Chủ tịch Sài Gòn FC: ‘Đẩy nhanh chiến lược J-League hóa’

Sau khi chiêu mộ cựu tuyển thủ quốc gia Nhật Bản Daisuke Matsui và các cầu thủ Nhật khác, cựu Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Nhật Bản - ông Masahiro Shimoda cũng đã về phụng sự trong vai trò huấn luyện đội bóng. CLB cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với FC Ryukyu thuộc J-League 2 để gửi các tuyển thủ quốc gia Việt Nam sang Nhật thi đấu.

Sài Gòn FC tạo cơ hội cho cầu thủ Việt Nam

Tờ Thời báo kinh tế Nhật Bản Nikkeicó cuộc phỏng vấn bầu Bình về chiến lược “J-League hóa” để phát triển bóng đá Việt Nam.

Bầu Bình (bìa phải) nhận giải thưởng Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG.

“Tôi muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi cũng có học viện bóng đá của riêng mình, tuy nhiên phải mất từ 5 đến 10 năm mới có thể gặt hái thành quả. Việc tích lũy kinh nghiệm thi đấu tại J-League sẽ giúp nâng cao trình độ các cầu thủ đội tuyển Việt Nam. Chúng tôi muốn các cầu thủ thấm nhuần các tiêu chuẩn luyện tập cũng như văn hóa của Nhật Bản. Đó cũng là lý do tôi giao cho ông Shimoda trách nhiệm huấn luyện đội bóng.

Bước tiếp theo, tôi sẽ cố gắng đưa càng nhiều cầu thủ Việt Nam sang thi đấu tại giải J-League càng tốt. Thông qua việc hợp tác với FC Ryukyu của J-League 2, mỗi năm tôi sẽ gửi hai cầu thủ hàng đầu Việt Nam qua đây. Mặc dù điều này gây tổn thất lớn cho lực lượng của Sài Gòn FC, nhưng thành tích trước mắt không phải là ưu tiên hàng đầu của tôi.

Ưu tiên hàng đầu của tôi đó chính là đào tạo nguồn nhân lực. Tôi muốn sau khi sang Nhật Bản, các em có thể học được văn hóa và rèn luyện nhân cách để trở về cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn của các cầu thủ Việt Nam vẫn còn hạn chế nên để thi đấu và cọ xát thực tế tại giải J-League 1 thì chưa đủ tầm. Do đó, trước mắt tôi sẽ tăng số lượng cầu thủ Việt thi đấu cọ xát tại các giải J-League 2 và J-League 3. Tôi cũng sẽ thương thuyết với các CLB khác của J-League 3 để đưa các cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản.

Bài phỏng vấn ông Trần Hòa Bình trên báo Nikkei...

... và thương hiệu Việt Nam xuất hiện trên sân cỏ Nhật Bản. Ảnh: ANH HOÀNG.

Tôi đã ký hợp tác với FC Tokyo của J-League 1 về mặt quản lý vận hành CLB, đồng thời chúng tôi cũng đang xúc tiến kế hoạch thành lập học viện bóng đá cho Sài Gòn FC. Các cầu thủ Việt Nam có ý chí, lòng quyết tâm và sự chăm chỉ. Điều còn thiếu duy nhất chính là “cơ hội”.

Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng

Chỉ trong khoảng một ngày bán vé cho trận khai mạc V-League mùa giải năm nay cũng là trận ra mắt của cầu thủ Daisuke Matsui, chúng tôi đã bán được gần 14,600 vé. Ở trận khai mạc mùa trước, chúng tôi chỉ bán được khoảng 130 vé, nhưng ở mùa giải năm nay, doanh thu bán vé trong trận khai mạc đã bằng doanh thu bán vé của cả mùa giải năm ngoái.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), đơn vị tài trợ của chúng tôi quảng bá thương hiệu trong những trận đấu trên sân nhà của FC Ryukyu. Hiện nay, có khoảng 3.000 người Việt Nam sinh sống ở tỉnh Okinawa và khoảng 6.000 người ở tỉnh Kagoshima. Người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản khi gửi tiền về Việt Nam, họ mong muốn được sử dụng dịch vụ của ngân hàng Việt Nam để cảm thấy an tâm hơn.

Tiền vệ Cao Văn Triền (23) sẽ khoác áo FC Ryukyu vào tháng 7. Ảnh: ANH HOÀNG. 

Tôi muốn bóng đá trở thành cầu nối cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại của hai nước, ví dụ như việc xúc tiến thành lập chi nhánh ngân hàng Okinawa tại TP.HCM, hay thành lập chi nhánh ngân hàng Việt Nam tại tỉnh Okinawa.

Tôi đã có khoảng 23 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản. Thông qua văn hóa Nhật Bản, tôi đã được học và hiểu một cách sâu sắc việc tạo dựng độ tin cậy trong các mối quan hệ và rèn luyện nhân cách con người. Hiện tại, ở TP.HCM, các nhà hàng Nhật luôn được ưa chuộng hàng đầu, và nếu như không có dịch bệnh COVID-19, thì việc đặt chỗ tại các nhà hàng Nhật này cũng rất khó. Điều này nói lên văn hóa và ẩm thực giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng. Vì thế, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng đối với Nhật Bản.

 

Ông Trần Hoà Bình sinh năm 1975 tại Việt Nam. Sau khi theo học tại các trường đại học ở Việt Nam, Úc và Nhật Bản, ông đã vào làm việc tại Tập đoàn Unicharm. Ông đã từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Marketing tại Tập đoàn Kao. Ông cũng từng làm việc tại Mỹ và Nga. Bắt đầu từ tháng 1-2020, ông trở thành một trong những ông chủ của Sài Gòn FC, và bắt đầu từ tháng 2-2021, ông đảm nhiệm chức vụ CEO kiêm Chủ tịch CLB bóng đá Sài Gòn.

Chủ tịch Sài Gòn FC: ‘Đẩy nhanh chiến lược J-League hóa’ ảnh 5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm