Bóng đá Việt Nam: Túi tiền không đáy

Mùa bóng 2015, tân binh Cần Thơ chi không dưới 50 tỉ đồng để săn đội ngũ huấn luyện lẫn cầu thủ từ khắp nơi với mục tiêu… trụ hạng V-League. May mắn đến giờ chót mới tồn tại ở giải đấu cao nhất, họ ráo riết “thanh lọc lực lượng”, đồng thời chi những khoản lót tay tiền tỉ chỉ có người trong cuộc biết với nhau để mua cầu thủ. Tính từ đầu năm đến nay, Cần Thơ sa thải 19 cầu thủ và mua về chín cầu thủ nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó.

Đáng nói là Cần Thơ đổ tiền “săn” cầu thủ rất nhiều nhưng hiệu quả thì không tương xứng. Họ chơi chật vật từ đầu đến cuối mùa và thiếu tính toán (hoặc không muốn) về giá trị sử dụng. Chẳng hạn, việc Cần Thơ sa thải Đức Linh, Ngọc Điểu rồi chấp nhận bồi thường hợp đồng vẫn còn hiệu lực 1,5 mùa giải cho thấy sự hoang phí rất lớn về tiền bạc. Đến việc sắp sửa thanh lý hợp đồng với thủ môn Bửu Ngọc sau khi chi hơn 6 tỉ đồng cho ba năm lại chỉ sử dụng có một năm chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.

Cần Thơ (trái) vừa lên hạng đã tranh thủ mua cầu thủ và thực hiện hàng loạt hợp đồng giá cao nhưng thành tích thì rất èo uột. Ảnh: XUÂN HUY

Điều này cho thấy hội đồng huấn luyện cầu thủ của Cần Thơ có vấn đề về chuyên môn khi quyết định chọn mua cầu thủ nào đó hoặc việc lấy về cầu thủ chỉ nhằm giải ngân tiền tỉ cho những khoản lót tay và lại quả.

Cần Thơ không phải là ngoại lệ của làng bóng Việt Nam. Việc mua bán cầu thủ dường như là cách dễ nhất để hợp thức hóa các nguồn tiền đầu tư cho đội bóng.

Nó chính là con đường đi của rất nhiều CLB ăn đong từ ngân sách lẫn sự hảo tâm có trao đổi của các doanh nghiệp trong khi tự thân làm bóng đá không nuôi nổi bóng đá. Chả thế mà có lần bầu Đức tự hào khoe mùa bóng 2015 ông chi có 15 tỉ đồng (dĩ nhiên ông Đức không tính các khoản đầu tư cho cầu thủ ở học viện suốt hơn bảy năm qua) thì rất nhiều lãnh đạo đội giãy nảy vì không thể xin ngân sách số tiền cao hơn.

Có đội bóng thì suốt nhiều năm qua mỗi mùa thay mới một đội hình với toàn các ngôi sao trong đội tuyển quốc gia cho ngồi dự bị đủ thấy khoản chi lớn đến cỡ nào.

Bóng đá Việt Nam chẳng khác gì một cái túi tiêu tiền không đáy!

“Xẻ thịt” bóng đá nghiệp dư lãnh lương cao

Những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam biết rất rõ muốn phát triển chuyên nghiệp phải bắt đầu từ nền tảng hệ thống CLB thật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, 15 năm qua kể từ khi phát triển từ các CLB thuộc địa phương lên chuyên nghiệp thì công tác hoàn thiện hệ thống chuyên nghiệp lại không được quan tâm nhưng phần “xẻ thịt” từ đội bóng dựa vào cơ chế nghiệp dư lãnh lương cao lại nhiều vô kể và phát sinh nhiều khoản gặm nhấm vào đấy. Chẳng hạn việc mua cầu thủ được “cò” chi đậm khiến nhiều người bu vào đấy mua cầu thủ về cho đội để có tiền lại quả. Hay việc kê giá các khoản chi của đội bóng chuyên nghiệp luôn được đẩy lên rất cao trong khi điều nghịch lý là nhiều CLB vẫn phải sống dựa vào ngân sách thay vì phải là hạch toán độc lập theo đúng nghĩa chuyên nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm