Chính phủ Serbia sẽ hậu thuẫn hết mình cho Djokovic

Thủ tướng Serbia Ana Brnabic tuyên bố chính phủ sẽ hậu thuẫn cho tay vợt Djokovic trong cuộc chiến chống lại lệnh cấm nhập cảnh vào Úc.

Hôm 8-1, tòa án liên bang đã bác đơn đề nghị lùi ngày điều trần phiên tòa từ thứ Hai sang thứ Tư. Thế nên, phiên tòa được giới thể thao thế giới quan tâm liên quan thị thực nhập cảnh của Djokovic vẫn sẽ diễn ra ngày 10-1.

Được biết, các luật sư của tay vợt số một thế giới sẽ có hai giờ để trình bày sự vụ. Tương tự, bộ, ngành của chính phủ Úc cũng có hai tiếng để đề cập những vấn đề liên quan. Phiên tòa sẽ bắt đầu từ 15 giờ (giờ địa phương) ngày 10-1.

Cùng đồng hành với tay vợt hàng đầu quốc gia, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic khẳng định chính phủ Serbia sẵn sàng cung cấp tất cả điều kiện cần thiết để giúp Djokovic nhập cảnh vào Úc.

Bà Brnabic phát biểu với truyền thông Serbia: “Anh ấy sẽ ở lại khách sạn Park cho đến khi phán quyết cuối cùng được đưa ra. Chúng tôi đảm bảo nguồn dinh dưỡng không chứa gluten được chuyển cho Djokovic, cũng như các dụng cụ tập luyện, máy tính xách tay, thẻ SIM để anh ấy có thể liên lạc với gia đình…”.

Djokovic đang làm mọi cách để thực hiện mục tiêu đoạt danh hiệu Grand Slam kỷ lục thứ 21 trong sự nghiệp của mình tại giải quần vợt Úc mở rộng.

Nhiều cổ động viên gốc Serbia biểu tình đòi chính phủ Úc trả tự do cho Djokovic. Ảnh: GETTY

Tình tiết mới được luật sư của tay vợt 34 tuổi tiết lộ Djokovic đã có kết quả dương tính với COVID-19 vào ngày 16-12-2021. Điều này khẳng định anh đang nằm trong nhóm khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19. Một yếu tố quan trọng có thể giúp tay vợt người Serbia lật ngược thế cờ.

Sự kiện liên quan đến tay vợt 34 tuổi không chỉ gây rúng động làng quần vợt thế giới, mà còn gây ra căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia Serbia và Úc.

Bà Brnabic khẳng định đã nói chuyện với các quan chức chính phủ Úc với những cuộc đàm phán mang tính xây dựng: “Đó là một tín hiệu rất tích cực từ phía Úc. Chính phủ Serbia sẵn sàng cung cấp mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo Djokovic được phép nhập cảnh vào Úc”.

Cùng lúc đó, ông Srdjan - cha của Djokovic phát biểu trước đám đông người biểu tình tại Belgrade (Serbia): “Chúng tôi không tức giận với người dân Úc, chúng tôi tức giận với các nhà lãnh đạo của họ. Djokovic sẽ không di chuyển đến Úc nếu ngay từ đầu họ không cấp visa cho anh ấy”.

Cùng bị hủy visa tương tự đồng nghiệp nam số một thế giới, tay vợt nữ người Czech Voracona đã đáp chuyến bay về nước sau vài ngày bị tạm giữ tại khách sạn Park cùng Djokovic.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm