Bí ẩn 'chiến thuật du kích' của thể thao Triều Tiên

Bao năm nay, nhiều người vẫn đặt câu hỏi một nền thể thao hầu như đóng cửa với thế giới nhưng vì sao họ rất mạnh từ bóng đá cho đến những môn khác. Lần này, thể thao CHDCND Triều Tiên xuất quân sang Brazil dự Olympic cũng gây sự chú ý lớn.

Nữ lực sĩ cử tạ Rim Jong Sim bảo vệ HCV tại Olympic Rio.

Tại Olympic London cách đây bốn năm, thể thao Triều Tiên đoạt bốn HCV gồm ba của cử tạ và một của Judo. World Cup năm 1966 tại Anh, đội Triều Tiên cũng tạo cú sốc khi đánh bại tuyển Ý 1-0. Vào tứ kết gặp Bồ Đào Nha của thế hệ vàng Eusebio, dẫn trước 3-0 sau đó thua ngược 3-5.

Đến với Olympic Rio, Triều Tiên tham dự các môn Judo, vật, bóng bàn và một số môn khác nhưng môn mũi nhọn chính là cử tạ. Nhiều chuyên gia thể thao sau nhiều năm nghiên cứu và thấy rằng thể thao Hàn Quốc thì thành công trên diện rộng của đấu trường quốc tế còn thể thao Triều Tiên thì tạo nên những kỷ lục thế giới và Olympic. Chẳng hạn như ba trong bốn tấm HCV của thể thao Triều Tiên tại Olympic London thì có hai kỷ lục thế giới và một kỷ lục Olympic.

Kể từ Olympic Munich 1972, một thế vận hội xảy ra nạn bắt cóc và tấn công khủng bố, đến nay thì Triều Tiên góp mặt đầy đủ và họ “nhặt” tổng cộng 14 HCV. Olympic London là đại hội thành công nhất của đoàn Triều Tiên với bốn HCV.

Sau cái chết của lãnh tụ Kim Jong Il cuối năm 2011, Kim Jong Un lên thay, thể thao Triều Tiên tiếp tục có những bước tiến với chiến dịch huấn luyện hà khắc như quân đội. Ông Kim Jong Un gọi là “chiến thuật du kích”. Cả thế giới bên ngoài khó biết được họ đã được huấn luyện ra sao, có điều khi thi đấu quốc tế họ lại gặt hái rất nhiều thành công.

Andray Abramahiam, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc ĐH Macquarie của Úc, nhận xét: “Quốc gia này có cấu trúc xã hội rất cao, các VĐV đã hiến thân cho sự nghiệp thể thao đỉnh cao có được những đặc lợi rất lớn cùng với đó là chịu sự huấn luyện hà khắc. Hệ thống cấu trúc thể thao tạo ra những tài năng trẻ rất tốt gồm các trung tâm, các học viện và CLB có tính nhà nghề cao trong công tác đào tạo".

Cũng giống như Hàn Quốc, mảng thể thao học đường cũng đóng góp những tài năng thể thao đỉnh cao đáng kể cho Triều Tiên.

Năm 2013, Học viện bóng đá quốc tế Pyongyong ra đời, một học viện bóng đá hiện đại với trang thiết bị rất tốt. Nơi đây có nhiều HLV nước ngoài cùng 200 học viên tuổi 8-15 học bóng đá. Lứa cầu thủ U-16 từng vô địch châu Á khi đánh bại Hàn Quốc 2-1 năm 2014 thì có sáu em được gửi sang châu Âu đào tạo. Khi những VĐV dự các giải quốc tế đạt thành tích cao thì phần thưởng cá nhân của nhà nước giành tặng là rất lớn, điều này khuyến khích họ rất nhiều trong thi đấu.

Tại Olympic London 2014, ban tổ chức chủ nhà đã để xảy ra sự cố kém vui khi đội bóng nữ Triều Tiên ra chào cờ trước trận đấu dưới lá cờ quốc kỳ của... Hàn Quốc. Toàn đội nữ Triều Tiên bỏ ra khỏi sân. Sau đó ban tổ chức phải đưa ra lời xin lỗi đến đoàn thể thao nước này.

Tại Olympic Rio lần này, đoàn thể thao Triều Tiên đưa ra mục tiêu vượt hơn bốn HCV của kỳ đại hội trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm