Bảng D: Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Lebanon.

Theo kết quả bốc thăm chiều qua tại Doha (Qatar - nước chủ nhà VCK): đội tuyển VN sẽ cùng tranh 2 tấm vé vào vòng chung kết của bảng D với Trung Quốc và 2 đội tuyển cùng có thực lực cỡ trung bình khá của vùng Vịnh là Syria và Lebanon. Các đội sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt, sân nhà - sân đối phương. HLV Calisto cũng có mặt trong buổi lễ bốc thăm này.

Tuyển VN (phải) trong trận gặp Leanon tại vòng loại World Cup 2006 - Ảnh: NAM HẢI

Tuyển VN (phải) trong trận gặp Leanon tại vòng loại World Cup 2006 - Ảnh: NAM HẢI

ĐKVĐ Đông Nam Á Singapore rơi vào bảng về lý thuyết có vẻ nhẹ ký hơn cả. Ngoài “ông kẹ” Iran coi như chắc 1 suất đi tiếp, vé còn lại của bảng E sẽ là sự tranh chấp giữa 3 đội “đồng cân đồng lạng”: Singapore, Thái Lan và Jordan. Cơ hội để hoặc Thái Lan, hoặc Singapore đi tới VCK rõ ràng không nhỏ, vì đội còn lại - Jordan thực ra chỉ thuộc nhóm yếu ở vùng Vịnh.

Indonesia - một trong 2 đồng chủ nhà của AFF Cup 2008 - rơi vào bảng B khá “nặng” với Úc (ứng viên hàng đầu cho vị trí nhất bảng), Kuwait và Oman. Cả 2 đội bóng vùng Vịnh đều trội hơn Indonesia, cả về vị trí trong bảng xếp hạng của FIFA lẫn đẳng cấp.

Đội cuối cùng của ĐNA dự tranh vòng loại Asian Cup 2011 là Malaysia rơi vào bảng C cùng Uzbekistan, UAE và Ấn Độ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, thực lực của Malaysia nhỉnh hơn Ấn Độ, nhưng đội này sẽ phải chịu “lép” chút ít trước UAE và thua xa so với mãnh hổ vùng Trung Á Uzbekistan.

Theo điều lệ giải, 2 đội đứng đầu trong 5 bảng tại vòng loại sẽ đoạt vé tham dự VCK cùng 6 đội được vào thẳng gồm: Iraq (ĐKVĐ), Saudi Arabia (Á quân năm 2007), Hàn Quốc (hạng 3 năm 2007), Qatar (chủ nhà VCK 2011), 2 đội vô địch AFC Challenge Cup các năm 2008 và 2010.

Bảng A: Nhật Bản, Bahrain, Hong Kong, Yemen.

Bảng B: Úc, Indonesia, Oman, Kuwait.

Bảng C: Uzbekistan, UAE, Malaysia, Ấn Độ.

Bảng D: Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Lebanon.

Bảng E: Iran, Thái Lan, Jordan, Singapore.

Vài nét về 3 đối thủ của tuyển VN

Trung Quốc (hạng 83 TG)

Từng được xếp vào nhóm những “đại gia” của châu lục, thành tích đáng kể nhất của Trung Quốc là vào VCK World Cup 2002, nhờ HLV huyền thoại Bora Milutinovic. Thứ hạng cao nhất của Trung Quốc là vào tháng 12/1998: hạng 37 thế giới! Sau World Cup 2002, tuyển Trung Quốc sa sút tại các giải quan trọng và từng rơi xuống hạng 103 TG vào tháng 8/2006.

Tuy chơi không thành công tại Asian Cup 2007 như tuyển VN, nhưng Trung Quốc vẫn xứng đáng được xem là đối thủ khó vượt qua nhất tại bảng D. Trong quá khứ, VN và Trung Quốc đã gặp nhau 3 lần và Trung Quốc toàn thắng. Kết quả cụ thể:

• Ngày 22/6/1997 tại Bắc Kinh, vòng loại World Cup 98: TQ thắng 4-0.

• Ngày 25/5/1997 tại TPHCM, vòng loại World Cup 98: TQ thắng 3-1.

• Ngày 29/1/2000, tại TPHCM, vòng loại Asian Cup: TQ thắng 2-0.

Syria (hạng 102 TG)

Đội bóng này có thực lực khá ở khu vực vùng Vịnh. Tuy nhiên, do tình hình chính trị không ổn định, nên thành tích của đội cũng trồi sụt bất thường. Tháng 8/1993, Syria từng leo lên hạng 78 TG, nhưng chỉ 3 năm sau rơi xuống hạng… 145 (dưới VN 25 bậc ở cùng thời điểm ấy). Thành tích ấn tượng nhất của Syria là vô địch môn bóng đá tại Đại hội TDTT Địa Trung Hải năm 1987, kế tiếp là 3 lần lọt vào VCK giải BĐ trẻ thế giới các năm 1989, 1991 và 1995. ĐTVN chưa từng đối đầu với ĐT Syria.

Lebanon (150 TG)

Hạng 150 TG là thứ hạng thấp nhất của đội này kể từ khi bảng xếp hạng FIFA ra đời vào năm 1993. Từng đăng cai VCK Asian Cup năm 2000, nhưng thành tích của Lebanon lại khá nhạt nhòa: đứng cuối bảng với 2 trận hòa Iraq, Thái Lan và thua Iran. Năm 2004, đội tuyển nước này không qua nổi vòng đấu loại. Còn tới năm 2007, Lebanon phải bỏ cuộc ngay từ vòng loại vì tình hình chính trị bất ổn.

ĐT Lebanon từng gặp VN 2 lần tại vòng loại World Cup 2006, kết quả: ĐTVN dưới sự dẫn dắt của HLV Tavares hòa 1 và thua 1. Cụ thể:

• Ngày 31/3/2004, tại Nam Định: Lebanon thắng 2-0.

• Ngày 17/11/2004, tại Beirut: hòa 0-0.

PHƯƠNG LINH -  BÌNH MINH (TDTT.TP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm