Châu Á ‘say’ với đánh đấm, bạo lực

UFC (Ultimate Fighting Championship) là những môn đánh đấm trên võ đài phát triển và lan rộng trên toàn thế giới. Riêng ở châu Á, những giải đấu như trên ngày một dày và nhuốm màu bạo lực như AFC (Asian Fighting Championship), ONE Championship…, tất cả đều đầy rẫy bạo lực nhưng hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ qua bán bản quyền và phát trên các trang mạng xã hội.

Ngay cả các lò võ ở châu Á cũng bắt đầu chuyển mình sang việc nâng cấp thành học viện đào tạo để chuyên đánh võ đài qua việc kết hợp võ truyền thống.

Riêng Đông Nam Á thì hai môn võ truyền thống nổi tiếng được các võ sư UFC chú trọng đòn độc nhiều nhất là muay Thái và silat (võ truyền thống Indonesia). Thế giới và châu Á từng biết đến võ sĩ gốc Việt đang là tay đấm nổi đình nổi đám: Martin Nguyen (quốc tịch Úc)…

Theo hãng thống kê thể thao danh tiếng Nielsen, giải ONE Championship là giải đấu phổ biến và nhiều người xem nhất ở châu Á đã phát triển nhanh nhất năm 2017. Nielsen cho biết năm 2017 ONE Championship có 8,3 tỉ lượt người xem giải đấu này qua các trang mạng xã hội. Trong khi đó, vào năm 2014 số lượt xem chỉ là 352 triệu lượt. Cũng theo thống kê của Nielsen, châu Á thường xuyên có 1,5 tỉ thuê bao xem các trận đánh đấm này, hầu hết là xem trên điện thoại thông minh và qua các mạng xã hội.

Các tay đấm ở châu Á đang ngày càng phát triển mạnh. Ảnh: GETTY IMAGES

Không chỉ những tay đấm nam, những tay đấm nữ cũng lao vào tỉ thí đến đổ máu đầy bạo lực. Ảnh: GETTY IMAGES

Với nhịp độ phát triển khủng như vậy, thị trường võ đài ở châu Á kéo theo một triển vọng quảng cáo và nguồn tiền từ thu nhập bản quyền khổng lồ mà các nhà mạng đang có được. Ngược lại, các nhà mạng cũng rất nhạy cảm đáp ứng rất tốt để thụ hưởng nguồn thu khổng lồ này từ quảng cáo bản quyền qua các trận đấu.

Bốn trang mạng Facebook, Twitter, YouTube và Blog là những trang có doanh thu và lãi ròng cao nhất. Trong vòng ba năm qua ONE Championship ở châu Á liên tục tạo ra đỉnh giá trị thương mại của mình, trong đó bản quyền truyền hình chiếm tỉ lệ doanh thu cao nhất và lượng người xem phát triển nhanh nhất. Thậm chí là tốc độ tăng trưởng của ONE Champions League tại châu Á có khả năng vượt cả giải bóng đá Ngoại hạng Anh, NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) và đua xe thể thức 1 (F1).

ONE Championship hiện nay phủ sóng ra 128 quốc gia trên thế giới, có một tỉ thuê bao thường xuyên xem giải đấu này. Tính lan truyền của ONE Championship ở châu Á cũng thuộc vào hàng nhanh nhất thế giới.

Chính từ sự phát triển trên mà các đối tác sản xuất chương trình và tham gia kinh doanh các giải đánh đấm ở châu Á đã nhảy vào với tốc độ chóng mặt đáng kể như các hãng Disney, Marvel, LG, Kawasaki, Panasonic, Haier, NagaWorld, Universal Music Group, Tune Talk…

Còn dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn vì sao châu Á phát triển nhanh UFC? Đó là vì khu vực châu Á, nhất là Đông Á và Đông Nam Á có nhiều quốc gia khởi thủy của các môn võ chiến đấu rất đẹp và quyến rũ, có tính sát thương cao như muay Thai, silat, các môn võ Trung Hoa, taekwondo, judo… Các võ sĩ châu Á lại có thể hình vừa và nhỏ, võ nghệ cao cường nên các trận đánh có tính cống hiến và đối kháng rất cao, làm cho người xem thích thú.

Và còn một lý do rất đơn giản mà ai cũng thừa nhận, đó là người châu Á vốn rất thích xem đấm đá có đổ máu và bạo lực. Đồng thời, những canh bạc từ các võ đài đấy cũng thu hút rất cao kèm theo lợi nhuận về bản quyền và những thương quyền khai thác quanh các võ đài đẫm máu đấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm