunami”.

Và bóng đá Nhật sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đấy vì đó chính là vũ khí tối thượng của Nhật khi bước vào trận chung kết với đối thủ Mỹ được đánh giá trên cơ.

Trong khi các “nữ hoàng Tsunami” chưa một lần bước lên những danh hiệu cao quý nhất thì Mỹ đã hai lần vô địch và ba lần đoạt HCV Olympic. Đã vậy trong lịch sử đối đầu Nhật đã 22 trận chưa thắng được Mỹ cùng kết quả chỉ tám lần sút tung lưới Mỹ trong khi để thủng lưới đến 16 lần.

Riêng trong giải lần này, Mỹ cũng tỏ ra lấn lướt với hiệu số bàn thắng bại là 11/5 bàn, sút cầu môn 43 lần, hơn Nhật hiệu số 10/4, sút cầu môn 23 lần.

Mỹ có hàng công mạnh, thể lực bền, kết hợp tốt hai thế hệ cầu thủ nâng cao hiệu quả hàng công với các tài năng trẻ mới lên như Cheney, Morgan. Ngoài ra, Mỹ còn có “nữ hoàng đánh đầu” Wambach rất nguy hiểm với các hàng thủ có thể hình thấp như Nhật.

Liệu phép lạ một lần nữa có đến với các “nữ hoàng Tsunami” hay không?

HUY KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm