Cải tổ bóng đá Việt Nam: Làm lại từ đâu?

Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan, đã có hiệu ứng “cứu” bóng đá Việt Nam cùng chỉ trích vào HLV Miura với mục tiêu sẽ thắng Thái Lan.

Sao cứ phải say máu đánh bại Thái Lan và lấy đó làm mục tiêu chính?

Nên nhớ làm bóng đá mà cứ cay cú thì làm sao làm lâu dài, làm có căn cơ và tiến bộ mọi mặt được? Mà trong tương lai, tình hình bóng đá Việt Nam thế này làm sao đánh bại được Thái Lan? Và cũng cần nhớ là Thái Lan chẳng phải là mục tiêu cuối cùng mà bóng đá Việt Nam cần hướng đến.

Cái đích hướng đến của bóng đá Việt Nam chính là vươn lên đẳng cấp “tốp 15”, “tốp 10”… rồi “tốp 5” châu Á thì đó mới là mục tiêu mang tầm quốc gia. Còn cứ say máu vì thua một đối thủ Thái Lan rồi nuôi mục tiêu đánh bại họ thì đó là suy nghĩ mang màu sắc cá nhân nhiều hơn. Suy nghĩ này không ổn chút nào trên con đường xây dựng, phát triển bóng đá lâu dài.

 
Bóng đá Việt Nam đừng chú trọng nhiều đến HLV mà hãy chú trọng đến bộ máy điều hành phải thay đổi cả con người lẫn cách suy nghĩ. Ảnh: QUANG THẮNG

Bóng đá Thái Lan hay bất kỳ nền bóng đá nào họ nêu mục tiêu bóng đá quốc gia cho tương lai là “tốp 10”, “tốp 5”… chứ chẳng có ai nêu lộ trình phát triển một nền bóng đá quốc gia mà chỉ nhăm nhe vào việc đánh bại một đối thủ hay thắng mình. Cũng giống như cách đội tuyển Việt Nam khi hòa đội bóng mạnh châu lục Iraq, vài ngày sau thua thảm Thái Lan sinh ra cay cú và hàng loạt HLV, chuyên gia cứ bảo phải thay HLV Miura.

Như vậy các HLV, các chuyên gia cũng chỉ suy nghĩ theo kiểu ăn xổi ở thì mà thôi.

Việc thất bại của bóng đá Việt Nam trước Thái Lan có ai nhìn ra rằng đó là cái thua từ cách làm bóng đá cấp CLB cho đến cấp quản lý điều hành một nền bóng đá. Thời HLV Riedl và Calisto, đội tuyển Việt Nam từng đánh bại Thái Lan nhưng chính hai HLV này cũng không cho rằng đó là chiến thắng bởi đẳng cấp hay sự vượt trội. HLV nào cũng đều gắn đến yếu tố thời điểm và may mắn.

Hãy nhìn kỹ hơn sau những thất bại của bóng đá Thái Lan. Trong vòng một thập niên từ năm 2003 đến 2013 Thái Lan mất ngôi vương cấp đội tuyển quốc gia, bóng đá trẻ, bóng đá nữ… Rồi cũng trong thời gian ấy hàng loạt tên tuổi HLV nước ngoài nổi tiếng về nhưng có giúp được gì cho bóng đá Thái Lan hay không? Những cái tên thầy ngoại “khủng” mà Thái Lan mời về để cứu vớt như Peter Reid, Bryan Robson, Chaefer, Carvaho… nhưng cuối cùng cũng chẳng cứu vớt được các đội tuyển Thái Lan, nhất là đội tuyển quốc gia ở đấu trường Đông Nam Á.

Cho đến khi người Thái quyết làm lại từ gốc, từ phần nền tảng khi đầu tư cho Thai-League, đầu tư vào sự phát triển của các CLB, vào nền tảng trẻ và vào cả sự vận hành của một bộ máy điều hành thì bóng đá Thái Lan mới chính thức cất cánh. Bây giờ ở lĩnh vực Futsal, Thái Lan đã là đội bóng trong tốp đầu thế giới, còn với môn bóng đá thì cả nam và nữ đều thống trị Đông Nam Á, rồi nhắm đến cái đích vào tốp đầu châu Á.

Vấn đề quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay là tất cả CLB phải thay đổi cách làm, VFF và Công ty VFP phải có những cuộc cách mạng thay máu, thay con người, thay cách suy nghĩ thì mới mong bóng đá Việt Nam đi lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm