Áo thi đấu hàng hiệu sợ hàng nhái

Tuy nhiên, trong buổi lễ ký kết với phía B. Bình Dương, bà Nguyễn Thị Thu Hà - đại diện thương hiệu Kappa thừa nhận rằng năm năm tài trợ cho Hà Nội T&T nhưng lượng áo của Kappa bán ra không nhiều, có lẽ do hàng nhái, hàng giả lấn át, vả lại hàng chính hãng một chiếc áo của Kappa lên đến gần 1 triệu đồng, trong khi hàng nhái chưa đến vài trăm ngàn đồng nên rất khó. Ấy vậy mà Kappa mùa tới quyết tài trợ thêm hai đội nữa, tức B. Bình Dương (hai mùa 2016 và 2017) và ĐT Long An. Khi hỏi kế hoạch tài trợ cho đội bóng, tức qua tên tuổi đội bóng, Kappa muốn quảng bá thương hiệu và bán hàng tăng cao, nhất là lượng cổ động viên.

Thật lạ khi nhận được câu trả lời là Kappa chưa có mục tiêu này dù đó là cái đích cuối cùng của bất kỳ nhà tài trợ nào đến với bóng đá.

Nạn hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam đã trở thành một vấn nạn lớn chưa có thuốc đặc trị. Năm ngoái thương hiệu thể thao Thái Lan Grand Sport tài trợ áo thi đấu cho tuyển Việt Nam với mục đích đưa các sản phẩm của họ ra thị trường… Thế nhưng chưa được bao lâu thì nhà tài trợ này đã có dấu hiệu tắt vì hàng nhái, hàng giả áo đội tuyển tràn ngập, trong đó các fan ruột của đội tuyển Việt Nam vẫn thích mua hàng nhái giá rẻ hơn. Các thương hiệu lớn như Nike, Adidas từng đến với bóng đá Việt Nam nhưng ngán ngẩm hàng giả, hàng nhái rồi họ cũng bỏ đi.

Đây là vấn đề không hề nhỏ tí nào với bóng đá Việt Nam. Bởi ngay chính các CLB châu Âu khi được hỏi vì sao đa phần chỉ chọn Việt Nam làm điểm đến “chữa cháy” như vừa qua Man. City đến Hà Nội thay cho lịch trình trước đó với Indonesia bị gãy thì câu trả lời là: “Tại Việt Nam chúng tôi không thể phát triển việc bán áo thi đấu nằm trong chiến dịch kinh doanh của CLB được do không có bảo vệ nhãn hàng, đặc biệt là của các CLB một cách tích cực”.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm