‘Cá tháng 4’ với làng báo thể thao Việt Nam

Hồi đó, làng báo Việt Nam chưa quen với kiểu đùa “Cá tháng 4” vốn rất bình thường ở các báo phương Tây nên khi có “sự cố” đấy cả làng đều xôn xao.

Đường dây nóng cháy máy

Khai cuộc đầu tiên trong làng báo thể thao về ngày “Cá tháng 4” là báo Người Lao Động. Đó là thông tin đăng trên trang thể thao sau sự kiện Việt Nam đoạt HCB SEA Games 1995 với tít lớn: “Đội tuyển Việt Nam được FIFA đặc cách tham dự vòng chung kết World Cup”.

Bài báo trên còn phân tích và diễn giải rất “hợp tình hợp lý” để “lừa” người hâm mộ: “Từ những nỗ lực của bóng đá Việt Nam trong những năm qua với bộ HCB SEA Games 18-1995, HCĐ Tiger Cup 1996… Đáng kể hơn là sự hâm mộ cuồng nhiệt của người hâm mộ với bóng đá, phiên họp vừa qua của FIFA đã đi đến thống nhất việc đặc cách cho bóng đá Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup sắp tới mà không phải qua đấu loại. FIFA cũng thông báo chính thức đến LĐBĐ Việt Nam về quyết định trên để tổ chức này chuẩn bị cho đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup. Đây là tin vui với người hâm mộ Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc đặc cách trên…”.

Thông tin trên vừa tung ra vào số báo sáng 1-4 thì lập tức hàng ngàn cuộc gọi đến văn phòng báo Người Lao Động và trụ sở chính của LĐBĐ Việt Nam tại Hà Nội. Số lượng người gọi vào đường dây nóng của hai cơ quan trên liên tục và nhiều đến độ cả báo Người Lao Động lẫn LĐBĐ Việt Nam phải “khóa đường dây” vì không thể giải quyết nổi lượng người hâm mộ hỏi thăm và “chúc mừng”.

Phải đến số báo hôm sau ra ngày 2-4 sau khi báo Người Lao Động thông báo rằng đấy chỉ là trò đùa ngày “Cá tháng 4” thì cơn sốt World Cup mới lắng xuống phần nào.

Sau sự kiện Việt Nam đoạt HCB SEA Games 1995, báo Người Lao Động“giật” ngày “Cá tháng 4” làm cả làng bóng xôn xao. Ảnh: Tư liệu

Cô dâu ngày “Cá tháng 4” năm 2002 vừa già vừa xấu của Quả bóng vàng Võ Văn Hạnh. Ảnh: Tư liệu

Bị cả họ từ vì quả bóng vàng lấy vợ vừa già vừa xấu

Nhưng độc và lạ trong ngày “Cá tháng 4” của làng báo thể thao lại chính là số báo ra ngày 1-4-2002. Thời điểm đấy, thủ môn Võ Văn Hạnh của SL Nghệ An vừa đoạt giải quả bóng vàng của báo SGGP tổ chức thì đúng ngày “Cá tháng 4” báo Thể Thao Ngày Nay đăng từ trang nhất sang các trang trong với bài viết: “Quả bóng vàng Võ Văn Hạnh cưới vợ!”. Bài báo mô tả thật chi tiết về đám cưới của tân quả bóng vàng với đầy đủ hình ảnh đám cưới mà chú rể Võ Văn Hạnh thì đội khăn đóng, áo dài truyền thống nắm tay cười tình tứ bên cô dâu… Bài báo còn mô tả tỉ mỉ đám cưới ở khách sạn hạng sang và các cầu thủ SL Nghệ An tham dự với dàn xe độc cùng người hâm mộ nối dài từ sân vận động Vinh đến khách sạn làm kẹt cả một đoạn đường quốc lộ.

Kể về sự cố không ngờ đến sau bài báo ngày “Cá tháng 4” đấy Võ Văn Hạnh (nay là HLV thủ môn đội tuyển) vẫn còn “sợ”: “Do “hợp đồng” với tòa soạn báo Thể Thao Ngày Nay phải giữ kín về sự kiện cưới vợ ảo này mà tôi và gia đình bị cô ruột ở Phú Yên mắng cho một trận và đòi từ mặt tôi với gia đình do đám cưới cháu mà không mời họ hàng. Cô tôi còn điện thoại lên tận đội bóng SL Nghệ An nơi tôi đang tập trung khi ấy và không cần nghe tôi giải thích gì cả mà mắng như tát nước.

“Thà là mày lấy con vợ đàng hoàng, xinh xắn đi còn đỡ, đằng này lấy vợ gì mà vừa già vừa xấu. Đi đá bóng đoạt giải thưởng lớn có tiền rồi tổ chức đám cưới ở Nghệ An không thèm mang về quê, không mời họ hàng nên từ nay trở đi tôi từ gia đình anh… Nhưng vụ bị la mắng đấy không “khủng hoảng” bằng cô bạn gái ở Phú Yên bị sốc khi thấy ảnh tôi cưới vợ trên báo và xem tôi là kẻ phụ tình…”.

Đúng một ngày sau, báo Thể Thao Ngày Nay mới công bố chuyện đùa ngày “Cá tháng 4” và “lột mặt nạ” cô dâu được trang điểm rất kỹ nhưng vẫn lộ vẻ thô ráp vừa xấu vừa già đó là PV thể thao Nguyễn Nguyên.

Đến giờ sự việc đã qua đi 15 năm nhưng mỗi lần gặp lại “cô dâu 2002” của mình, Võ Văn Hạnh vẫn bật cười trách vui: “Anh đó nha, dàn dựng làm sao để họ hàng và người yêu em hồi đó xào xáo làm em không biết đường nào đỡ”.

Trịnh Công Sơn mất ngày 1-4-2001 nhưng báo tin ai cũng bán tín bán nghi

Chiều 1-4-2001, các PV văn hóa văn nghệ thông báo tin buồn nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn vừa mất nhưng ai nghe cũng bán tín bán nghi. Thậm chí có người còn bị mắng là “đùa” kiểu gì mà kỳ vậy, báo hại nhiều PV phải xác định là nhạc sĩ họ Trịnh mất thiệt chứ không phải đùa cợt “ngày nói dối”. Bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở khắp mọi nơi cũng thế, ít ai tin ông ra đi và nhiều người phải xác minh từ nhiều nguồn, trong đó điện thoại đến hỏi thăm người thân trong gia đình mới chịu tin là sự thật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm