Bản lý lịch không cha và nén nhang cho người đã khuất

Tuổi 16, Quyến đã là cầu thủ vàng cùng thành tích với đội U-16 Việt Nam dự vòng chung kết châu Á tại Đà Nẵng. Ngày ấy, đến khách sạn Hải Vân xin được phỏng vấn thằng bé đốt lưới đội Trung Quốc, ông trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh nháy tôi: “Đừng bao giờ hỏi về cha Quyến nhé! Nó không muốn ai nhắc đến người đã bỏ rơi mẹ con nó khi nó chưa kịp chào đời...”.

Sau vòng chung kết ấy, tôi về Nghệ An và xin các anh ở đoàn bóng đá cho xem lý lịch Quyến. Chợt giật mình khi phần khai về cha chỉ là một chữ CHẾT lạnh lùng dù mọi người từ thầy Thịnh đến bác Thanh ở đội bóng đều khẳng định “Ba Quyến vẫn còn sống và ở miền Nam với người khác”.

Có lần Quyến đang tập với bạn bè và đùa vui trong giờ nghỉ, tôi lân la hỏi thăm nó. Thằng bé tuổi 16 trả lời nhát gừng nhưng vẫn rất lễ phép. Bất chợt khi hỏi đến cha thì ánh mắt ấy trợn lên nhìn tôi một cách giận dữ. Nó không trả lời nhưng đứng phắt dậy và bỏ đi, rồi tung chân đá ly trà đá uống dở. Đến lúc này tôi mới cảm nhận đầy đủ lời khuyên của ông trưởng đoàn Hồng Thanh “Đừng bao giờ hỏi về cha Quyến nhé!”.

Về lại TP.HCM, cứ nghĩ đến bản lý lịch cha chết rồi ánh mắt ấy và cái chân giận dữ đá văng ly trà đá của thằng bé mới 16 tuổi, tôi lại trăn trở mãi với đề tài “Tìm cha cho Quyến!”.

Kế hoạch được vạch ra thật hoàn hảo với mục đích chỉ là để cha con đoàn tụ và ít ra cũng là để Quyến biết mặt cha. Chúng tôi thuyết phục mãi, cuối cùng Quyến và mẹ Niềm cũng chấp nhận cho nó đi tìm người đàn ông mà nó không muốn đối diện và không ngần ngại ghi chữ CHẾT vào bản lý lịch. Từ Vinh đi tàu ra Hà Nội, rồi lên máy bay vào TP.HCM, xong xuôi về miền Tây. Trong hành trình dài ấy, đã mấy lần Quyến bàn lui với cô đồng nghiệp nhận trách nhiệm đưa Quyến về miền sông nước tìm cha.

Nén nhang cho người đã khuất. Ảnh: QUANG MINH
Nén nhang cho người đã khuất. Ảnh: QUANG MINH

Thế rồi cái ngày đoàn tụ mà Quyến không bao giờ nghĩ đến vẫn xảy ra. Nó nhìn người đàn ông xa lạ ấy với ánh mắt lạnh lùng. Ông Thập - cha Quyến biết đấy là thằng con mình bỏ rơi nhưng vẫn không dám nhận. Ông lấm lét nhìn Quyến từ đầu đến chân rồi thẹn thùng thốt lên: “Quyến. Hãy tha thứ cho bố!”. Quyến không trả lời rồi theo ông vào trong nhà. Hai cha con hội ngộ trong tâm trạng thật kỳ lạ. Hình như trong niềm vui còn là oán hận và sự tủi hờn mà Quyến vẫn nghĩ về cảnh hai mẹ con côi cút cùng nhau sống trong những tháng ngày khó khăn.

Sau lần gặp ấy, Quyến ít nói hẳn đi và hay suy nghĩ dù ông Thập đã xin lỗi nó và chuyển lời xin lỗi ấy đến mẹ nó. Nó vẫn nói chuyện, vẫn trả lời ông nhưng không chịu gọi ông bằng bố. Hình như chữ CHẾT trong dòng khai về cha cứ ám ảnh nó và hình như từ bé nó đã xác định là mình không có cha.

Bẵng đi bảy năm sau cái ngày hội ngộ ấy, vừa qua lại được nghe chính bạn bè Quyến báo tin: “Thằng Quyến đang chịu tang cha. Ông Thập - bố nó mới mất hôm thứ Sáu. Nó xin đội được nghỉ tập để lo an táng cho ông nhưng nó không muốn ai biết cả”.

Có ai ngờ sau lần cha con hội ngộ mà vẫn chưa thông, chưa vượt qua được những cảm xúc và sự dằn vặt đấu tranh trong tư tưởng, thỉnh thoảng Quyến vẫn liên lạc với ông Thập. Nó không muốn gọi ông bằng bố vì không muốn cuộc sống riêng của ông ở miền Tây bị xáo trộn. Có lần nó tâm sự với bạn bè rằng nó sống không cha quen rồi nhưng trong tâm khảm nó vẫn có hình ảnh của một người mà nó phải gọi là bố.

Bằng chứng là những ngày cuối đời, ông Thập muốn về Nghệ An và được chết ở mảnh đất ấy, Quyến vẫn cố gắng đưa ông về rồi thỉnh thoảng Quyến vẫn thăm ông.

Nó không muốn người ngoài biết nhưng với bạn thân thì nó bộc bạch: “Trong cuộc sống, đôi lúc tha thứ cũng khó để thực hiện nhưng bây giờ thì mình không hận bố nữa rồi. Mình muốn để ông thanh thản ra đi...”.

Ngày Quyến ở trại giam, nó khóc hết nước mắt vì bà mất mà nó không thể chịu tang. Bây giờ khi án treo chưa mãn, nó vẫn mong mỏi từng ngày trở lại với sân cỏ thì lại chịu thêm cái tang nữa. Cái tang với người đàn ông mà hồi bé, rất bé nó vẫn từng ghi chữ CHẾT và xem đấy là sự bất hạnh của mẹ con nó.

Xin được gửi lời chia buồn cùng Quyến và gia đình...

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm