Ảnh hưởng chuyên môn thì cấm, không cần phải thương lượng!

Thậm chí dư luận còn lấy ý kiến của nhiều người như HLV, hội trưởng hội CĐV, HLV trong khi nhiều người cho ý kiến thực tế là chưa chứng kiến những trận có dàn âm thanh “khủng” ấy.

Nếu dàn âm thanh quá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của trận đấu thì ban tổ chức cứ mạnh dạn cấm. Chỉ có điều là thời điểm và ngữ nghĩa khi ban hành công văn cấm đấy đừng để các CĐV và giới bóng đá hiểu lầm. Đúng hơn là lệnh cấm trên phải ban hành từ lâu rồi và ngay khi nhen nhóm chuyện mang loa điện vào phát cứ như vừa xem bóng đá vừa nghe ca nhạc với tần suất âm thanh lớn. Đáng tiếc là phải đợi đến khi tranh cãi về “còi méo” thì ban tổ chức mới phát đi lệnh cấm khiến nhiều người nghĩ rằng việc cấm loa chỉ là để che phần lỗi của trọng tài mà ban tổ chức không muốn nhận.

FIFA từng “ủng hộ” World Cup 2010 tại Nam Phi khi cho CĐV mang kèn vuvuzela (một loại kèn hơi có tiếng ồn cao) vào sân. Nhưng tới World Cup 2014 ở Brazil thì FIFA cấm hẳn một loại kèn của người bản địa sau khi xem xét mọi yếu tố và thấy ảnh hưởng đến chuyên môn của trận đấu.

Ở các môn bóng bàn, quần vợt, cầu lông và nhiều môn thể thao khác, ngay cả việc chụp ảnh cũng phải đúng quy định để không ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu thì không lý do gì dùng loa điện làm ảnh hưởng mà lại không thể cấm.

Cứ thật rõ ràng cùng những dẫn chứng làm ảnh hưởng đến chuyên môn mà cấm và không cần phải lý giải lòng vòng. Hy vọng lần tới khi ra lệnh cấm, VPF và ban tổ chức rút kinh nghiệm đừng để hiểu lầm làm cái này để che cái kia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm