Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Như cái chợ…

Bóng đá Việt Nam hỗn loạn như cái chợ từ những sự việc hết sức nghiệp dư trong khi các điều luật không theo kịp thực tế…

1. Gần một tháng trước, sau khi CLB Cà Mau gửi đơn lên VPF xin không dự giải hạng Nhất do không đủ kinh phí thì đùng một cái, họ muốn trở lại và được chấp thuận. Nghiệt nỗi trong thời gian này, VPF vì chạy theo nghị quyết của VFF cho đến mùa giải 2018 phải có đủ 14 đội hạng Nhất (bắt đầu từ mùa 2016 phải có 10 đội) nên đã “năn nỉ” CLB Bình Định (đội thua trong trận tranh play off với Cà Mau) lên thế chỗ.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Văn Minh trong những lần trao đổi với báo chí đã khẳng định CLB Bình Định chắc chắn sẽ tham dự giải hạng Nhất 2016 và hiện đang hoàn tất thủ tục với VPF để thay thế Cà Mau. Nhằm chuẩn bị kinh phí một cách ổn thỏa nhất, CLB Bình Định đã nhờ đến sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các doanh nghiệp giúp sức. Họ chuẩn bị lực lượng, từ cầu thủ trẻ mới dự giải U-21 kết hợp kêu gọi các cầu thủ bản xứ đang đá cho nhiều CLB khác về đầu quân. Thậm chí Bình Định cũng tạo cơ hội cho chính các cầu thủ Cà Mau trước nguy cơ thất nghiệp tìm đến Bình Định xin thử việc.


Bình Định lấy lứa U-21 chuẩn bị thế chỗ dự giải hạng Nhất thì ngỡ ngàng khi Cà Mau quay lại xin dự giải. Ảnh: XUÂN HUY

Trước sự thay đổi đột ngột của Cà Mau, cả VFF lẫn VPF đều tỏ ra lúng túng vì chưa bao giờ gặp phải trường hợp này. Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết việc Cà Mau xin bỏ giải và đôn Bình Định lên thế chỗ đã thông qua cuộc họp của Ban Chấp hành VFF nên muốn thay đổi phải lấy ý kiến tập thể. Trong khi đó, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng - cũng là người tìm ra lối thoát cho Cà Mau - thì bày tỏ quan điểm xin nghỉ của CLB Cà Mau do Trung tâm TDTT tỉnh đề xuất chứ không phải quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Cà Mau (!?). Hơn nữa, phải đến ngày 15-12 sắp tới VPF mới chốt số lượng đội tham dự và nếu các đội bóng có nguyện vọng hợp lý thì vẫn có thể tham gia.

2. Sáng qua (10-11), hai cầu thủ vừa thắng kiện CLB Cần Thơ đã không tìm được tiếng nói chung với cơ quan chủ quản về mức phí bồi thường như phán quyết của VFF vào ngày 3-11. Theo đó, Cần Thơ đơn phương thanh lý hợp đồng với Đức Linh, Ngọc Điểu là trái luật nên phải bồi thường khoản tiền cho cả hai là hơn 700 triệu đồng và tiếp tục nhận lại làm việc.

Mọi việc trở nên rắc rối khi Cần Thơ đồng ý chi trả số tiền theo phân xử của VFF nhưng không chấp nhận tiếp tục thực hiện hợp đồng. Với trường hợp của Đức Linh thì cầu thủ này đề nghị nếu Cần Thơ muốn chấm dứt thì phải trả phí bồi thường là năm tháng lương (110 triệu đồng). Tuy nhiên, phía CLB Cần Thơ chỉ đồng ý chi 70% số tiền lương bồi thường cho năm tháng, cùng một vé máy bay trị giá 3 triệu đồng nên đã không thể thỏa thuận được với cầu thủ này.

Sau những bất đồng từ hai phía, Đức Linh bỏ ra về thì bị bảo vệ không cho cầu thủ này rời khỏi trụ sở CLB theo lệnh của lãnh đạo. Đức Linh buộc phải gọi điện thoại cầu cứu VFF và luật sư vì nghi bị “giam lỏng” trong khi Phó Chủ tịch CLB Cần Thơ - ông Trần Minh Tâm cho biết chỉ là “chờ công an đến làm chứng” (!?).

Hơn 30 phút, Đức Linh mới có thể ra ngoài và nhờ sự can thiệp của nhiều người.

Rõ ràng là luật thì có nhưng mạnh ai nấy áp dụng luật riêng và cả luật rừng thì đúng là bát nháo như cái chợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm