Ngày thi đấu 4-12

Ánh Viên lấy lại phong độ, Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games

Không chỉ biến đối thủ người Malaysia thành cựu vương, Huy Hoàng còn xuất sắc xô đổ kỷ lục do chính Sim Welson đang nắm giữ, tạo nên kỷ lục SEA Games mới 3’49”08 ở cự ly 400 m tự do nam.

Ở cuộc tranh tài sinh tử với Sim Welson tại chung kết, Huy Hoàng tạo nên cuộc so kè quyết liệt với nhà đương kim vô địch ngay từ những mét đầu. Không khí trường đua Aquatics Center (New Clark City) mỗi lúc một căng thẳng theo nhịp bơi dồn dập, rồi mọi thứ nổ tung khi Huy Hoàng rướn mạnh vươn tay chạm mức đến trước Sim Welson trong tích tắc. Với thành tích 3’49”08, Nguyễn Huy Hoàng chính thức trở thành nhà vô địch đồng thời thiết lập kỷ lục SEA Games.

Tiếp nối thành công của Huy Hoàng, Ánh Viên nhẹ nhàng chinh phục chức vô địch cự ly 200 m hỗn hợp nữ sau cuộc rượt đuổi với Azzahra (Indonesia) và Jinjutha (Thái Lan) để lần thứ ba liên tiếp thống trị nội dung này tại đấu trường SEA Games.

Tuy thành tích 2’15”51 của Ánh Viên còn kém xa kỷ lục SEA Games 2’13”53 do chính Viên thiết lập năm 2015 tại Singapore nhưng với HCV này sẽ giúp Viên giải tỏa áp lực để thực hiện mục tiêu “8 vàng” ở đại hội này.

Ánh Viên và Huy Hoàng, những người khởi đầu mạnh mẽ tạo nên ngày thi đấu thứ tư ấn tượng  của thể thao Việt Nam. Ảnh: NGỌC DUNG

Trên đường bơi 100 m ngửa nam, với thành tích 54’98 Lê Nguyễn Paul đoạt chiếc HCB sau khi cán mức đến sau Quanh Zeng Wen (Singapore). Cùng với đó là chiếc HCB 100 m ếch được kình ngư 18 tuổi Phạm Thành Bảo tái lập, tròn 10 năm kể từ sau VĐV cựu trào Nguyễn Hữu Việt thiết lập kỷ lục SEA Games 1’01”60 vào năm 2009.

Ở cự ly 200 m bướm, Lê Thị Mỹ Thảo đã không bảo vệ được chiếc HCB hai năm trước khi để rơi xuống vị trí thứ ba chung cuộc.

Vào cuối ngày, bộ tứ Huy Hoàng - Kim Sơn - Quý Phước - Đình Chuyền bảo vệ thành công chiếc HCB cự ly 4x200 m tự do tiếp sức đồng đội nam.

Môn thể dục dụng cụ, nếu đương kim vô địch Lê Thanh Tùng gây thất vọng khi chỉ giành HCĐ nội dung nhảy chống nam thì đồng đội Đinh Phương xuất sắc hai lần hạ nhà vô địch thế giới Carlos Yulo (HCV toàn năng nam) ngay trên đất Manila giành “cú đúp vàng” nội dung xà đơn, xà kép. Cùng với chiếc HCV của Đặng Nam ở nội dung vòng treo, thể dục dụng cụ hoàn thành chỉ tiêu đoạt 3 HCV tại SEA Games lần này.

Môn cử tạ trong ngày thi đấu cuối, hai lực sĩ Nguyễn Thị Vân (71 kg) và Phạm Tuấn Anh (73 kg) đoạt thêm 2 HCB giúp cử tạ vượt ngưỡng chỉ tiêu.

Kết thúc ngày tranh tài 4-12, đoàn thể thao Việt Nam (27 HCV, 32 HCB, 33 HCĐ) ngày thứ tư liên tiếp thống trị ngôi á quân, đứng sau chủ nhà Philippines.

Ngày thi đấu 5-12, bơi lội tiếp tục làm đầu tàu

Ở ngày tranh tài 5-12, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng không có đối thủ cạnh tranh cự ly 1.500 m tự do. Vàng trong tầm tay nhưng điều mọi người chờ đợi là Hoàng có tự xô đổ kỷ lục 15’20”10 của chính mình hay không. Cùng dự tranh cự ly này còn có Nguyễn Hữu Kim Sơn. Nội dung 50 m ngửa, Ánh Viên cùng Phương Trâm đấu vòng loại. Bên cạnh đó, Ánh Viên cũng sẽ bước vào chiến dịch bảo vệ chiếc HCB cự ly 200 m ếch nữ. Cự ly 50 m bướm và 200 m hỗn hợp nam, Lê Nguyễn Paul tranh suất vào chung kết.

Môn cầu lông: Tay vợt nữ số một Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh tranh vòng một đơn nữ. Cùng nội dung này của nam, tài năng 19 tuổi Nguyễn Hải Đăng thay thế đàn anh Nguyễn Tiến Minh chinh phục mục tiêu giành huy chương SEA Games.

Môn đấu kiếm: Các VĐV Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi tranh cá nhân kiếm ba cạnh.

Môn quần vợt: Savanna Lý Nguyễn tranh chức vô địch đơn nữ gặp đối thủ Indonesia. Nội dung đơn nam, Lý Hoàng Nam và Daniel Cao Nguyễn cùng tranh suất vào chung kết với các đối thủ Singapore và Philippines. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm