Câu chuyện thể thao: Người Nhật ít dùng HLV Nhật

Theo thống kê, khu vực Đông Nam Á hiện có hai HLV Nhật đảm trách cấp đội tuyển quốc gia là HLV Kokichi Kimura (HLV đội tuyển Lào) và HLV Kumada Yoshinori (đội tuyển nữ Myanmar).

Các HLV Nhật có chung phong cách cầm quân rất lành khi giải quyết tình huống. Họ làm việc khoa học theo kiểu mọi thứ dường như đã sắp xếp sẵn và cứ thế cầu thủ ra sân và thực thi. Khi đấu pháp này không hiệu quả, các học trò thực thi đấu pháp khác. Nó khác hẳn với phong cách của các HLV châu Âu luôn sôi lên qua việc ra sát tận đường biên la hét, điều chỉnh trận đấu và thúc giục cầu thủ xông lên. Rõ nhất và ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam nhiều nhất là ông Calisto, Falko Goetz, Tavares và Riedl…

Trong khi đó, các HLV Nhật khi dẫn dắt các đội bóng của Nhật thì dường như hợp với tính cách cầu thủ của họ hơn là ra tiếp lửa cho cầu thủ “cháy” và thể hiện hơn 100% sức lực.

 
VFF nhiệm kỳ VII xác định HLV Nhật sẽ làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Ảnh: XUÂN HUY

Bóng đá Nhật được xem như một cường quốc số một châu Á nhưng các tên tuổi của các HLV Nhật thì không tỉ lệ thuận với danh tiếng của nền bóng đá Nhật.

Đội tuyển quốc gia Nhật qua các thời kỳ có thành tích thì cũng gắn liền với tên tuổi của các thầy ngoại. Trong năm lần có mặt tại các vòng chung kết World Cup kể từ 1998 đến 2014 thì chỉ có mỗi HLV nội Takeshi Okada là người bản xứ, còn lại những tên tuổi như Philipe Troussier (Pháp), Zico (Brazil), Zaccheroni (Ý) đã tác động đậm đến lối chơi và phong cách đội tuyển Nhật. Hàng loạt chức vô địch Asian Cup mang tên đội tuyển Nhật cũng gắn với các tên tuổi thầy ngoại như Ivica Osim, Zaccheroni, Zico, Philipe Troussier…

Các HLV Nhật ít thành công khi ra nước ngoài làm việc. Hiện rất nhiều HLV Nhật sinh sống tại nước ngoài nhưng đa phần đang huấn luyện những đội bóng vô danh như Bhutan, đảo Guam, Nepal…

20 năm qua thầy nội của bóng đá Nhật chỉ để lại dấu ấn đậm nhất là HLV Takeshi Okada. Ông từng dẫn dắt đội tuyển Nhật ở vòng chung kết World Cup 1998 tại Pháp. Sau đó ông quay lại năm 2010 đưa đội tuyển Nhật vào vòng 2 World Cup 2010 tại Nam Phi và chỉ chịu thua Paraguay 3-5 ở loạt luân lưu.

Có lần trò chuyện với chúng tôi, HLV Calisto từng nói rằng thuê HLV cũng phải có thương hiệu quốc gia. Ông lấy ví dụ như nói đến hàng điện tử thì phải là Nhật, xe hơi thì của Đức… Còn hiện nay các HLV Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhiều nhà cầm quân của Ý, Pháp đang là “hot” nhất.

Hàng loạt HLV người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang rất thành công trên thế giới. Phong cách của họ là rất truyền lửa trên sân và nâng chất cầu thủ khi ra sân. Thậm chí những thầy ngoài này còn dùng những ngón nghề rất giỏi để kích học trò khi xung trận.

Bóng đá Việt Nam lâu nay cũng đã chán chường với những HLV nội quá lành trên băng ghế chỉ đạo và nó ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần cầu thủ khi bước ra sân hoặc cần thay đổi để thích nghi.

Chính vì lẽ đó việc thuê HLV người Nhật cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

TẤN PHƯỚC

 

Học Nhật không chỉ học bóng đá

Các nhà điều hành bóng đá Việt Nam trở về từ Nhật sau chuyến tham quan và học bóng đá Nhật từng chia sẻ rằng bóng đá Nhật phát triển nhanh là do ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội Nhật mà bóng đá là một phần trong đấy. Họ nói rằng sau cơn sóng thần, người Nhật vẫn xếp hàng nhiều giờ để chờ lãnh từng phần lương thực một cách hết sức nghiêm túc và kỷ luật thì trong bóng đá cầu thủ Nhật lẫn người hâm mộ Nhật cũng thế. Cầu thủ Nhật lãnh lương bóng đá và có trách nhiệm cộng đồng khi đến từng trường học giảng dạy về nghề cho các học sinh và làm những việc từ thiện. Họ xem đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của cầu thủ. Khán giả Nhật cũng thế, họ đến sân vì yêu quý cầu thủ và họ sẵn sàng ở lại sân chỉ để chờ các cầu thủ đến sau trận đấu mà chung vui với chiến thắng lẫn chia buồn, động viên khi thất bại.

Người Nhật nói về bóng đá Nhật phát triển cũng tự hào khi nói rằng phần lớn là do họ thừa hưởng sự phát triển của xã hội Nhật và đất nước Nhật.

NG.NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm